Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh có đáng lo ngại?

Sức khỏe 23/08/2023 15:29

Dịch sốt xuất huyết đang tăng nhanh và diễn biến phức tạp, trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân nặng.

Hà Nội ghi nhận thêm gần 1.000 ca sốt xuất huyết trong tuần qua

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 11/8 đến 18/8), trên địa bàn thành phố ghi nhận 996 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 234 ca so với tuần trước đó).

Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là: Hoàng Mai (103 ca), Thanh Trì (73 ca), Thạch Thất (63 ca), Bắc Từ Liêm (55 ca), Hà Đông (55 ca), Phú Xuyên (51 ca), Cầu Giấy (50 ca).

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có hơn 4.500 ca mắc, gấp khoảng 4 lần so với năm 2022. Bệnh nhân có ở tất cả các quận, huyện, thị xã của thành phố.

Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh có đáng lo ngại? - Ảnh 1
Số ca nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong tuần qua (Ảnh minh họa)

Cũng trong tuần qua, có thêm 71 ổ dịch sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện, thị xã; trong đó dẫn đầu là Hoàng Mai với 13 ổ dịch; tiếp đến là Bắc Từ Liêm (10 ổ dịch); Đan Phượng (6 ổ dịch); Đống Đa (5 ổ dịch); Hà Đông, Cầu Giấy, Mê Linh - mỗi nơi có 4 ổ dịch; Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Phú Xuyên - mỗi nơi có 3 ổ dịch; Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai, Hoàn Kiếm, Chương Mỹ, Phúc Thọ - mỗi nơi có 2 ổ dịch; Quốc Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm - mỗi nơi có 1 ổ dịch.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng nhanh trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Trong tuần này, thành phố tiến hành giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch 7 quận, huyện.

Ca mắc sốt xuất huyết tăng cao có đáng lo ngại?

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận từ 10-20 ca sốt xuất huyết, đây là những ca nặng. Năm nay, các ca sốt xuất huyết xuất hiện từ tháng 5-6, sớm hơn so với mọi năm. Đây là một dấu hiệu khá bất thường. Bởi thông thường sốt xuất huyết thường diễn ra theo chu kỳ, cứ 5 năm lại có đỉnh dịch lớn. Trước đây 2 chu kỳ dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra vào năm 2017 và 2022 nhưng đến năm nay số lượng và tần suất ca mắc sốt xuất huyết nhiều hơn.

Nguyên nhân có thể do thời tiết, biến đổi khí hậu. Ngoài ra có thể do muỗi sinh sôi, phát triển nhiều hơn và công tác dự phòng (phun muỗi, diệt bọ gậy…) chưa chú trọng.

Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh có đáng lo ngại? - Ảnh 2
Ban đỏ trên da do mắc sốt xuất huyết (Ảnh minh họa)

Những ca sốt xuất huyết nhập viện thường có dấu hiệu cảnh báo như chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh ở nữ giới, nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa… Một số bệnh nhân có biểu hiện suy nội tạng như suy gan, men gan tăng cao có bệnh nhân men gan tăng hơn 1000. Một số trường hợp viêm não, có biểu hiện sốc, tụt huyết áp sốc giảm thể tích cô đặc máu…

Tuy nhiên hiện tại chưa ghi nhận ca bệnh nào tử vong do sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, không có ghi nhận bất thường về virus hay độc tính của virus, do vậy người dân không nên quá lo lắng.

 

7 dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết trở nặng, đi viện càng sớm càng tốt

Hà Nội đang là trọng điểm về sốt xuất huyết của miền Bắc, với số ca bệnh chiếm 80-85. Người dân không nên chủ quan với dịch sốt xuất huyết vì nếu bị nặng có thể dẫn tới tử vong.

TIN MỚI NHẤT