Chị gái nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk nói "hoàn toàn không biết Thảo lấy bằng cấp hay giấy tờ gì"

Xã hội 07/10/2019 06:00

Bà Ái Sa khẳng định rằng bà hoàn toàn không biết về việc em mình mượn tên và bằng cấp. Khi lãnh đạo bệnh viện nơi bà công tác gọi điện và bà có đọc báo thì mới biết sự việc.

Vụ việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973), chức vụ Trưởng phòng Quản Trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975) bị lộ hành vi dùng bằng cấp 3 của chị gái để thăng tiến đã khiến dư luận bàn tán xôn xao.

Sáng nay, ngày 6/10, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết đang làm thủ tục để khai trừ Đảng và xem xét cho thôi việc đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa – Trưởng phòng Hành chính – Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Mới đây, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên lạc được với người có tên thật là Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973; ngụ phường 6, TP Đà Lạt; đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) - người bị em gái là bà Trần Thị Ngọc Thảo mượn tên, bằng cấp để thăng tiến đến chức Trưởng Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Bà Ái Sa khẳng định rằng bà hoàn toàn không biết về việc em mình mượn tên và bằng cấp. "Khi lãnh đạo bệnh viện gọi điện, tôi đọc báo mới biết. Trước đó, tôi hoàn toàn không biết Thảo lấy bằng cấp hay giấy tờ gì. Bản thân tôi không làm gì sai cả" - bà Sa nói.

Chị gái nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk nói 'hoàn toàn không biết Thảo lấy bằng cấp hay giấy tờ gì' - Ảnh 1

Khách sạn Bạch Mã, nơi bà Thảo từng làm kế toán trưởng (Ảnh: VTC)

Theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ, bà Ái Sa làm nữ hộ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng hàng chục năm nay. "Chị Sa chỉ là nhân viên hộ sinh bình thường, không có chức vụ gì tại khoa, bệnh viện. Chị Sa cũng chưa được kết nạp Đảng", nguồn tin cho biết.

Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng xác nhận đến nay, bà Sa chưa vào Đảng. Vì thế, không thể có chuyện người em mượn luôn cả hồ sơ kết nạp Đảng của chị. 

Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy cũng thừa nhận: "Bà Thảo sử dụng toàn bộ hồ sơ của chị gái để xin việc, học hành, thăng tiến. Chẳng thà bà Thảo sử dụng bằng giả, ở đây là bằng thật của bà Ái Sa nên khi đi xác nhận đều đúng như vậy mới dẫn đến sai sót".

Liên quan đến vụ lùm xùm này, bà Sa "mong mọi người đừng làm phiền đến gia đình".

Liên quan đến tin đồn là người đã "nâng đỡ" cho bà Ngọc, trao đổi trên báo Lao Động sáng nay, ông Bạch Văn Mạnh cho biết, thời điểm năm 2009 khi bà Trần Thị Ngọc Ái Sa – tên thật là Thảo, được điều động từ Nhà khách Tỉnh ủy về Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Mạnh đang làm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Năm 2016, ông Mạnh được điều động về giữ chức vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thì bà Sa đã được kết nạp vào Đảng trước đó.

"Bà Ái Sa được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Hành chính – Quản trị vào năm 2013. Lúc này, bà Sa đã là Đảng viên kiêm phó phòng thì không có việc tôi giới thiệu cô này vào Đảng. Cả một tập thể lớn trong Văn phòng Tỉnh ủy chứ tôi làm sao "nâng đỡ" được!" – ông Bạch Văn Mạnh khẳng định trên báo Lao Động.

Quá trình công tác của bà Trần Thị Ngọc Thảo

Năm 1992-2002, bà Thảo đã lấy bằng tốt nghiệp THPT của chị gái mình là bà Trần Thị Ngọc Ái Sa để xin vào làm nhân viên hợp đồng tại Xí nghiệp chế biến cà phê thuộc Công ty Xuất nhập khẩu 2/9.

Sau đó, bà Thảo sử dụng bằng này đi học trung cấp kế toán.

Từ năm 2005 - 2009, bà Thảo học từ xa trường ĐH Đà Nẵng chuyên ngành kế toán với tên của chị gái.

Từ năm 2005-2011, bà Thảo xin vào làm kế toán ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Tháng 10/2009, Văn phòng Tỉnh ủy tiếp nhận về làm kế toán ở Phòng quản trị của Văn phòng Tỉnh ủy.

Từ năm 2013-2016, bà Thảo lần lượt được bổ nhiệm qua các chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản trị.

Bà Thảo còn kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực (gia đình có 12 anh chị em nhưng trong sơ yếu lý lịch tự thuật chỉ khai 4 anh chị em).

Thông tin về việc bà Thảo trước kia làm tại tiệm tóc đã được cơ quan chức năng Đắk Lắk phủ nhận.

Nữ cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk dùng bằng giả để thăng tiến sẽ bị truy tố về tội gì?

Trước việc một nữ Trưởng phòng của Tỉnh ủy Đắk Lắk dùng bằng cấp 3 của chị ruột để xin việc và thăng tiến, chuyên gia pháp lý cho rằng các bằng cấp và quyết định bổ nhiệm công tác về sau phải bị hủy bỏ.

TIN MỚI NHẤT