Nỗi khổ của những ông chồng có vợ là “sếp bà”

Chuyện vợ chồng 07/05/2015 15:30

Là đàn ông, ai cũng mong mình là trụ cột gia đình, là bờ vai để vợ con dựa vào, ai chẳng muốn thét ra lửa, nói một là một hai là hai để vợ phục con nghe... Nhưng đời nào như là mơ, có những ông chồng đành “lép vế” bên cạnh một người vợ uy quyền từ ngoài ngõ, ngoài phường.

Coi chồng như… cấp dưới

Có vợ khôn, vợ thành đạt là điều tốt. Đâu phải ông chồng nào cũng được ban phước ấy. Nhưng nó cũng kéo theo nhiều hệ lụy đi kèm mà chỉ có những ai trong “chăn” mới hiểu thấu.

Vốn dĩ đàn ông được mặc định là phái mạnh, nghĩa là phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phải gánh vác về mặt kinh tế, cũng như việc đứng ra làm “thuyền trưởng” để chèo lái gia đình mình đi đúng hướng. Không ai mong muốn mình đi sau vợ, bởi tính sĩ diện và lòng tự trọng, tính đàn ông trong các ông chồng rất lớn.

Nỗi khổ của những ông chồng có vợ là “sếp bà” - Ảnh 1
Nhiều người phụ nữ thành đạt thường hay lấn át chồng

Việc lép vế hơn phụ nữ, nhất là vợ mình là điều trái quy luật tự nhiên nên việc chấp nhận tình trạng này là điều rất khó. Xưa nay, định kiến luôn đóng khung đàn bà, con gái vào vai trò nội trợ, sinh nở, chăm sóc con cái còn ngược lại đàn ông là người đóng vai trò quan trọng trong gia đình cũng như đảm nhiệm vị trí cao ngoài xã hội. Do đó, khi có một bà vợ thành công, nhiều ông chồng rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.

Anh Hùng Kh. (Q.1, TP.HCM) chia sẻ: Anh lấy vợ cách đây 10 năm, ngày đó anh và chị cùng làm chung một công ty nước ngoài. Anh chỉ là nhân viên IT, còn chị là nhân viên bán hàng. Bốn năm đầu, gia đình tuy không giàu có nhưng yên ấm. Nhưng mọi chuyện hoàn toàn thay đổi khi chị từ nhân viên bán hàng được đích thân bên phía công ty mẹ thăng chức lên làm giám đốc bán hàng khu vực rồi vùng và sau đó là giám đốc bán hàng toàn quốc. Những chuyến đi nước ngoài hội thảo, họp hành đã biến chị thành một con người hoàn toàn khác.

Anh vì thương hai con nhỏ nên nghỉ việc để về chăm sóc, đưa đón con cái. Anh trở thành “vợ” từ lúc nào không hay. Mọi chi tiêu trong gia đình đều từ một tay chị làm ra, cuộc sống đầy đủ và dư dả. Anh và các con không hề thiếu thốn bất cứ gì, ngoài thiếu một người vợ người mẹ đúng nghĩa. Những trận cãi nhau nảy lửa vì chị quen với những kế hoạch, chỉ thị, mục tiêu, tiến độ thực hiện công việc ... ở công ty và vô tình về nhà áp dụng lên ngay chính chồng con. Anh Kh. mệt mỏi cho biết “cô ấy thường xuyên coi tôi như nhân viên, phòng ngủ thành nơi làm việc, còn giờ ăn cơm là giờ họp. Tôi chẳng khác gì cấp dưới của cô ấy, chỉ cần lỡ lời là bị “lĩnh án”. Cuộc sống gia đình dần dần trở thành nhà tù, cô ấy là người quản tù khắc nghiệt”.

Còn anh Lâm A (Q.1, TP.HCM) cũng cùng chung nỗi lòng với anh Kh. Tuy Hà L (vợ anh A.) không mắc “bệnh” sếp bà nhưng anh Lâm A. vô cùng khốn đốn vì Hà L. dính phải “học vị”. Yêu nhau từ khi còn học chung lớp đại học, anh A ra trường và ở nhà mở công ty phần mềm riêng, còn chị L. ở lại làm giảng viên. Sau một thời gian dài phấn đấu, vợ anh được cho đi học tiến sỹ ở Úc. Sau ngày về nước, với mác tiến sỹ, vợ anh bắt đầu tung hoành. Cô bắt đầu coi thường gia đình chồng, từ lời nói đến hành động cô đều gắn mác tiến sỹ khiến cho người mẹ chồng ở quê mới lên ở cùng gia đình con trai cả nằng nặc đòi về. Ban đầu anh thông cảm vì áp lực công việc của vợ, nhưng dần dà anh bắt đầu thấy sợ bệnh học vị của vợ. Hai vợ chồng không còn muốn chia sẻ công việc cũng như những mong muốn đối với bạn đời khiến cả hai ngày càng xa cách nhau.

Đừng “ăn thua” với bạn đời

Thành công là điều đáng trân trọng, phụ nữ thành đạt là điều tốt và hiếm. Trong xã hội hiện đại, phái yếu được cởi trói, không cần phải ngày ngày chui vào bếp, ru con ngủ hay lau dọn nhà cửa, nhưng nó không đồng nghĩa với việc các “sếp bà” quên đi vị trí, thiên chức làm vợ của mình. Gia đình chỉ hạnh phúc thực sự khi cả hai biết san sẻ mọi chuyện trong nhà với nhau. Bước ra khỏi cửa, các bà có thể có xe đưa xe đón, nhân viên xách cặp, mở cửa xe... nhưng một khi đã về nhà là phải làm vợ. Nhưng mặt khác, các ông chồng cũng cần học cách thừa nhận sự nỗ lực phấn đấu, thành đạt của phụ nữ. Giá trị của người bạn đời luôn được khẳng định khi người chồng biết cổ vũ, chia sẻ sự thành công của vợ.

Nỗi khổ của những ông chồng có vợ là “sếp bà” - Ảnh 2
Khi trở về nhà, mọi người phụ nữ đều phải biết chăm lo cho gia đình

Hôn nhân không phải là cuộc chạy đua phải nhất quyết “ăn thua” mà có sự tiến lui hợp lý để thúc đẩy nhau phát triển, phát huy sở thích, thế mạnh riêng của nhau. Thành công của người này là niềm vui của người kia, và ngược lại.

Nếu biết cân bằng giữa xã hội và gia đình, công việc và chồng con thì dù “sếp bà” có là tổng thống đi chăng nữa vẫn giữ được chồng con, và khiến cho mái ấm của mình bình yên. Sau lưng người đàn ông thành đạt là người đàn bà biết chăm chút, quan tâm. Và sau người đàn bà thành công là sự cố gắng của cả hai vợ chồng lẫn con cái. 

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT