Cảnh giác hậu quả nặng nề từ áp lực thi cử

Sức khỏe 27/06/2023 12:16

Các giáo sư có cơ hội làm việc với những đứa trẻ để nghiên cứu về áp lực kỳ thi ở mức độ báo động cho biết tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Theo ông Peter Smith, giám đốc bệnh viện ở Roehampton, nam London thì những người trẻ tuổi đang phải đấu tranh để đương đầu với những áp lực của kỳ thi GCSE và trình độ A. Ông cũng cho biết, áp lực thi cử dễ nhận thấy nhất trong những vấn đề về sức khỏe tâm thần, xuất phát từ những lo lắng cho đến việc rối loạn dinh dưỡng và tự gây hại cho mình.

Sonya Goldsmith, 19 tuổi, hiện đang theo học chuyên ngành tâm lý, đồng cảm với những người đang chuẩn bị cho kỳ thi và phải chịu đựng những lo lắng ở mức độ cao.

Sonya chia sẻ: "Đối với kỳ thi GCSE, tôi học thuộc lòng mọi thứ, gần như là học vẹt. Tôi không có cảm giác về việc sắp xếp thời gian ôn tập sao cho hợp lý. Tôi tự nhốt mình trong phòng ngày này qua ngày khác trước kỳ thi và không muốn ra ngoài mặc dù những gì tôi học chả đáng là bao. Thay vì làm một số việc gì đó có lợi như nghỉ ngơi, ngủ trưa, hít thở không khí trong lành thì khi càng không có gì trong đầu thì tôi càng quyết tâm ngồi lại trong phòng và cố gắng và nhồi nhét càng nhiều càng tốt. Và tôi đã tự chuốc lấy thất bại - một cách để trừng phạt chính bản thân vì đã không tiếp nhận đủ thông tin - và mức độ lo lắng của tôi tiếp tục tăng lên cho đến khi tôi có cảm giác mình có thể hét to lên được".

Cảnh giác hậu quả nặng nề từ áp lực thi cử - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Một ngày trước kỳ thi GCSE tiếng Latin của Sonya, cảm giác muốn hét lên của cô cuối cùng cũng trở thành hiện thực. "Tôi ngồi cố tập trung để học, nhưng chẳng có thể đưa vào đầu cái gì cả. Tôi bất lực, bức bối và cảm giác kích động lớn dần lên. Tôi dựa người vào cửa sổ phòng ngủ và hét lớn. Cũng may, sau đó tôi kịp lấy lại thăng bằng và cố gắng đạt được điểm A".

Theo Sonya, bố mẹ cô không gây áp lực cho cô phải đạt được những điểm số xuất sắc. Trái lại, mẹ cô, bà Millie, còn động viên cô dành ít thời gian ở trong phòng ôn bài mà hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Thế nhưng áp lực lại đến từ phía Sonya, bởi cô cảm thấy mình không đạt được những điểm số như mong muốn và tự thấy rất nhiều áp lực cần phải đạt được.

ChildLine, một quỹ từ thiện của trẻ em, cho biết, số cuộc gọi cao nhất kể từ khi quỹ này được thành lập đó là khoảng thời gian từ tháng 4/2003 đến tháng 3/2004, hơn 900 trẻ em đã nói chuyện với những tư vấn viên của ChildLine về áp lực thi cử - tăng hơn 50% so với năm trước khi chỉ có 600 cuộc điện thoại được ghi nhận. Đa số những người gọi đến nằm trong độ tuổi từ 12 - 15; số người gọi là nữ gấp 5 lần số người gọi là nam. Những thanh niên nói về cảm giác hoảng sợ, những gánh nặng và sự quá tải. Họ thường thấy rằng cả tương lai của mình phụ thuộc vào kết quả của những kỳ thi; và áp lực để thành công là quá sức chịu đựng của họ.

Adrian Brown, một thành viên của ChildLien, cho biết nếu trẻ em có nhiều vấn đề bị áp lực trong cuộc sống như bị lạm dụng hay suy sụp do mối quan hệ không tốt đẹp của cha mẹ thì lo lắng về những kỳ thi có thể là giọt nước làm tràn ly. "Chúng tôi biết rằng 900 cuộc gọi mà chúng tôi nhận được chỉ là bề nổi của tảng băng."

Maureen Pearson thuộc tổ chức Parentline Plus, tin rằng những đứa trẻ cầu toàn, nhiều tham vọng thường là nạn nhân của áp lực thi cử; tuy nhiên có rất nhiều điều mà cha mẹ có thể làm để giảm bớt những áp lực đó trong quá trình ôn tập trước mỗi kỳ thi.

Cảnh giác hậu quả nặng nề từ áp lực thi cử - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Bà chia sẻ: "Đây là khoảng thời gian bận rộn của chúng tôi vì nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các phụ huynh; những người đang cố gắng tìm ra sự cân bằng giữa việc muốn con mình làm tốt và việc không đặt quá nhiều áp lực lên chúng. Hãy nhấn mạnh với những đứa trẻ rằng việc cố gắng làm tốt nhất những gì mình có thể là rất quan trọng.

Nếu chúng cảm thấy quá tải bởi hàng đống thông tin chúng cần phải ghi nhớ, hãy giúp chúng bằng cách chia nhỏ lượng thông tin đó ra thành những kế hoạch ôn tập hợp lý. Nuông chiều cũng là một nhân tốt cần thiết của việc ôn tập. Những việc đơn giản như chuẩn bị cho chúng những bữa ăn ngon; không yêu cầu con phải rửa bát mỗi ngày hay cho phép chúng xem những chương trình tivi yêu thích, luôn dành cho chúng quyền ưu tiên là những việc mà cha mẹ có thể làm để giúp con mình trong thời gian các con ôn thi. Đừng quá nghiêm khắc với chúng nếu chúng để phòng mình trông như "chuồng lợn".

Hãy biết rằng những kỳ thi là một khoảng thời gian sợ hãi. Điều quan trọng là hãy để cho chúng biết rằng ai cũng có một cơ hội thứ 2 để làm lại mọi thứ trong cuộc đời, bao gồm cả thi cử. Hãy nói cho con biết cho dù kết quả của kỳ thi có như thế nào đi nữa, bạn vẫn yêu chúng".

Linda Blair, nhà tâm lý học tại đại học Bath cũng cho biết áp lực thi cử ngày một tăng lên. Trẻ em cảm thấy áp lực từ giáo viên, những người cũng bị áp lực phải đạt được những kết quả ấn tượng bởi thành tích nghề nghiệp. Những kỳ thi mà bọn trẻ tham gia cũng làm tăng thêm áp lực thi cử - giai đoạn này được miêu tả như giai đoạn thử thách nhất trong lịch sử.

"Khối lượng kiến thức mà trẻ hy vọng có được là điều tốt nhưng khối lượng kỳ thi lại không phải như thế. Bản thân cha mẹ cũng mong con cái có những kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, sự phong phú của kiến thức mà bọn trẻ hy vọng có được là một điều tốt; nhưng kiến thức trong những kỳ thi lại không như vậy.

Do đó, điều quan trọng là cha mẹ cần nhấn mạnh với bọn trẻ rằng điều quan trong trong mỗi kỳ thi, hay bất cứ để làm tốt điều gì đó là các con đã có sự nỗ lực để làm tốt chứ không phải là kết quả các con sẽ gặt hái thế nào.Và đó là một thông điệp có thể được củng cố bằng cách xây dựng lòng tự trọng nhằm giảm áp lực cho trẻ" - Linda Blair cho hay.

Đối với Millie Goldsmith, bà luôn khuyến khích lòng tự trọng của cô con gái Sonya và ủng hộ cô bé có thời gian nghỉ ngơi giữa những lúc ôn tập.

"Tôi nhớ khi bằng tuổi con gái mình, tôi cũng tham dự một kỳ thi về âm nhạc và sinh học. Lúc đó tôi rất sợ hãi và trượt cả 2 môn. Đôi khi lo lắng mà Sonya mắc phải là thừa hưởng ở tôi và khó có thể thay đổi được chúng" - Bà Millie Goldsmith chia sẻ.

 

 

Áp lực thi chuyển cấp, nam sinh lớp 9 nhập viện do thủng ổ loét hành tá tràng

Nam sinh N.X.Đ (15 tuổi) dưới áp lực thi cử lớn đã phải nhập viện trong tình trạng viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng.

TIN MỚI NHẤT