Bác sĩ thẩm mỹ chưa có chứng chỉ hành nghề mổ “dạo”: Xảy ra tai biến ai chịu trách nhiệm?

Sống khỏe 16/09/2020 16:39

Làm đẹp là nhu cầu của không ít chị em phụ nữ hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng thông thái và may mắn lựa chọn được những địa chỉ thẩm mỹ uy tín, an toàn. Đặc biệt, nhiều người còn không biết mình đang “trao thân, gửi phận” cho những người chưa có chuyên môn.

Bác sĩ mổ “dạo” vì… tiền

Nhiều sai phạm liên quan đến hoạt động thẩm mỹ được ngành y tế TP. HCM xử phạt, công bố mới đây đã cho thấy mức độ phức tạp của lĩnh vực này. Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở thẩm mỹ, nhiều bác sĩ đã bất chấp các quy định, quảng cáo sai phép, tự ý nhận phẫu thuật khi chưa có chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn, dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Để thỏa mãn nhu cầu làm đẹp, thay vì đến cơ sở thẩm mỹ uy tín, nhiều người lại lựa chọn thông qua các quảng cáo “có cánh” trên mạng, thông qua giới thiệu truyền miệng.

Anh Ng.T.Tr (26 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) đã gửi đơn tố cáo Viện Thẩm mỹ quốc tế V.I.P (địa chỉ 287A đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM). Theo anh Tr, do thấy Viện thẩm mỹ này quảng cáo hoành tráng nên đã tìm tới để nâng mũi. Tại đây, anh được một người xưng là bác sĩ phẫu thuật cắt sụn tai để nâng mũi. Sau khi phẫu thuật, tai anh bị mưng mủ, chảy máu kéo dài. Sau khi được viện thẩm mỹ này xử lý lại vết mổ, vết thương vẫn tiếp tục nhiễm trùng, chảy máu. Khi anh Tr yêu cầu Viện Thẩm mỹ quốc tế V.I.P phải có trách nhiệm với ca phẫu thuật thì các nhân viên và bác sĩ ở đây thoái thác trách nhiệm.

Khi những tai tiếng liên quan đến vụ hút mỡ bụng cho thai phụ và “phốt” nâng ngực tại một bệnh viện thẩm mỹ khiến một bệnh nhân tử vong chưa kịp lắng, thì mới đây, bác sĩ Đinh Viết Hưng lại tiếp tục gây sốc khi hành nghề “chui” tại một thẩm mỹ viện khác.

Theo danh sách xử phạt hành chính của Sở Y tế TP.HCM ngày 22-06-2020, bác sĩ Đinh Viết Hưng bị xử phạt về hành vi “Hành nghề trong thời gian bị đình chỉ hành nghề”. Với hành vi trên, bác sĩ Đinh Viết Hưng bị xử phạt số tiền 40 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 6 tháng. Tại thời điểm kiểm tra, bác sĩ Đinh Viết Hưng đang hành nghề tại một cơ sở thẩm mỹ (địa chỉ 852 - 852A An Dương Vương, Phường 13, Quận 6, TP.HCM).

Mới đây nhất Báo phunusuckhoe.vn đã đưa tin, ngày 10-9 tại Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ SaiGon‘s Sun thuộc Công ty Cổ phần Thẩm mỹ SaiGon‘s Sun, thanh tra Sở y tế và công an TP.HCM cùng đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất và phát hiện tại đây Bác sĩ Vũ Minh Tân đang chuẩn bị tiến hành phẫu thuật nâng mũi cho bệnh nhân T. với số tiền đã nhận là 15.000.000đ. Điều đáng nói bác sĩ Tân đang là bác sĩ học việc tại một bệnh viện thẩm mỹ và chưa có chứng chỉ hành nghề. Lễ tân cũng như quản lý Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ SaiGon‘s Sun cho biết, bác sĩ Tân thuê phòng tại đây để đưa bệnh nhân đến phẫu thuật nâng mũi. Nhưng thời điểm kiểm tra, phòng khám này chưa xuất trình được hợp đồng thuê.

Theo biên bản kiểm tra của Sở Y tế, vị bác sĩ này là Vũ Minh Tân. Tại thời điểm kiểm tra và lập biên bản, ông Vũ Minh Tân không xuất trình được chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn, chứng minh nhân dân.

Và điếc không sợ súng

Theo quy định, tại Điểm a, Khoản 1 Điều 28 Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 109 của Chính phủ ngày 01/07/2016, để hoạt động trong lĩnh vực y tế thì bác sĩ phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực nào thì chỉ được hoạt động trong lĩnh vực đó. Chứng chỉ hành nghề y do Sở y tế cấp.

Để trở thành bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, người hành nghề đã có chứng chỉ chuyên khoa định hướng Tạo hình thẩm mỹ và đã thực hành đủ 18 tháng về chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại bệnh viện thì mới đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Quy định là vậy nhưng bác sĩ Vũ Minh Tân vẫn “xé rào” mổ “chui” khi chưa có chứng chỉ hành nghề, đang học việc tại một bệnh viện thẩm mỹ, bất chấp tính mạng của bệnh nhân.

Để lôi kéo khách hàng, trên trang Facebook cá nhân bác sĩ Tân đã “nổ” như bắp rang, dám ngang nhiên quảng cáo rầm rộ và vô tư câu kéo khách hàng để trực tiếp thực hiện dịch vụ phẫu thuật chui.

Có phải vị bác sĩ này quá coi thường pháp luật?

Sau khi bị thanh tra liên ngành bắt quả tang đang chuẩn bị tiến hành phẫu thuật nâng mũi cho bệnh nhân và bị lập biên bản thì trang Facebook và Zalo cá nhân của bác sĩ Tân đã khóa tài khoản.

Mặc dù đã thu tiền khách hàng, tiến hành vệ sinh khoang mũi, cắm kim truyền vào tay khách hàng để chuẩn bị phẫu thuật nhưng khi đoàn kiểm tra liên nghành ập tới thì bác sĩ Tân lại chối là không phải trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho chị T.

Cung cấp chứng cứ bác sĩ Tân phẫu thuật thẩm mỹ “chui”, chị T (người được bác sĩ Tân khẳng định sẽ nâng mũi) cho biết, vị bác sĩ này không hề lập hồ sơ bệnh án cho chị, thu tiền đút túi không có chứng từ hóa đơn. Khi người nhà chị đặt vấn đề, nếu xảy ra tai biến sau phẫu thuật hoặc bảo hành thì gặp ai, bác sĩ trả lời chỉ cần gọi điện cho bác sĩ.

Chị T khẳng định chính bác sĩ Tân là người thỏa thuận hết với chị về quy trình, thời gian, địa điểm mổ sau khi chị liên lạc theo số điện thoại của bác sĩ trên trang Facebook cá nhân.

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với bác sĩ Tân để tìm hiểu thông tin sự việc nhưng bác sĩ Tân luôn tắt máy và không nghe điện thoại, nhắn tin không trả lời.

Bác sĩ thẩm mỹ chưa có chứng chỉ hành nghề mổ “dạo”: Xảy ra tai biến ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1

Bác sĩ thẩm mỹ chưa có chứng chỉ hành nghề mổ “dạo”: Xảy ra tai biến ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 2

Hình trích từ Facebook cá nhân của bác sĩ Tân

Theo Khoản 5 Điều 28 mục 2 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 30.000.000đ đến 40.000.000đ đối với một trong các hành vi sau đây:

  1. a) Hành nghề không có chứng chỉ hành nghề;
  2. b) Hành nghề đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề;
  3. c) Hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, trừ trường hợp cấp cứu;

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.

Ngoài ra, chiếu theo Điều 242 bộ Luật hình sự 1999, tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác:

  1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
  2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
  3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.
  4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Pháp luật có những quy định rõ ràng như vậy, tuy nhiên thực tế, hiện nay  nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên hành nghề kinh doanh không giấy phép, bác sĩ hành nghề “chui”… đã có nhiều trường hợp tai biến thương tâm xảy ra, thậm chí gây tử vong. Hậu quả đáng tiếc sau khi thẩm mỹ, chị em tự mình gánh chịu, rất ít trường hợp bị xử lý nghiêm minh.

Thiết nghĩ, ngoài việc cơ quan chức năng nên có biện pháp cứng rắn hơn, thì hơn hết, chị em đi làm đẹp, nên có cái nhìn sáng suốt cho bản thân mình, để tránh “tiền mất tật mang”.

Các nhà chuyên môn đưa ra khuyến cáo: Trước khi tiến hành phẫu thuật, phải có cam kết giữa cơ sở khám chữa bệnh và bệnh nhân. Trường hợp xảy ra sự cố, sai sót và những vi phạm mà pháp luật nghiêm cấm thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó, nếu không có cam kết trước phía bệnh nhân vẫn được bồi thường nếu xảy ra sự cố gọi là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tốt nhất trước khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, chị em nên tìm hiểu bác sĩ làm cho mình có chứng chỉ hành nghề hay chưa.

Về vụ việc bác sĩ Tân, dư luận đặt ra câu hỏi: Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ SaiGon‘s Sun sử dụng bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề, thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho bệnh nhân sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?

Vậy nếu trường hợp khách hàng đã được phẫu thuật và xảy ra tai biến liệu có tìm được vị bác sĩ “ma” này? Chị T là “nạn nhân” thứ bao nhiêu của vị bác sĩ này? Xảy ra tai biến ai chịu trách nhiệm?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có ý kiến thêm của các cơ quan chức năng.

TP.HCM bắt quả tang một bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề đang tiến hành phẫu thuật… “dạo”

Ngày 10-9 tại Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ SaiGon‘s Sun thuộc Công ty Cổ phần Thẩm mỹ SaiGon‘s Sun, thanh tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất và phát hiện tại đây một bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật nâng mũi cho bệnh nhân. Điều đáng nói là vị bác sĩ này chưa có chứng chỉ hành nghề.

TIN MỚI NHẤT