Nằm than sau sinh lợi bất cập hại

Sống khỏe 30/01/2017 20:26

Theo quan niệm cũ, nằm than sau sinh có lợi là giữ ấm cơ thể, giúp trẻ và sản phụ cứng cáp hơn. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, nằm than sau sinh lợi ít mà hại nhiều.

Nguy cơ cho sản phụ

Theo quan niệm trước đây, khi sinh, sản phụ bị mất một lượng khá nhiều máu. Do vậy, cơ thể của sản phụ sẽ yếu và lạnh hơn so với bình thường. Mặt khác, khi mang thai, tim, mạch máu, cơ, phổi... của sản phụ phải tăng cường hoạt động để nuôi thai nhi. Sau sinh, các trạng thái này bị "cắt" đột ngột làm cơ thể của người mẹ có sự dao động và thân nhiệt hạ xuống. Do đó, sản phụ phải nằm than để cơ thể ấm lại, máu huyết lưu thông, tuần hoàn máu tốt hơn. Cũng có quan niệm cho rằng nằm than sẽ giúp sản phụ và trẻ cứng cáp hơn. Lâu dài về sau, sản phụ không bị đau nhức mình mẩy, không bị lạnh run...

Thế nhưng các chuyên gia y tế hiện nay đều cho rằng đây là một trong những thói quen sai lầm nghiêm trọng, có thể dẫn đến nguy cơ cao nhất là tử vong.

Nằm than sau sinh lợi bất cập hại - Ảnh 1

Chị Cù Thị Mến (sống ở Sapa, Lào Cai) kể lại lần “chết hụt” mấy năm về trước: “Tôi sinh bé đầu lòng năm 2013, khi ấy thời tiết cũng chưa vào đông, không khí khá ấm áp. Gia đình đã sắp sẵn lò than để hai mẹ con sưởi ấm sau khi sinh. Mặc dù sưởi được một hôm tôi thấy trong người rất khó chịu, nóng bức nhưng mẹ chồng và mẹ đẻ tôi đều bảo rằng phải nằm than thì cả mẹ cả con mới không bị lạnh, nhanh hồi phục sức khỏe và đứa trẻ mau cứng cáp. Đến ngày thứ hai thì tôi thấy buồn nôn, chóng mặt, mất cảm giác, cứ  lơ mơ như đi trên mây. Trong lúc vẫn còn kêu lên được tôi đã yêu cầu gia đình đưa đi cấp cứu. Nghe kể lại là khi đến được bệnh viện của thị trấn thì tôi đã bị hôn mê, lập tức phải đưa đến bệnh viện tỉnh. Tại đây, tôi đã rơi vào trạng thái suy hô hấp, hôn mê sâu, hậu sản. Sau khi cấp cứu và trợ thở, tôi được chuyển xuống bệnh viện Phụ sản trung ương trong tình trạng nguy kịch.

Tại đây tôi được điều trị kháng sinh liều cực cao do tình trạng nhiễm trùng nặng, sản dịch ra nhiều, sốt cao. Kết quả kiểm tra cho thấy tôi bị ngộ độc khí CO2 từ bếp than, gây nên suy hô hấp và nhiễm trùng do cơ thể còn yếu sau sinh”. Chị Mến cũng cho biết, may mắn là con chị không bị ngộ độc nhưng cũng từ hôm chị bị tách rời con để đưa đi cấp cứu, con chị không còn cơ hội được bú sữa mẹ nữa mà phải nuôi bộ đến lúc lớn, rất vất vả.

Nguy cơ nhiễm trùng cho con

Bé Nguyễn Trần Hải Anh (Văn Chấn, Yên Bái) mới sinh được 5 ngày thì toàn thân mẩn đỏ, da bị bong tróc và có nhiều mụn nhỏ li ti, chảy nước. Gia đình đã bôi thuốc không những không khỏi mà các vết mẩn trên da ngày càng lở loét, đồng thời bé bắt đầu sốt rất cao. Khi đưa đến bệnh viện cấp cứu thì các bác sỹ xác định bé bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường hô hấp gây nên tình trạng lở loét và sốt cao. Nếu để chậm thêm vài tiếng có thể dẫn đến tử vong do suy hô hấp nặng.

Vừa phải điều trị đường hô hấp vừa điều trị nhiễm trùng cho nên sức khỏe của bé lúc nào cũng trong tình trạng yếu ớt, cần theo dõi chặt chẽ. Các bác sỹ cũng cho biết, nếu để lâu từ nhiễm trùng da sẽ gây nên nhiễm trùng huyết, lúc này thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Trong suốt một tháng trời, những vết lở loét trên da mới tạm khỏi nhưng vẫn phải thường xuyên chăm sóc và bôi thuốc ngoài da cho bé.

Sở dĩ Hải Anh phải nhập viện cấp cứu sau khi nằm than là do đường hô hấp của bé rất nhạy cảm, trong khi khói than có chứa rất nhiều khí CO2, đây là khí độc không tốt cho trẻ nhỏ có thể khiến cho bé ngạt thở hoặc có thể gây tử vong, nhẹ nhất cũng gây những ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp, gây viêm phổi. Đặc biệt, đối với những bé sinh mổ, nằm than sẽ khiến chất đàm nhớt bên trong vốn chưa được tống ra trong quá trình chuyển dạ bị khô cứng lại, bé sẽ dễ bị bệnh đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần.

Da của trẻ mới sinh còn rất non nớt, than nóng sẽ làm bé dễ bị bỏng. Ngoài ra, tro than bám vào người bé cộng với mồ hôi do môi trường quá nóng trong phòng nằm than làm cho bé bị rôm sảy, nặng thì nhiễm trùng da, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.

Ngoài các hiện tượng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, suy hô hấp, nằm than cũng có nguy cơ than ben lửa, gây cháy làm bỏng phụ sản và em bé. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã từng tiếp nhận nhiều ca bỏng nặng của cả mẹ và con vì nằm than sau sinh.

Hồi chuông cảnh báo

Theo các bác sỹ, thì việc nằm than sau khi sinh lợi ít mà hại thì nhiều, bởi vì than khi đốt cháy sinh ra khí CO2. Đây là khí độc không tốt cho mẹ, đặc biệt là con nhỏ. Hệ hô hấp của bé còn yếu mà lại được đặt trong căn phòng “ngập tràn” CO2 khiến bé hít thở khó khăn, có trường hợp dẫn tới ngạt thở tử vong. CO2 cũng khiến cho bé mắc các bệnh về phổi sau này.

Nhiệt độ của bếp than không phải lúc nào cũng giống nhau. Có lúc nóng hừng hực, có lúc tắt ngấm. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm cơ thể yếu và mệt mỏi hơn. Hằng năm, có vài vụ trẻ sơ sinh bị bỏng do nằm than. Lửa than bén lên giường, nệm gây cháy và làm bỏng bé. Sự bí bách do nằm than cũng là nguyên nhân khiến hai mẹ con bị nổi mẩn đỏ. Phòng bà đẻ ngày nay chủ yếu là phòng kín, phòng có máy lạnh. Phòng kín khiến CO2 không thoát ra ngoài dẫn tới làm ngạt thở.

Suy cho cùng mục đích nằm than sau khi sinh là để sưởi ấm cho hai mẹ con, bởi vậy thay vì nằm than có thể dùng những biện pháp khác để duy trì sự ấm áp như giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo ấm, khăn choàng cổ, đi tất, mang bao tay. Phụ nữ trong tháng không được đụng nước lạnh nhưng vẫn phải tắm, vệ sinh thân thể bằng nước ấm. Thoa rượu gừng, rượu nghệ, dầu để giữ ấm cơ thể và kích thích các huyệt dưới da hoạt động. Thoa rượu gừng, rượu nghệ có tác dụng giữ ấm, làm đẹp da và giảm mỡ bụng hiệu quả. Chườm túi nước nóng cũng là cách giảm mỡ bụng nhanh và an toàn.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế còn khuyên các bà bầu nên loại bỏ một số sai lầm kiêng cữ sau sinh như kiêng tắm gội cả tháng. Điều này hoàn toàn sai lầm và không có một cơ sở khoa học. Sau khi vượt cạn, người phụ nữ sẽ mất nhiều máu, mồ hôi khiến cơ thể mệt mỏi. Nếu kiêng tắm lâu, sản phụ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn gây bệnh. Thực ra sau sinh từ 3 đến 4 ngày, sản phụ hoàn toàn có thể tắm bằng nước ấm nhưng cần lưu ý thời gian tắm không được kéo dài mà nên tắm càng nhanh càng tốt.

Một sai lầm nữa là sau sinh nở, kiêng vận động hoàn toàn. Nhiều người cho rằng sau sinh nở cần kiêng vận động hoàn toàn. Điều này là sai lầm vì nếu cơ thể không vận động thì khí huyết sẽ không lưu thông, gây mệt mỏi.

Các bà mẹ cần biết rằng, vận động nhẹ sau sinh rất cần thiết, kể cả với mổ đẻ nhằm phòng ngừa nhiều nguy cơ như huyết khối tĩnh mạch sâu, nghẽn mạch phổi, hoặc cả táo bón và bí tiểu. Y học hiện đại cho rằng, trừ những phụ nữ bị băng huyết hay sinh khó, thì sau khi sinh 6 tiếng là có thể vận động được.

Ngoài ra còn có nhiều người kiêng cả việc đọc báo, xem ti vi vì sợ ... hỏng mắt. Thực tế, thị lực của người phụ nữ trước và sau khi sinh không có sự khác biệt. Chỉ trong trường hợp các bà mẹ không cân đối được thời gian chăm sóc con và thời gian nghỉ ngơi khiến cơ thể kiệt sức thì mắt mới rơi vào tình trạng mệt mỏi. Các sản phụ được khuyên nên xem tivi, đọc sách báo để cập nhật tin tức, đồng thời củng giảm chứng trầm cảm, stress sau sinh.

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT