Người tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19 của Việt Nam cần có những tiêu chuẩn gì?

Sống khỏe 09/12/2020 14:46

Ngày mai 10/12, công ty NANOGEN và Học viện Quân Y chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm tiêm vắc-xin phòng chống COVID-19. Đây là vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm.

Hôm nay 9/12, Hội đồng Đạo đức y sinh của Bộ Y tế họp lần cuối để xem xét, phê duyệt thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 của Việt Nam trên người tình nguyện, đồng thời thống nhất tiêu chí lựa chọn và các vấn đề đảm bảo an toàn tối đa cho người tình nguyện.

Ngày mai 10/12, Công ty Cổ phần Công nghệ dược Nanogen (NANOGEN) và Học viện Quân Y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm tiêm vắc-xin phòng chống COVID-19. Đây là vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm.

Về tiêu chí chọn người tiêm thử vắc-xin COVID-19, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, tiêu chí cụ thể để lựa chọn tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc-xin sẽ được công khai sau khi được Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế thông qua.

Người tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19 của Việt Nam cần có những tiêu chuẩn gì? - Ảnh 1

Ngày mai 10/12, NANOGEN và Học viện Quân y sẽ tuyển tình nguyện viên tiêm thử vắc-xin COVID-19. 

Về nguyên tắc, theo ông Quang, tiêu chí đầu tiên của người tham gia tiêm thử vắc-xin phải là người tình nguyện.

Tình nguyện tức là các cá nhân sau khi được cung cấp thông tin về nghiên cứu, sẽ có cam kết tham gia tiêm và chấp thuận tiêm hoàn toàn theo nguyện vọng của cá nhân, không có áp lực nào về mặt sức khỏe, bệnh tật hay các lý do khác (theo chỉ đạo, mệnh lệnh...).

Các cá nhân sẽ ký cam kết tại văn bản chính thống đã được hội đồng của Bộ Y tế thông qua. Tình nguyện ở đây không chỉ hiểu trên một khía cạnh, không phải là về mặt cá nhân mà còn về mặt khoa học, đạo đức và pháp lý nữa.

Các tình nguyện viên ở độ tuổi từ 18 - 40, có sức khỏe bình thường, khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính.

Trước khi tham gia tiêm thử nghiệm lâm sàng, các tình nguyện viên sẽ được khám sức khỏe, khai thác kỹ về tiền sử sức khoẻ. Những người được lựa chọn phải bảo đảm khỏe mạnh, không có bệnh nềnm, được cơ quan y tế khẳng định đủ điều kiện sức khỏe để tiêm.

Để tránh những phản ứng gặp phải sau khi tiêm vắc xin, những người có cơ địa dị ứng (với thuốc, thực phẩm...) sẽ không tham gia tiêm thử nghiệm. Việc tuyển dụng tình nguyện viên, khám sàng lọc mất ít nhất 7 ngày. 

Các tình nguyện viên sẽ được các bác sĩ của Học viện Quân y tiêm tại đơn vị thử nghiệm lâm sàng và ở lại viện để theo dõi sức khỏe. Với những người được tiêm vắc xin đầu tiên, dự kiến thời gian theo dõi y tế sau tiêm ít nhất là 72 giờ, tại đơn vị thử nghiệm lâm sàng của Học viện Quân y.

Ông Quang cũng khẳng định không có sự phân biệt chủng tộc, địa lý, dân tộc... với người tham gia thử nghiệm vắc-xin COVID-19.

Tuy nhiên, với một số đối tượng thuộc nhóm "nhạy cảm", Hội đồng chuyên môn sẽ không cho phép tham gia như tù nhân, phụ nữ mang thai, người phụ thuộc về mặt tài chính và tham gia với mục đích nhận quyền lợi về kinh tế (chi phí bồi dưỡng sức khỏe mỗi ngày), lực lượng vũ trang nhân dân.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM ngày 9/12

Hiện TP.HCM còn bao nhiêu bệnh nhân COVID-19 đang điều trị và bao nhiêu người đang phải cách ly phòng chống dịch?

TIN MỚI NHẤT