Cách chữa bỏng bô xe máy trong 4 bước an toàn, tránh nhiễm trùng!

Sức khỏe 04/10/2022 10:25

Bỏng bô (hay bỏng pô) xe máy là tai nạn rất thường gặp, nhất là với hệ thống giao thông hiện tại. Bất cẩn đụng trúng bô xe máy và gây bỏng là điều không ai mong muốn tuy nhiên mỗi chúng ta đều cần nắm được cách sơ cứu và cách chữa bỏng bô xe máy đúng cách, nhằm tránh nhiễm trùng và để lại sẹo nhé!

Bỏng bô xe máy là gì?

Tai nạn bỏng bô (bỏng pô) xe máy khá thường gặp và thường xảy ra hết sức bất ngờ, đa số là do sự bất cẩn. Bỏng bô xe máy là tình trạng cơ thể chúng ta, đa số là chân hoặc tay tiếp xúc với bộ xe máy khi nó còn rất nóng và gây bỏng. Vết bỏng tùy theo mức độ nóng của bô xe và tùy theo tình trạng tiếp xúc của da với vùng bô xe như thế nào.

Tại các vị trí để xe, thường khi dựng xe máy gần nhau, chúng ta thường hay đứng ở phía bô xe của xe bên cạnh nên chân rất dễ chạm vào bô xe. Nếu xe đó mới di chuyển trong thời gian dài và mới dựng gần đó, chưa kịp thoát nhiệt ở ống bô thì rất dễ gây bỏng. Bỏng bô xe máy gặp nhiều hơn ở nữ giới hơn khi các chị em hay mặc váy, phần chân để hở nên dễ bị bỏng hơn.

Cách chữa bỏng bô xe máy trong 4 bước an toàn, tránh nhiễm trùng! - Ảnh 1
 Bỏng bô xe máy là một trong những vấn đề thường gặp nhất!

Khi gặp phải tình trạng bỏng bô xe máy thì chúng ta cần phải biết cách sơ cứu và cách chữa bỏng bô xe máy sao cho đúng. Xử lý nhanh và đúng cách giúp vết thương không bị nhiễm trùng, không để lại sẹo.

Cách chữa bỏng bô xe máy trong 4 bước đơn giản

Cách chữa bỏng bô xe máy cần thực hiện đúng ngay từ khi bạn tiếp xúc với bô xe máy và khi chân đang thấy bỏng rát. Theo đó, bạn cần tiến hành sơ chế theo các bước sau:

Bước 1: Xối rửa ngay vết bỏng bằng nước sạch

Cách chữa bỏng bô xe máy trong 4 bước an toàn, tránh nhiễm trùng! - Ảnh 2
 Nên xối vết bỏng với nước mát, chứ không phải nước đá hay bôi kem đánh răng!

Nếu vùng bỏng có quần áo thì cần phải cởi quần áo hoặc dùng kéo cắt để loại bỏ quần áo ở vùng vết thương bị bỏng. Sau đó, bạn đưa vết thương ra dưới vòi nước chảy, nên mở nước mát rồi xả liên tục trong khoảng 15 phút. Việc làm này sẽ giúp làm giảm nhiệt độ ở trên bề mặt da, giúp giảm diện tích bỏng trên da và cũng làm giảm độ sâu của vùng tổn thương trên da. Đồng thời, vệc xối nước này cũng sẽ giúp giảm đi cảm giác bỏng rát, khó chịu khi mới bị bỏng.

Chú ý bạn không nên dùng nước đá hoặc đá lạnh để ngâm rửa vết bỏng. Vì đá lạnh sẽ làm đông cứng các tế bào gây ra tổn thương nặng hơn. Thậm chí, có thể dẫn đến tình trạng hoại tử khi bị bỏng lạnh, khiến việc điều trị vết bỏng sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bước 2: Tiệt trùng vết bỏng

Sau khi đã để vết bỏng dưới vòi nước 15 phút thì bước tiếp theo bạn cần làm là phải tiệt trùng vết bỏng. Ở công đoạn này, bạn sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch sát khuẩn Povidine 10% để rửa vết thương.

Chú ý không nên sử dụng Oxy già, thuốc đỏ hay cồn y tế để sát khuẩn vết bỏng vì các dung dịch này sẽ làm chết mô hạt và sẽ để lại sẹo tại vết thương. Cũng cần chú ý không dùng dung dịch Povidine để vệ sinh vùng bỏng nếu người bị thương có tiền sử dị ứng iot hoặc phụ nữ có thai, đang cho con bú.

Bước 3: Bôi thuốc trị bỏng

Cách chữa bỏng bô xe máy trong 4 bước an toàn, tránh nhiễm trùng! - Ảnh 3
Thoa thuốc trị bỏng lên vết bỏng trước khi băng bó! 

Nếu trong nhà có sẵn các loại kem, thuốc trị bỏng thì bạn có thể dùng chúng để thoa lên vết bỏng bô xe máy. Bạn có thể dùng thuốc Xethenol để bôi trên vết bỏng giúp kháng khuẩn, giảm đau và giúp hạn chế để lại vết sẹo do bỏng bô gây ra. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng dầu mù u, gel nha đam hoặc kem silvrin hay biafine lên trên vết bỏng một lớp dày để hạn chế bóng nước, cũng làm mát vết thương và làm giảm nguy cơ để lại sẹo.

Ngược lại, nếu trong nhà không có sẵn các loại thuốc trên thì bạn có thể sử dụng mật ong để thay thế. Vì mật ong có tác dụng sát khuẩn, làm lành vết thương, nên được coi như một cách chữa bỏng bô xe máy không để lại sẹo của dân gian từ lâu đời và khá hiệu quả.

Cách chữa bỏng bô xe máy trong 4 bước an toàn, tránh nhiễm trùng! - Ảnh 4
 Nếu không có sẵn thuốc trị bỏng thì bạn có thể dùng mật ong để thay thế!

Bước 4: Băng bó vết thương

Nếu vết bỏng nhẹ, nông, chỉ gây nóng rát, không có bóng nước trên da và không có cháy da, chảy máu… thì bạn chỉ cần làm sạch vết thương và có thể để vết thương thông thoáng và tiếp xúc với không khí thì sẽ nhanh lành. Thông thường, sau 1-2 tuần là vết thương sẽ hoàn toàn lành lại.

Cách chữa bỏng bô xe máy trong 4 bước an toàn, tránh nhiễm trùng! - Ảnh 5
Không nên băng vết thương quá chặt sẽ khiến vết thương lâu lành! 

Tuy nhiên, khi vết bỏng nặng có bọng nước, thậm chí có tổn thương như trầy xước da, chảy máu thì bạn cần sử dụng băng và gạc sạch để băng bó vết thương, tránh cho vết thương hở bị nhiễm trùng. Chú ý, không dùng kim hay vật sắc nhọn để làm vỡ vết bọng nước. Sau đó, dùng gạc mỡ Vaseline để tránh cho vết thương không bị dính vào gạc. Chỉ nên băng hờ để che bụi bẩn chứ không nên băng quá chặt quá kín, vìsẽ khiến vết bỏng lâu lành, sau này gây sẹo nhăn nheo hơn.

Chú ý: Nếu bóng nước ở vết bỏng bị bể thì bạn cần rửa vết phỏng bằng nước muối sinh lý và bôi kem, băng lại như bình thường. Trong trường hợp vết thương bị bỏng nặng và sâu, diễn tiến vết thương có dấu hiệu sưng, đỏ, đau nhiều hơn ở quanh vết thương, vết bỏng không se lại, và có mô hoại tử,... các bạn nên đến bệnh viện để được xử lý vết thương và điều trị đúng cách nhé.

Một số lưu ý khi xử lý vết bỏng bô xe máy

- Không đắp mỡ trăn, mỡ gà, trứng gà, muối hay các loại thuốc đông y, lá cây mà không rõ nguồn gốc, chưa được nghiên cứu có tác dụng chữa vết phỏng. Sử dụng bừa bãi những sản phẩm này để đắp vào vết bỏng có thể gây nhiễm trùng, khiến vết thương khó lành, bị lở loét, gây hoại tử… vô cùng nguy hiểm.

- Khi bị bỏng bô xe máy không nên bôi dụng kem đánh răng lên vết bỏng. Nhiều người thường truyền tai nhau cách dùng kem đánh răng bôi lên vết bỏng để làm mát và làm liền vết thương do bỏng gây ra. Tuy nhiên, kem đánh răng có chứa kiềm, khi bôi lên vùng da bị bỏng sẽ làm tăng mức độ đau rát, khiến cho vết bỏng ăn sâu hơn, nặng hơn và có thể gây nhiễm trùng.

- Tuyệt đối không nên chọc vỡ bọng nước hay làm trợt các vết loét có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, khiến vết bỏng nặng hơn, lâu lành hơn. Khi có tổn thương nặng như bị sứt da, rách da tại vùng bỏng thì cần xử lý y tế, khử trùng dụng cụ và cắt bỏ các da thừa trước khi băng bó.

- Có một số người có cơ địa dễ để lại sẹo sẽ bị sẹo sau khi vết thương do bỏng bô xe máy đã lành. Có một số người áp dụng cách chữa sẹo bỏng bô xe máy bằng nghệ tươi hoặc kem nghệ. Tuy nhiên thì theo thông tin từ Viện bỏng Quốc gia thì tỷ lệ dị ứng do nghệ tươi khá cao. Nhiều người dùng nghệ tươi không những không giúp hết sẹo mà còn khiến vết sẹo bị thâm, đen bóng lâu dài, khiến sẹo khó mờ. Vì vậy, bạn nên dùng những kem trị sẹo chuyên dụng để đảm bảo hiệu quả nhé.

Tóm lại, bỏng bô xe máy là tai nạn thường gặp và có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, nếu áp dụng cách chữa bỏng bô xe máy đúng và khoa học thì sẽ không có gì đáng ngại, vết thương sẽ nhanh chóng lành lại sau khoảng 1-2 tuần. Hy vọng với 4 bước sơ cứu vết bỏng bô xe máy ở trên, các độc giả đã nắm lòng được cách trị bỏng an toàn, nhanh lành và không lo về sẹo này rồi nhé!

Plank và những lưu ý về động tác mà bạn cần lưu ý để đạt được hiệu quả tốt nhất!

Plank vốn là bài tập vô cùng quen thuộc với công hiệu đốt mỡ, săn chắc cơ tuyệt vời mà không đòi hỏi quá nhiều thời gian!

TIN MỚI NHẤT