Cảnh báo: Tự dùng thảo dược trị nóng gan – lợi bất cập hại

Sức khỏe 04/05/2017 10:21

BS CKI Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cảnh báo, trong thực tế khám chữa bệnh, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp ngộ độc do dùng thuốc nam, tuy nhiên việc người dân tự ý dùng các loại thảo dược có tác dụng bồi bổ, hoặc trị nóng trong người cũng để lại hậu quả khôn lường với sức khỏe., tuy nhiên việc người dân tự ý dùng các loại thảo dược có tác dụng bồi bổ, hoặc trị nóng trong người cũng để lại hậu quả khôn lường với sức khỏe.

Tự ý dùng thuốc – bài học không cũ

Anh Nguyễn Minh Tr. (Phú Xuyên, Hà Tây)  cho biết, anh vốn không có bệnh về gan, nhưng có uống rượu. Gần đây, thấy trong người mệt mỏi, phát ban ngoài da tương đối nhiều, lại thêm cả táo bón, người nhà đoán là bị bệnh gan, do gan nóng. Anh đi hỏi han khắp nơi và được mách dùng cây chó đẻ răng cưa rất tốt để làm mát gan, bổ gan. Tuy nhiên sau 2 tuần tự ý sử dụng cây chó đẻ răng cưa, thời gian gần đây anh uống vào cảm thấy hoa mắt, chóng mặt nên đi khám.

Kể về bệnh tình của mình, anh Tr vẫn còn hốt hoảng bảo rằng: “May mà tôi mới uống và đi khám kịp thời, bác sĩ bảo rằng bổ gan đâu chẳng thấy mà uống cây này vào là tôi đang hủy hoại lá gan của mình” .

Thời tiết nóng bức, cơ thể con người cảm thấy mệt mỏi, nóng nực trong người, sinh ra mụn nhọt, mề đay, mẩn ngứa.... nhiều người cho là bị nóng gan, hoặc chức năng gan giảm. Họ thường tự tìm cách tăng cường sức khỏe cho lá gan của mình bằng các loại thảo dược, bởi họ cho rằng thảo dược lành và không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thực tế, thuốc đông y hay thuốc nam hiện đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, mạng internet mà không chịu sự quản lý nào. Đó là chưa kể nguồn gốc thuốc thảo dược không rõ ràng khiến người bệnh càng bị đưa vào “mê cung” các loại thuốc làm mát gan, bổ gan, thậm chí nhiều trường hợp đã gây ra hậu quả xấu tới sức khỏe con người.

Cảnh báo: Tự dùng thảo dược trị nóng gan – lợi bất cập hại - Ảnh 1
Nhiều loại thảo dược như cây chó đẻ được người dân tự ý mua về sử dụng để làm mát gan.

BS CKI Nguyễn Thị Hoa chia sẻ, bệnh viện  chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc thuốc nam, thuốc không rõ nguồn gốc. Nhưng người dân vẫn chia sẻ và truyền miệng cho nhau tự dùng thuốc vô tội vạ, nhiều loại thuốc  quý, rất đắt tiền mọi người truyền miệng nhau dùng như một loại “thuốc bổ” là hết sức sai lầm. Như nấm lim xanh chẳng hạn, đây là một loại thảo dược rất quý, được cho là có tác dụng chữa trị bệnh xơ gan, ung thư gan  hay một số loại ung thư khác. Nhưng người có những người sức khỏe bình thường vẫn tìm mua để uống, theo tôi như vậy rất nguy hiểm.

Dùng không đúng thuốc, theo chỉ định của bác sĩ không chỉ ảnh hưởng đến gan, còn ảnh hưởng đến thận, tim mạch... BS Hoa cho biết, chúng tôi từng tiếp nhân và điều trị một số trường hợp uống thuốc giảm béo từ thảo dược, khiến bệnh nhân tim đập nhanh, hoa mắt, chóng mặt…

Theo các bác sĩ, dùng thuốc nhuận gan, lợi mật từ thảo dược không thể đơn giản, dễ dàng mà bất cứ người nào cũng có thể tự ý “kê đơn – bốc thuốc” cho bản thân mình, nhất là ở những người không có bệnh gan hoặc mắc các bệnh mạn tính khác càng cần thận trọng hơn.

Dùng đúng thuốc đông y mới trị đúng bệnh

Theo BS CKI Nguyễn Thị Hoa cho biết, thuốc đông y hay thuốc nam bản chất đều rất lành và tốt, nhưng nó như “con dao 2 lưỡi”, có thể bổ, có tác dụng tốt với người này nhưng lại hại, ảnh hưởng sức khỏe với người kia. Người bệnh không nên tùy tiện dùng thuốc. Ví dụ như trường hợp ở trên, cây chó đẻ răng cưa là cây thuốc rất tốt trị bệnh gan, hạ men gan, nhưng đồng thời nó còn có tác dụng làm giảm mỡ máu. Nếu bệnh nhân dùng trong thời gian dài, với liều lượng cao, mà nhất là ở người bệnh không  bị mỡ máu thì vô tình thuốc lại trở thành phản tác dụng. Điều đó dẫn đến những cơn chóng mặt, ngất xỉu là điều dễ hiểu.

Cảnh báo: Tự dùng thảo dược trị nóng gan – lợi bất cập hại - Ảnh 2
BS CKI Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y học cổ truyền Việt Nam

Bác sĩ điều trị hoặc bốc thuốc đông y phải là những người hiểu rõ về tác dụng của thuốc cũng như những tương tác có thể gặp phải trên mỗi người bệnh. Mỗi người có tiền sử bệnh và cơ thể khác nhau, việc chẩn đoán, bốc thuốc , liều lượng sử dụng sẽ khác nhau.

TTUT. BS CKII Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam  khuyên, không nên tự mua thuốc bổ gan về dùng.  Như cây chó đẻ răng cưa có tác dụng với người bị bệnh gan nhưng không làm bổ gan. Một trong những tác dụng phụ của nó là hạ huyết áp, tụt huyết áp. Nếu dùng không đúng theo chỉ định của bác sĩ sẽ dẫn đến tụt huyết áp. Dùng thuốc nam trị bệnh gan nói chung rất tốt, nhưng không nên tự ý dùng, tốt nhất chỉ dùng khoảng 1 tháng, sau đó nghỉ  một thời gian  người bệnh nên đi khám lại mới tiếp tục dùng theo chỉ định của bác sĩ. “Vì theo đông y cái gì thừa cũng hỏng thiếu cũng hỏng, đều sinh bệnh” – BSCKII Nguyễn Hồng Siêm cho biết.

BS Hoa cho hay, tại nhiều bệnh viện y học cổ  truyền  hiện nay, các y bác sĩ thường xuyên phải dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng, dựa trên bằng chứng để chẩn bệnh. Bởi vì, với sự phát triển của khoa học, các xét nghiệm lâm sàng, tiền lâm sàng trở nên hữu ích hơn, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh tật và điều trị hiệu quả hơn.

TIN MỚI NHẤT