Để em Phạm Song Toàn phải chuyển trường, mục tiêu giáo dục đã thất bại

Xã hội 08/04/2018 17:15

Ngay trong môi trường sư phạm, một việc làm đúng không được bảo vệ, một việc làm sai lại không dám đấu tranh. Điều này thể hiện sự dân chủ trong trường học chỉ là hình thức, nó đang gián tiếp đẩy mục tiêu giáo dục đi đến thất bại.

Để em Phạm Song Toàn phải chuyển trường, mục tiêu giáo dục đã thất bại - Ảnh 1
Em Phạm Song Toàn trong buổi đối thoại tại lớp với cô Trần Thị Minh Châu sau sự việc em phản ánh cô nhiều tháng lên lớp không giảng bài. Ảnh: Dân Trí

Cần bỏ lối giáo dục áp đặt 

Sau gần một tháng câu chuyện “cô giáo quyền lực không giải bài cho học sinh” đã có cái kết bất ngờ: Học sinh dũng cảm lên tiếng phải ra đi trước làn sóng tẩy chay, áp lực từ bạn bè, nhà trường; còn cô giáo không giảng bài vẫn chưa có quyết định xử lý.

Nếu để em Phạm Song Toàn buộc phải chuyển trường vì không chịu nổi áp lực dư luận, đó có phải là thất bại từ nhà trường, các giáo viên, các bậc phụ huynh đến ngành giáo dục hay không?

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, rõ ràng để điều này xảy ra, mục tiêu giáo dục đã không đạt. Vì nhiệm vụ của giáo dục, ngoài cung cấp kiến thức thì nhiệm vụ cao cả, quan trọng là giúp học sinh tự đứng được trên đôi chân của mình khi đủ 18 tuổi, biết phân biệt đúng-sai, phải-trái và dám đấu tranh trước cái sai, cái ác.

Chỉ tiếc là, tư duy giáo dục theo kiểu áp đặt, quyền uy đã tồn tại quá lâu trong mỗi thầy cô, người làm quản lý giáo dục. Áp đặt lâu ngày làm cho đứa trẻ đánh mất chính mình, trở thành một người khác, dẫn đến việc không có chính kiến, không biết đương đầu ra sao khi gặp phải những sóng gió đầu đời, không dám lên tiếng khi cô giáo làm sai, không dám từ chối khi bị cô giáo phạt uống nước bẩn.

Để em Phạm Song Toàn phải chuyển trường, mục tiêu giáo dục đã thất bại - Ảnh 2
TS Nguyễn Tùng Lâm. 

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nếu vẫn duy trì lối giáo dục theo kiểu áp đạt này, hậu quả sẽ còn tai hại. Trò bị thầy bạo hành, rồi nhận lại bằng bạo lực. Ông cho rằng đã đến lúc toàn ngành giáo dục cần thay đổi, bỏ ngay tư duy giáo dục theo kiểu áp đặt lên học trò, hãy lấy sự tôn trọng học sinh làm nguyên tắc trong giáo dục.

Em Phạm Song Toàn phải được tôn vinh!

Là một nhà giáo lão thành, TS Lâm trân trọng những học sinh có phẩm chất dũng cảm như em Phạm Song Toàn. Ông cho rằng: Em Phạm Song Toàn phải được tôn vinh, được tôn trọng ngay trong chính nhà trường, để tất cả những ai gièm pha, lợi dụng ném đá phải thay đổi suy nghĩ. Tôi chỉ mong nhà trường, ngành giáo dục TPHCM hãy tạo điều kiện tốt nhất, phải để em Phạm Song Toàn được sống tốt đẹp, hạnh phúc ngay trong chính ngôi trường của mình.

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, việc để xảy ra tình trạng cô giáo lên lớp không giảng bài cho học sinh kéo dài tận 3 tháng là lỗi của hiệu trưởng. Đây là biểu hiện của lối quản lý quan liêu, cũng chứng tỏ nhà trường hiện nay không dân chủ, hoặc có thì chỉ là hình thức.

“Theo tôi, cần xử lý nghiêm cô giáo đã im lặng khi lên lớp và hiệu trưởng vì để điều này xảy ra quá lâu. Không thể nhân nhượng một ai, vì lý do này, hay lý do khác.

Ông đưa ra lời khuyên với các thầy cô giáo: "Một đồng nghiệp đã từng tâm sự với tôi, trong nghề dạy học của chúng ta không có sai và đúng, không có thắng và thua, mà chỉ có niềm ân hận và tự hào.

Mỗi thầy cô giáo phải là gương sáng để học sinh noi theo, bởi thầy cô chỉ cần sai một ly là đi ngàn dặm. Sản phẩm trong cuộc đời dạy học của chúng ta chính là nhân cách của học trò. Từ lâu các cụ đã đúc rút: Thầy nào - trò nấy. Xin thầy cô hãy nhớ”.

Cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng: 'Sao người chuyển đi lại là em?'

Sau khi đọc thông tin gia đình em Phạm Song Toàn bật khóc, muốn chuyển trường mới cho con khi kỳ thi học kỳ đang đến gần, trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại câu hỏi: "Tại sao em lại phải chuyển đi? Tại sao lại là em mà không phải là cô giáo?".

TIN MỚI NHẤT