Nơm nớp lo khi Ô sin “mất nết”

Xã hội 25/11/2017 13:33

Không được đào tạo kỹ năng chăm sóc trẻ, lý lịch không rõ ràng, không được giám định sức khỏe… khiến nhiều tai họa đã xảy ra khi giúp việc bạo hành trẻ, trộm cắp tài sản.

Mới đây sự việc người giúp việc hành hạ bé sơ sinh hơn 1 tháng tuổi ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam khiến dư luận phẫn nộ. Thuê người giúp việc trong đó có trông trẻ nhỏ đang là nhu cầu rất lớn đặc biệt là ở các thành phố. Tuy nhiên, “kênh” cung cấp nguồn lao động này chủ yếu lại là các trung tâm môi giới việc làm hoặc thông qua người quen giới thiệu. 

Không được đào tạo kỹ năng chăm sóc trẻ, lý lịch không rõ ràng, không được giám định sức khỏe… khiến nhiều tai họa đã xảy ra khi giúp việc bạo hành trẻ, trộm cắp tài sản.

Tù mù thuê “Ô sin” qua trung tâm môi giới

Chỉ còn vài ngày nữa là chị Nguyễn Thanh Hoa, trú tại đường Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã kết thúc 6 tháng nghỉ sinh con. Tuy nhiên, vấn đề khiến chị Hoa đau đầu là việc thuê người giúp việc trông cô con gái gần 6 tháng tuổi. 

Chị Hoa cho biết, thông qua một trung tâm môi giới việc làm với mức giá 800.000 đồng/người, chị đã thuê đến 2 người giúp việc nhưng đều không hài lòng và đã cho nghỉ việc. 

“Người giúp việc đầu tiên được trung tâm quảng cáo có kinh nghiệm trông trẻ nhiều năm. Thế mà hướng dẫn rất nhiều lần nhưng chị ấy vẫn không biết cho bé ăn, dỗ bé ngủ khi bé quấy khóc. Còn người giúp việc thứ 2 lấy lý do con mình lười ăn đòi tăng thêm tiền lương. Trong lúc bé ngủ chỉ nhờ giúp việc quét nhà, giặt quần áo là chị ta khó chịu”. 

Giờ chị Hoa đang phải đăng thông tin người giúp việc lên các trang mạng xã hội để nhờ bạn bè tìm giúp. “Chỉ mong bạn bè có người thân quen đã có kinh nghiệm đi trông trẻ giới thiệu chứ qua các trung tâm môi giới không thể biết họ là người như thế nào, có đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, kỹ năng để chăm sóc con mình hay không”, chị Hoa thở dài.

Dù lo lắng nhà cửa ở quê không người trông nom nhưng bà Nguyễn Thị Hòa, ở khu đô thị Trung Văn, Hà Nội cũng không dám để vợ chồng người con trai thuê người giúp việc trông cháu nội. 

Bà cho biết, nhìn Ô sin nhà hàng xóm chăm sóc trẻ bà không hề yên tâm. Chủ nhà đi làm, cả ngày chỉ có Ô sin và đứa nhỏ hơn 1 tuổi. Đút cháo cho trẻ, cứ trẻ một miếng thì Ô sin một miếng. Ô sin bực tức, thậm chí còn đánh khi đứa trẻ khóc. Thê thảm hơn, có phụ huynh mãi sau này thấy con có biểu hiện lạ mới biết, để có nhiều thời gian rảnh rỗi, ô sin đã cho trẻ uống sữa pha với thuốc ngủ.

 

Nơm nớp lo khi Ô sin “mất nết” - Ảnh 1
Giúp việc gia đình cần phải được đào tạo nghề. Ảnh minh họa

Cần được đào tạo và đưa vào quản lý

Những người đi xuất khẩu lao động làm giúp việc đều phải được đào tạo bài bản, phải có tay nghề thành thạo thì mới tồn tại được ở đất nước mà họ được nhận vào làm việc. Nhưng tại Việt Nam, giúp việc gia đình hầu hết đều là nghề tự phát, chưa được đào tạo và chưa được quản lý. 

Giúp việc gia đình mạnh ai lấy làm theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thậm chí có những người chưa có một chút kinh nghiệm chăm sóc trẻ hoặc các kỹ năng sử dụng thiết bị trong gia đình. 

Hơn thế nữa, giúp việc chủ yếu là người quen giới thiệu, hoặc thuê qua các trung tâm môi giới việc làm, nhưng chủ nhà cũng không biết được rõ ràng lai lịch hoặc người đó có mắc các chứng bệnh liên quan đến thần kinh hay không. Khi giao trẻ nhỏ cho giúp việc hoàn toàn không có kinh nghiệm, lại không có người ở nhà là một sự lo lắng không phải nhỏ.

Là trung tâm đã có nhiều năm kinh nghiệm trong tuyển dụng lao động giúp việc cho các gia đình trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Trung tâm dạy nghề Nhân đạo của thầy Trần Duyên Hải tại ngách 48, ngõ Linh Quang, phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội có những quy trình riêng. 

Theo thầy Trần Duyên Hải, trước hết, trung tâm không thu phí tuyển dụng đối với người lao động. Thứ hai, người lao động khi đến trung tâm xin tuyển dụng phải làm một bộ hồ sơ xin việc có dấu của UBND xã. Tiếp đó, khi đến xin tuyển dụng, trung tâm sẽ xác minh từ lực lượng Công an xã về nhân thân của người xin việc. 

Đối với những người đã từng có tiền án, tiền sự, Trung tâm sẽ hoàn trả lại hồ sơ. Người giúp việc đến làm việc tại bất cứ gia đình nào đều phải có khai báo tạm trú, tạm vắng rõ ràng. Trung bình mỗi năm, ngoại trừ các mùa vụ gặt tại quê, mỗi tháng trung tâm giới thiệu từ 50 người giúp việc cho các gia đình và đều có phản hồi tốt.

Tuy tuyển lựa khá kỹ như vậy, nhưng tại trung tâm của thầy Hải cũng không tránh khỏi việc chủ nhà bị người giúp việc lấy trộm tài sản. Vụ việc cháu bé hơn 1 tháng tuổi ở Phủ Lý (Hà Nam) bị người giúp việc bạo hành là tiếng chuông báo động về tình trạng lộn xộn của dịch vụ giúp việc hiện nay. Nếu không được đào tạo và đưa vào thành nghề được quản lý thì những sự việc đau lòng như trên sẽ còn có thể tái diễn.

Vụ người giúp việc tung hứng, đánh đập bé gái: “Bác sĩ bảo con tôi bị sang chấn về tâm lý, gia đình cần phải theo dõi đặc biệt"

Hàng xóm nơi gia đình cháu bé đang sinh sống cho biết, người giúp việc này đã làm nhiều năm nay, ít giao tiếp, có lối sống khép kín. Khi xảy ra vụ việc trên ai nấy đều bất bình. Bác sĩ dặn dò bố mẹ phải theo dõi đặc biệt vì cháu bị sang chấn về tâm lý.

TIN MỚI NHẤT