Mặt người phụ nữ loang lổ, đen sạm sau khi lăn kim trị nám da ở spa

Sống khỏe 19/10/2019 05:55

Sau khi trị nám da ở một spa, hai má người phụ nữ ngoài 40 tuổi loang lổ, đen sạm, rỉ dịch vàng, nhiễm trùng da.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Khoa Laser và săn sóc sa, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bị hỏng da nghiêm trọng do làm đẹp tại cơ sở không bảo đảm chất lượng. Hiện bệnh viện đang điều trị cho nữ bệnh nhân N.P.C. (46 tuổi, ở huyện ngoại thành Hà Nội) trong tình trạng nhiễm trùng da ngiêm trọng, hai má viêm đỏ, với những mảng nám lớn đen xì sau khi chữa nám má tại một spa chị này quen biết. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hai má loang lổ, rỉ dịch vàng, có dấu hiệu của nhiễm trùng da.

Mặt người phụ nữ loang lổ, đen sạm sau khi lăn kim trị nám da ở spa - Ảnh 1
Mặt người phụ nữ loang lổ sau chữa nám

Theo lời kể của chị C., thời gian gần đây, do thấy xuất hiện các vết nám trên da nên chị đã tìm tới spa của người nhà với hi vọng lấy lại làn da khỏe đẹp. Chủ spa quảng cáo trị nám má rất đơn giản, chỉ cần liệu trình lăn kim, vi kim tảo biển là hiệu quả nhanh và không ảnh hưởng gì sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi làm liệu trình thứ 2, da mặt chị C. đau rát, chủ cơ sở này đã cho chị C. một loại thuốc để bôi và nói vài hôm sẽ khỏi. Thế nhưng làn da chị C. càng trở nên đau, xót, khó chịu, bỏng rát, chảy dịch. Đến ngày thứ 4, do không chịu được nữa, chị mới tới Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành cho biết khi đến khám, da của bệnh nhân trên đã tổn thương khá nặng, xuất hiện tình trạng nhiễm trùng. Đến thời điểm này, sau 2 tuần điều trị, dù làn da có thể hồi phục 60–80% nhưng việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn rất nhiều so với các trường hơp nám ra điều trị chuẩn ngay từ đầu.

Mặt người phụ nữ loang lổ, đen sạm sau khi lăn kim trị nám da ở spa - Ảnh 2

Nữ bệnh nhân đang phải điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương

Trước đó, một nữ bệnh nhân 31 tuổi ở Thái Nguyên cũng nhập viện do da mặt đỏ rát, gương mặt sưng vù sau khi chữa nám bằng một loại rượu thảo dược. Nữ bệnh nhân chỉ đến bệnh viện thăm khám khi cả hai mắt sưng to, không nhìn thấy gì.

Cũng theo bác sĩ Thành, hiện nay, tại các cơ sở làm đẹp, spa quảng cáo rất nhiều về việc lăn kim, vi kim tảo biển... và nhiều phương pháp xâm lần khác để trị nám da, rám má. 

Theo quy định của Bộ Y tế, các kỹ thuật làm đẹp xâm lấn cần phải được thực hiện bởi các bác sĩ được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu về da liễu, thẩm mỹ và nên thực hiện tại những nơi có đầy đủ trang thiết bị để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Trong khi đó, nám da, rám má là một rối loạn tăng sản xuất và phân bố hắc tố ở lớp thượng bì và trung bì. Việc điều trị phải căn cứ trường hợp cụ thể. 

Khi muốn chữa nám, người dân cần tới cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ thăm khám. Tuyệt đối không được tự ý bôi thuốc truyền theo truyền miệng như dùng rượu, lá trầu không, đắp cá hồi, nghệ tươi, kem trộn... hay các phương pháp không có cơ sở khoa học khác gây bỏng da và làm cho tình trạng nám da trầm trọng hơn.

Phẫu thuật căng da mặt được nhiều chị em ưa chuộng nguy hiểm thế nào?

Căng da mặt là giải pháp lấy lại "thanh xuân" mà nhiều chị em tin tưởng, lựa chọn nhưng đằng sau nó cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

TIN MỚI NHẤT