Câu like bằng hình ảnh đáng thương: Lòng thiện tâm của con người đang bị bỡn cợt

Xã hội 23/07/2017 10:56

Không phải người dùng mạng xã hội nào cũng có đủ kiến thức để phân biệt ảnh thật, ảnh giả. Nhiều kẻ gian đã lợi dụng điểm yếu này để sửa chữa lồng ghép ảnh nhằm câu view cũng như lợi dụng lòng tốt của mọi người.

Người ta chết rồi cũng… không tha

Để được chú ý, kiếm được nhiều nút like từ cộng đồng mạng, nhiều người thậm chí là cả doanh nghiệp đã lợi dụng "cái chết" của những người nổi tiếng để câu view.

Cách đây vài năm, người hâm mộ Việt Nam cũng đã vô cùng tiếc nuối với sự ra đi của người mẫu, diễn viên Duy Nhân. Lợi dụng chính điểm này, nhiều trang Facebook có tên như: "Like cho Duy Nhan song lai", "Đạt ... like Duy Nhân sẽ sống lại"...đã được lập ra nhằm mục đích câu view.

Hành động này khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Có thể thấy chỉ vì lợi nhuận mà một số người sẵn sàng bán rẻ lương tâm.

Câu like bằng hình ảnh đáng thương: Lòng thiện tâm của con người đang bị bỡn cợt - Ảnh 1
Chiêu trò câu like dựa trên lòng thương cảm của người khác - Ảnh: Internet

Nghiêm trọng hơn, nếu cả tin, một số bộ phận người dùng mạng xã hội có thể bị lôi kéo, lừa đảo thậm chí là kích động quần chúng.

Câu like bằng ảnh mắc bệnh hiểm nghèo, đang trong tình trạng nguy kịch

Người đăng các loại ảnh như gặp tai nạn giao thông, em bé mắc bệnh hiểm nghèo hoặc hình ảnh kinh dị nào đó kèm theo vài dòng vô nghĩa kiểu “Một like để đồng cảm với tai nạn thương tâm này”, hoặc “Đây là đám cưới của đôi trai gái đã chết nhưng gia đình vẫn tổ chức lễ cưới dưới âm phủ cho họ. Ai xem ảnh này mà không like thì sẽ bị vận vào tình cảm”…, là yên tâm ngồi nhìn Notifications “nhảy” ầm ầm vài trăm, thậm chí vài nghìn like.

Câu like bằng hình ảnh đáng thương: Lòng thiện tâm của con người đang bị bỡn cợt - Ảnh 2
Một trang Facebook được lập ra nhằm câu like - Ảnh: Internet

Câu like bằng những bức ảnh về số phận nghèo khó, kém may mắn

Trước đây, bức ảnh hai cháu bé ngồi ôm nhau với dáng vẻ bơ vơ và tội nghiệp được đăng tải cùng dòng trạng thái: "Mẹ nó mất vì ca sinh khó em nó. Bố vất vả làm lụng để nuôi 2 anh em. Nhưng không may tai nạn lao động xảy ra, ông cũng qua đời. Còn hai anh em... biết làm sao đây? Hỡi mảnh đời bất hạnh... Hãy luôn yêu thương và trân trọng nhau mọi người nhé!" ngay lập tức trở thành sự chú ý của dư luận, nhưng ít ai biết rằng đây chỉ là một màn câu like "có đẳng cấp".

Câu like bằng hình ảnh đáng thương: Lòng thiện tâm của con người đang bị bỡn cợt - Ảnh 3
Hai cháu bé ôm nhau được dựng lên một câu chuyện vô cùng thương tâm nhằm "hút like" của dư luận - Ảnh: Internet

Sau đó, một người dùng đã tiết lộ sự thật: "Mình post lại tấm này vì tình cờ hôm nay có mấy bạn Việt Nam, mấy bạn Ảrập gửi link cho mình về mấy cái page kiểu "Lặng nhìn cuộc sống" hay giời bụt gì đó và có cả 1 trang tiếng Ảrập. Mấy trang ở Việt Nam thì thêu dệt chuyện lâm ly bi đát, mẹ nó chết sớm, bố nó bla bla. Trang kia thì nói đây là 2 đứa bé đạo Hồi ở Miến Điện. Các bạn ấy còn định kêu gào quyên góp này nọ… Mình nhắc lại, đây là ảnh 2 anh em người Hmong ở Cán Tỷ, Quản Bạ, Hà Giang. Cậu anh đang dỗ cô em bé tí của mình, chả có trẻ em mồ côi gì ở đây cả. Mọi người mà nhìn thấy các page ăn cắp ảnh này và sáng tác truyện lâm li thì làm ơn vào vạch mặt ngay để tránh kẻ xấu lại lợi dụng lòng tốt sến súa của mọi người để quyên góp tiền nong này nọ".

Quá bức xúc, nhiếp ảnh gia chụp lại bức ảnh này đã lên tiếng: "Tấm ảnh, tự bản thân nó đã có thông điệp hay và ý nghĩa, nhưng một số trang cả trong nước lẫn nước ngoài đã thêu dệt những chuyện lâm ly như mồ côi, mẹ lấy chồng.... Đây là một việc làm không chấp nhận được. Hoàn cảnh của các em tuy có nghèo khó nhưng vẫn vui vẻ, đầm ấm với cha mẹ. Dựng một câu chuyện cha mẹ các em mất có phải là xuyên tạc và nhẫn tâm không? Mà để làm gì? Để câu like, để được mọi người thương xót, thậm chí có rất nhiều bạn đọc có ý định quyên góp cho 2 em, tôi không hiểu nếu có người đóng góp thì tiền đó sẽ vào túi ai?"

Chính vì những trường hợp trên, người dùng mạng xã hội, nhất là Facebook hiện nay cần cẩn trọng trước mỗi thông tin đăng tải để không bị biến thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo. 

Chỉ vì muốn 'câu like', giới trẻ Việt sẵn sàng đóng kịch đánh ghen xát muối ớt vào vùng kín, dựng clip rửa chân trong xô trà đá...

Bịa chuyện gây hoang mang dư luận chính là cách mà nhiều bạn trẻ dùng mạng xã hội hiện nay làm để gây chú ý, câu like nhằm trục lợi cá nhân.

TIN MỚI NHẤT