Phụ nữ Việt ngày càng thích hút thuốc lá

Sức khỏe 20/12/2021 13:05

Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ nữ giới đang có chiều hướng tăng lên tại Việt Nam.

 

Phụ nữ Việt ngày càng thích hút thuốc lá - Ảnh 1

Điều tra mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc lá thụ động) ở người trưởng thành tại 34 tỉnh/TP của Việt Nam năm 2020 cho thấy tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ nữ giới đang có chiều hướng nhích lên, cụ thể như sau:

- Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm so với năm 2015 (21,7% năm 2020 so với 22,5% năm 2015).

- Tỷ lệ nam giới hút thuốc là 42,3%, giảm so với năm 2015 (45,3%) và tỷ lệ nữ giới hút thuốc là 1,7%, tăng so với năm 2015 (1,1%).

- Giảm tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm so với năm 2015 như nơi làm việc, giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà, giảm từ 59,9% xuống 56,0%; tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/ cà phê/ trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.

Theo đó, so với năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% xuống 21,7%, song đáng chú ý là tỷ lệ phụ nữ hút thuốc gia tăng. Cuộc điều tra không đưa ra lý giải tại sao nhiều phụ nữ hút thuốc hơn 5 năm trước.

Từ những số liệu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội đồng Khoa học nghiệm thu của Bộ Y tế cho rằng, việc điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá rất cần thiết trong bối cảnh tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao, trong khi giá bán thuốc lá quá thấp, thuế thuốc lá chưa tăng đáng kể, khiến cho người hút thuốc vẫn dễ dàng tiếp cận với thuốc lá.

"Các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... đang tìm mọi cách để xâm chiếm thị trường với những chiêu trò quảng cáo tinh vi. Điều tra cần phải thực hiện để làm cơ sở đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia trong giai đoạn mới, đồng thời đề xuất, vận động chính sách cải thiện văn bản pháp luật liên quan và có những biện pháp can thiệp phù hợp trong hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam", Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết.

Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra cảnh báo cho thấy thuốc lá gây ra khoảng 25 bệnh khác nhau như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non. Với phụ nữ mang thai, hít khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.

Phụ nữ Việt ngày càng thích hút thuốc lá - Ảnh 2

Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam và nhiều nước. Gần 97% bệnh nhân ung thư phổi tại nước ta tiền sử có hút thuốc lá. Số tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân là sử dụng thuốc lá.

Ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt chết liên quan đến thuốc lá, nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người hút thuốc lá dễ bị mắc Covid-19 cao gấp 1,5 lần, từ đó nguy cơ lây nhiễm cho gia đình và người xung quanh. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người nhiễm nCoV có nguy cơ tử vong cao hơn.

HỎA TỐC: Hà Nội ban hành chỉ thị mới trước diễn biến dịch phức tạp khi Tết cận kề, hạn chế tối đa hoạt động đông người

UBND TP Hà Nội đã ban hành hoả tốc Chỉ thị số 25 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Lễ cuối năm 2021, đầu năm 2022.

TIN MỚI NHẤT