Nuôi con không phải để 'cân ký'

Bài học làm mẹ 14/05/2015 00:13

Nhiều bà mẹ vẫn giữ quan điểm 'Con càng béo càng khỏe', nhất là với những đứa trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm vì cân nặng không phải là yếu tố đánh giá sự khỏe mạnh hay thông minh của một đứa trẻ.

"Cháu được mấy ký rồi? Gầy thế à"

Rất nhiều  người Việt Nam, đặc biệt là các bà mẹ thuộc thế hệ trước luôn hỏi câu cửa miệng này khi nhìn thấy một đứa trẻ không được bụ bẫm cho lắm. Đối với họ, trẻ con càng béo mới càng khỏe. Vì vậy một em bé không nặng, không béo thường bị đánh giá là "ốm yếu", "mẹ không biết chăm con". Chính quan điểm hết sức sai lầm này khiến cho những bà mẹ trẻ nếu thiếu lập trường, kiến thức có thể lao vào cuộc chiến ép con ăn uống càng nhiều càng tốt, với mục tiêu "lý tưởng hóa cân nặng".

Nuôi con không phải để 'cân ký' - Ảnh 1
Cân nặng không phải là yếu tố duy nhất đánh giá sự phát triển của bé

Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, các bà mẹ trẻ thường than thở với nhau bị hàng xóm, gia đình chồng đánh giá là "không biết nuôi con" khi cân nặng của bé không bằng bạn bằng bè. Chị A.N cho biết "Tôi luôn cảm thấy áp lực với cái gọi là chỉ tiêu bụ bẫm. Đối với tôi, con tôi chỉ cần khỏe mạnh, không ốm đau, lanh lợi và nhanh nhẹn là được. Tôi không cần bé phải béo hay đạt số cân thật nặng. Tuy nhiên nhiều người lại không nghĩ như vậy. Cứ mỗi lần ra đường, tôi lại bị hỏi về cân nặng của con và nghe những lời chê ỏng eo của hàng xóm khi thấy bé không nặng như con nhà khác. Tuy nhiên tôi không quan tâm về điều này".

Một bà mẹ khác, chị H.Y chia sẻ rằng: "Mẹ chồng tôi đặc biệt thích cháu phải béo và bụ bẫm. Vì thế cứ tôi cho con ăn thì không sao, nhưng mỗi lần bà cho cháu ăn là cháu khóc suốt vì bị "nhồi" thật nhiều thức ăn, sữa để mong cân nặng "bằng bạn bằng bè". Tôi quan điểm cho con ăn theo phương pháp BLW (tự bốc, xúc đồ ăn dặm) nên luôn muốn mỗi bữa ăn của bé phải là một niềm vui, ăn phải theo nhu cầu của con. Tuy là người hiện đại nhưng nhiều lúc cũng cảm thấy bất lực vì bất đồng quan điểm nuôi con trong gia đình".

Béo không phải là tốt

Tháng 3/2013, kết quả sau một năm thực hiện thí điểm chương trình giáo dục dinh dưỡng học đường của Viện Dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam tăng nhanh và đạt tỷ lệ báo động 10-15%. Trẻ em mắc bệnh béo phì sẽ dẫn đến mắc các căn bệnh khác như: tiểu đường, loãng xương, mù lòa và ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển về sinh lý, ngoại hình và trí tuệ. 

Nuôi con không phải để 'cân ký' - Ảnh 2

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các yếu tố như sức khỏe, chiều cao, sức đề kháng, sự nhanh nhẹn, khả năng học hỏi mới thể hiện sự phát triển lý tưởng của một em bé chứ không chỉ cân nặng. Cân nặng "chuẩn" chỉ là một khía cạnh tham khảo trong việc đánh giá trẻ em. Hơn nữa, việc bé bị béo phì, bị nhồi ăn sẽ gây ra những bệnh khó chữa, hay đơn giản là tâm lý sợ hãi, lo lắng trước mỗi bữa ăn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của trẻ.

Các bậc phụ huynh Việt Nam nên thay đổi quan điểm về cân nặng của trẻ cũng như vấn đề cho bé ăn hàng ngày để mỗi em bé có thể phát triển thể chất cũng như trí tuệ tốt nhất. "Càng béo càng khỏe" là một suy nghĩ khá sai lầm và ngày càng bị phản đối bởi các bác sỹ nhi khoa cũng như nhiều cha mẹ hiện đại.

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT