Mẹ chồng nói con dâu 'làm quá' khi bị nghén

Tư vấn hôn nhân 31/01/2017 17:37

Mặc dù em đã cố gắng lắm nhưng em vẫn mệt vì mỗi ngày em đều phải đi dạy nên càng mệt hơn, nên không làm được nhiều việc. Thấy em như vậy nên mẹ chồng hay nói bóng gió là: lúc trước mấy chị dâu mày cũng có thai mà có bị gì đâu, mày làm quá. Mỗi lần em ói mẹ cũng tỏ ra khó chịu và nói: hết ăn cơm được với nó.

Xin chào chương trình, lần trước em đã gửi câu hỏi cho chương trình nhờ tư vấn với chủ đề "Mỗi lần chồng say rượu lại gọi tên người cũ". Em hiểu những gì chương trình tư vấn và em cũng đã làm theo, và đến nay đã được nửa năm. Nhưng em thấy những cố gắng của em ngày càng không có kết quả, vì cách đây 3 tháng em phát hiện mình có thai. Từ ngày có thai em hay bị mệt, choáng và buồn ngủ lắm.

Mặc dù em đã cố gắng lắm nhưng em vẫn mệt vì mỗi ngày em đều phải đi dạy nên càng mệt hơn, nên không làm được nhiều việc. Thấy em như vậy nên mẹ chồng hay nói bóng gió là: lúc trước mấy chị dâu mày cũng có thai mà có bị gì đâu, mày làm quá. Mỗi lần em ói mẹ cũng tỏ ra khó chịu và nói: hết ăn cơm được với nó. Em buồn lắm, chồng em cũng ngồi đó nhưng không nói gì. Ba chồng cũng im lặng.

Từ ngày em có thai em ăn không được nên xanh xao, nhưng chồng em không hỏi han, cũng không mua gì bồi bổ cho em ăn,anh ấy chỉ biết lo cho mình. Em tuyệt vọng quá chương trình ơi. Mỗi đêm em cũng tâm sự với chồng nói anh quan tâm em hơn vì đây cũng là con của anh mà. Nhưng ngày qua ngày anh ấy vẫn vậy.

Xin chương trình hãy cho em một lời tư vấn.

Mẹ chồng nói con dâu 'làm quá' khi bị nghén - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Chào bạn!

Qua những gì bạn chia sẻ, chúng tôi hiểu rằng bạn đang cảm thấy tuyệt vọng vì không biết làm thế nào để mẹ chồng và chồng hiểu mình, quan tâm đến mình. Chúng tôi chia sẻ cùng bạn nỗi niềm này.

Khi mẹ chồng thể hiện thái độ khó chịu về việc bạn ốm nghén bạn đã có phản ứng gì? Bạn đã làm gì để mẹ chồng thấu hiểu mình trong giai đoạn mang thai?

Giai đoạn mang thai là khoảng thời gian cơ thể thay đổi về mặt thể chất lẫn tâm lí. Hơn thế nữa, khi mang thai khứu giác trở nên nhạy cảm với một số mùi, khiến thai phụ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và buồn nôn. Tùy theo thể trạng của từng người mà có người mắc chứng ốm nghén khá nặng lúc mang thai khiến cơ thể mệt mỏi và thậm chí là không thể ăn uống được gì, nhưng cũng có những chị em ít mắc phải tình trạng ốm nghén hoặc chỉ ở mức nhẹ nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng tới cơ thể. Nếu chứng ốm nghén nặng và kéo dài có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng làm cho bạn bị suy nhược cơ thể, mất nước và thiếu hụt dinh dưỡng. Vì thế những biểu hiện của bạn là hoàn toàn có thể xảy ra trong giai đoạn này.

Trong các mối quan hệ gia đình thì mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn là vấn đề nhạy cảm. Ngày nay, dù xã hội đã tiến bộ hơn nhưng đâu đó vẫn tồn tại mối xung đột này. Chuyện cãi vã to tiếng giữa mẹ chồng và nàng dâu luôn làm cho cuộc sống trở nên ngột ngạt và khó chịu. Khi bạn ốm nghén, ở cơ thể bạn có sự mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn; cộng với việc mỗi ngày bạn đều đi làm nên càng làm cho sức khỏe của bạn giảm sút, mệt mỏi hơn và không làm được nhiều việc. Điều đó đã khiến cho mẹ chồng cảm thấy khó chịu và có những phản ứng tiêu cực với bạn. Thay vì là người hòa giải mâu thuẫn giữa mẹ mình và vợ thì chồng bạn lại im lặng. Bên cạnh đó, dù bạn đã góp ý với chồng về việc không quan tâm đến vợ con khi mang thai, nhưng ở phía chồng vẫn không hề có sự thay đổi nhằm cải thiện mối quan hệ vợ chồng. Vậy tiếp tục cuộc hôn nhân này có mang lại hạnh phúc cho bạn? Nếu tiếp tục bạn có chấp nhận chung sống với một người chồng không quan tâm đến vợ con? Một cuộc hôn nhân chỉ có một người cố gắng, nỗ lực thì cuộc hôn nhân đó có bền vững không?

Trong cuộc sống hôn nhân, để tình cảm vợ chồng gắn kết thì cần có sự cố gắng, nỗ lực từ hai người. Bên cạnh việc bạn mong muốn chồng quan tâm, chia sẻ với mình thì bạn cũng cần nhìn lại bản thân xem mình đã quan tâm, chia sẻ với chồng những buồn vui, khó khăn trong cuộc sống chưa? Bạn có thể chia sẻ với chồng những khó khăn mà bạn đang chịu đựng khi mang thai để chồng quan tâm mình hơn. Đồng thời bạn có thể gợi ý cho chồng về việc chồng sẽ là người trung gian làm cầu nối giúp hai mẹ con hàn gắn mối quan hệ. Thêm vào đó, bạn có thể trao đổi những khó khăn trong công việc, lúc mang thai để mẹ chồng thấu hiểu, thông cảm và giúp đỡ mình. Đồng thời, bạn cũng cần lắng nghe những mong muốn, suy nghĩ của mẹ chồng để có những hành động ứng xử phù hợp.

Nếu bạn đã trao đổi với mẹ và chồng bạn, và cố gắng để cải thiện mối quan hệ gia đình nhưng ở phía họ vẫn không hề có sự thay đổi, và mọi người không tìm được tiếng nói chung thì bạn cũng cần cân nhắc đến việc có tiếp tục mối quan hệ này không.

Hi vọng bạn sẽ sáng suốt để có những lựa chọn phù hợp.

Chúc bạn luôn mạnh khỏe vui vẻ và có một thai kỳ suôn sẻ!

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT