Khách nữ bị tụ máu sau phẫu thuật nâng ngực: Bệnh viện khẳng định hoàn toàn bình thường

Xã hội 25/05/2017 11:16

Trước việc chị L. bị đau vì tụ máu sau khi chi 13.000 USD phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ K.C., phía bệnh viện cho biết, bệnh nhân không có biến chứng hay nhiễm trùng. Bệnh viện sẵn sàng mời bác sĩ chuyên khoa độc lập để xem xét, đánh giá tình trạng của khách.

Liên quan đến vụ chị Ngô Ngọc L. (36 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chi 13.000 USD (khoảng 290 triệu) để phẫu thuật thẩm mỹ nâng nũi và nâng ngực tại Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ K.C. (có địa chỉ tại phố Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị đau nhức, tụ máu sau ca mổ, ngày 25/5, đại diện truyền thông bệnh viện này cho biết, vẫn đang tiếp tục cử nhân viên theo dõi sức khỏe cho chị L.

Khách nữ bị tụ máu sau phẫu thuật nâng ngực: Bệnh viện khẳng định hoàn toàn bình thường - Ảnh 1
Phía bệnh viện cho biết, phương pháp phẫu thuật với đường mổ từ đầu nhũ hoa thường làm tổn thương mao mạch hơn so với thao tác đưa túi độn vào dưới cơ qua đường rạch ở nách.

Theo đại diện Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ K.C., ngày 13/5, chị Ngô Ngọc L. đến bệnh viện thực hiện dịch vụ nâng ngực và nâng mũi. Đối với việc nâng ngực, hiện các bác sĩ của bệnh viện có thể thực hiện tốt cả 2 phương pháp nâng ngực đó là đưa túi độn trực tiếp vào ngực cơ qua đường rạch ở nách và phẫu thuật từ đầu nhũ hoa (quầng núm vú).

"Sau khi được nhân viên Bệnh viện tư vấn chi tiết 2 phương pháp phẫu thuật trên, chị L. đưa ra lý do cần hạn chế vết sẹo để lại trên nách nên đã yêu cầu và thỏa thuận với bệnh viện để bác sĩ sử dụng phương pháp phẫu thuật với đường mổ từ đầu nhũ hoa. Phương pháp này thực hiện bằng cách bóc tách mô và mao mạch trực tiếp dưới quầng ngực", đại diện bệnh viện thông tin.

Sau khi xem xét sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, thử phản ứng thuốc, đánh giá của các bác sĩ chuyên môn, ca phẫu thuật đã được tiến hành vào ngày 13/5 do bác sĩ Ha Jae Sung (Hàn Quốc) thực hiện.

Về hiện tượng chị L. phản ánh, đại diện bệnh viện cho biết, tụ máu vết mổ do tổn thương mao mạch trong quá trình phẫu thuật là hiện tượng hoàn toàn bình thường, đặc biệt là các ca đại phẫu như phẫu thuật nâng ngực. Bản thân việc chảy dịch cũng là phản ứng tự nhiên của cơ thể trong quá trình giải phóng dịch máu cũ ra ngoài.

"Phương pháp phẫu thuật với đường mổ từ đầu nhũ hoa theo yêu cầu của khách hàng thường làm tổn thương mao mạch hơn so với thao tác đưa túi độn trực tiếp vào dưới cơ qua đường rạch ở nách, nên việc xuất hiện các vết bầm tím có thể xảy ra. Thông thường, sau một thời gian mao mạch hồi phục, vết bầm tím này sẽ mất đi sau 20 ngày đến 1 tháng tùy cơ địa mỗi người.

Do đó, nếu không có các biểu hiện nhiễm trùng thì có thể kết luận quá trình hồi phục đang diễn ra hoàn toàn bình thường. Đối với dịch từ vết mổ, dựa vào kết quả khám cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định việc hút dịch có cần thiết không, nếu như lượng máu tụ nằm trong ngưỡng cho phép cơ thể có thể tự hấp thụ mà không cần hút dịch thì bác sĩ sẽ không chỉ định bất cứ can thiệp ngoại khoa nào khác để cơ thể tự thích ứng", vị đại diện này phân tích.

Theo vị đại diện Bệnh viện thẩm mỹ K.C, đến chiều 23/5 chị Ngô Ngọc L. vẫn tới bệnh viện thăm khám. "Theo đánh giá của bác sĩ, diễn biến điều trị khá tốt, các tổn thương dần hồi phục đúng như tiên lượng của các bác sĩ và ban giám đốc bệnh viện. Bệnh viện xin khẳng định, đến thời điểm này, bệnh nhân không có biến chứng hay nhiễm trùng", phía bệnh viện thông tin.

Phía Bệnh viện Thẩm mỹ K.C. cũng chia sẻ thêm: "Để đảm bảo khách quan, nếu chị Ngô Ngọc L. có yêu cầu, bệnh viện sẵn sàng mời bác sĩ chuyên khoa độc lập để xem xét, đánh giá chính xác tình trạng của khách hàng và chịu các chi phí về việc này. Bệnh viện cam kết sẽ tiếp tục điều trị cho khách hàng theo đúng lộ trình, đảm bảo vấn đề sức khoẻ, thẩm mỹ của chị L. đối với ca phẫu thuật" vị đại diện này thông tin thêm.

Vụ chi 13.000 USD nâng ngực, bị biến chứng: Bác sĩ đã về Hàn Quốc

Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ Kim Cương A&B cho biết bệnh nhân bị xuất huyết dưới da, vết mổ yếu sau ca phẫu thuật nâng ngực.

TIN MỚI NHẤT