Indonesia nguy cơ trở thành 'địa ngục Covid-19' mới: Nhiều khu mộ tập thể được xây dựng, thi thể người bệnh 'xếp hàng' để được mai táng

Thế giới 17/07/2021 11:24

Indonesia là quốc gia tại Đông Nam Á, vượt qua Ấn Độ đã trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Theo truyền thông quốc tế, ngày 15/7, Indonesia đã ghi nhận gần 56.800 ca nhiễm Covid-19 mới, với tổng số người nhiễm lên hơn 2,7 triệu, trong đó hơn 70.000 người đã tử vong. Ngay từ đầu tuần, Indonesia đã vượt ngưỡng 40.000 ca/ngày và "kỷ lục buồn" liên tiếp được phá vỡ. Trong khi đó, mới chỉ một tháng trước, đất nước Đông Nam Á ghi nhận khoảng 10.000 ca hàng ngày.

indonesia
 Người dân Indonesia đang đổ xô đi mua, tích trữ bình dưỡng khí - Ảnh: Internet 

Số ca Covid-19 hiện tại của Indonesia vẫn còn xa so với mức cao nhất của Ấn Độ là 400.000 ca/ngày hồi tháng 5. Tổng số ca mắc là 2,7 triệu người cũng chỉ bằng 1/10 so với con số 30,9 triệu của Ấn Độ.

Vậy nhưng, Ấn Độ có dân số gần gấp 5 lần con số 270 triệu người của Indonesia. Tỉ lệ xét nghiệm Covid-19 dương tính của Indonesia là khoảng 27%, trong khi của Ấn Độ là 2%. Và trong khi dịch tại Ấn Độ đang trong giai đoạn đi xuống thì Indonesia lại liên tiếp bùng dịch khó kiểm soát. Về tình hình tiêm chủng, Indonesia hiện tại mới tiêm vaccine Covid-19 cho 10% dân số.

indonesia
Những khu mộ tập thể để chôn cất người chết được xây dựng - Ảnh: Internet

Nghiên cứu mới do cơ quan y tế Jakarta, Đại học Indonesia, Viện sinh học phân tử Eijkman cùng các nhân viên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Indonesia thực hiện cho biết một nửa dân số thủ đô Jakarta đã mắc Covid-19, tương đương khoảng 4,7 triệu người trong số 10,6 triệu dân.

Indonesia nguy cơ trở thành 'địa ngục Covid-19' mới: Nhiều khu mộ tập thể được xây dựng, thi thể người bệnh 'xếp hàng' để được mai táng - Ảnh 3
Người phụ trách an táng quá tải - Ảnh: Internet

Những ngày qua, hệ thống y tế Indonesia đã bị quá tải trầm trọng. Hơn 1.100 y bác sĩ đã qua đời vì đại dịch tấn công. Trên đường phố, những chiếc xe cứu thương liên tục hú còi, hối hả đưa người bệnh đi cấp cứu, và rồi lại hối hả đưa họ đến nghĩa trang. Theo Wall Street Journal, phu mộ ở Indonesia gần đây phải làm việc xuyên đêm để chôn cất nạn nhân Covid-19. Chính phủ Indonesia cảnh báo số ca mắc Covid-19 có thể lên tới 60.000 ca, thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản 100.000 ca mắc mới mỗi ngày.

 Indonesia  
 Indonesia
Việc chôn cất người đã mất trở nên qua loa hơn - Ảnh: Internet

Việc chôn cất cho người mất cũng được thực hiện qua loa hơn hẳn, không có các nghi lễ trọn vẹn như thông thường. Hàng trăm thi thể được chôn cất mỗi ngày nhanh trong vòng 4 giờ đồng hồ để đảm bảo giao thức y tế và số lượng đã quá tải.

Không chỉ gây áp lực cho đội ngũ nhân viên y tế khi phải lựa chọn cứu sống cho các bệnh nhân có tiên lượng tốt hơn, đại dịch cũng đã tấn công, lấy đi sinh mạng của hơn 1.100 y bác sĩ nước này. Nhân viên các nhà tang lễ đã kiệt sức vì phải làm việc gần 24 giờ. Tại nghĩa trang Rorotan phía Bắc thủ đô Jakarta, hàng chục xe cứu thương cả của bệnh viện và tư nhân chở thi thể nạn nhân Covid-19 đang xếp hàng chờ đến lượt an táng.

 Indonesia
 Bệnh viện quá tải, không có chỗ cho người bệnh - Ảnh: Internet

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến đợt bùng dịch kinh hoàng, biến quốc gia Đông Nam Á trở thành "Ấn Độ thứ hai" khá đa dạng. Trước hết là do sự hoành hành của biến thể mới của virus, trong đó nổi bật là biến thể Delta. Bên cạnh đó, việc người dân Indonesia bất chấp cảnh báo để tham gia các lễ hội tôn giáo tập trung rất đông người trong tháng 5 (dịp kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi giáo) đã khiến tình hình trở nên tồi tệ. 

Theo truyền thông quốc tế, diễn biến tình hình dịch bệnh tại một số nước láng giềng của Indonesia cũng không hề có dấu hiệu khả quan. Tại Thái Lan ngày 16/7, ghi nhận thêm 9.692 ca bệnh và 67 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 381.907 ca, trong đó có 271.857 ca bình phục và 3.099 ca tử vong. Tính riêng đợt bùng dịch thứ ba từ đầu tháng 4 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 353.044 ca bệnh, trong đó có 244.431 ca bình phục và 3.005 ca tử vong.

Tại Campuchia cũng đang xấu đi khi nước này ghi nhận thêm 39 ca tử vong trong 24 giờ hôm 15/7, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 1.025 ca. Theo báo Khmer Times, Campuchia ngày 15/7 cũng ghi nhận thêm 996 ca bệnh trong 24 giờ. Hiện Campuchia có 64.611 ca bệnh trên cả nước. Một số bệnh viện của Campuchia đang quá tải bệnh nhân, nhất là các khu vực săn sóc đặc biệt (ICU).

indonesia
 Nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 - Ảnh: Internet

Theo Reuters, Bộ Y tế Philippines ngày 16/7 cho biết nước này đã ghi nhận những ca bệnh đầu tiên trong nước mắc biến thể Delta. Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire ngày 16/7 cho biết trong 16 ca bệnh mới mắc biến thể Delta có 11 ca lây nhiễm trong nước. Trước đó, Philippines chỉ ghi nhận các trường hợp nhập khẩu nhiễm biến thể dễ lây lan này. Ngày 15/7, Philippines ghi nhận thêm 5.221 ca bệnh và 82 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1,49 triệu ca, trong đó có 26.314 ca tử vong.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Trường ĐH Johns Hopkins ngày 15/7, cho biết trong vòng một tuần qua, số ca mắc mới ở Đông Nam Á đã tăng 41% so với tuần trước đó, lên hơn nửa triệu ca. Số ca tử vong do dịch Covid-19 trong khu vực cũng tăng 39% trong cùng kỳ tính đến hôm 14/7, đây được xem là tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới.

Nhiều ca bệnh Covid-19 tử vong trẻ tuổi, không có bệnh lý nền, chuyên gia y tế lưu ý thời điểm mấu chốt để sàng lọc phân loại bệnh nhân

Theo Ths. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiều bệnh nhân Covid-19 khi khởi phát không có triệu chứng gì đáng kể, nhưng sau 7-8 ngày lại có biểu hiện rất nặng hoặc thậm chí tử vong.

TIN MỚI NHẤT