Im im chẳng phải là lành

Phụ nữ yêu 18/05/2019 05:16

Có rất nhiều cuộc hôn nhân mà vợ chồng sống với nhau chỉ như hai người chung một nhà trọ, khá hơn thì mỗi người một phòng và rất hạn chế nói chuyện với nhau, trừ khi liên quan đến tài sản chung hay con cái.

Ngạc nhiên là, họ biện minh cho lối sống như vậy bằng lý do: để con cái có đủ cha mẹ, dù bản thân họ biết mình không hạnh phúc.

Bất chấp các nghiên cứu khoa học khẳng định điều khiến con người hạnh phúc nhất là có các mối quan hệ khỏe mạnh và chất lượng, những đôi vợ chồng này vẫn chọn sống chung và duy trì một mối quan hệ không khỏe mạnh, thiếu chất lượng. Lý do để con cái “phát triển bình thường” thực chất chỉ là ngụy biện hoặc cố tình khỏa lấp sự thiếu can đảm giải quyết căng thẳng giữa vợ chồng mà thôi.

Cảm giác tốt nhất của bạn tôi là những giờ phút nâng ly với các “anh em chiến hữu”. Sau cuộc nhậu, anh chỉ muốn đi đâu đó, để đến lúc về nhà thì vợ và con đã ngủ. Anh cũng thừa biết, ở nhà chẳng có ai đợi mình, kể cả hai đứa con, bởi chúng nghe lời mẹ, rằng “ba mày chỉ biết nhậu thôi chứ chẳng quan tâm gì đến tụi mày”. Câu chuyện của bạn tôi đã bắt đầu ngay khi họ sắp kết hôn, khi cô vợ tương lai luôn “đặt câu hỏi” về mọi số điện thoại của bất kỳ ai là nữ giới trong máy anh. Giải pháp anh chọn là bỏ số điện thoại đang dùng, mua số mới và họ cưới nhau.

Im im chẳng phải là lành - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Kết hôn xong, bạn tôi mở xưởng sản xuất đồ dùng trong nhà. Kinh doanh thuận lợi, anh rời gia đình nhiều hơn và điện thoại lại tăng nhanh các số lưu, cả nam lẫn nữ - các khách hàng, đối tác… Cô vợ lại đặt câu hỏi về những cái tên nữ trong điện thoại chồng và nâng tầm sự việc bằng cách gọi cho bất kỳ số nào mà cô nghi ngờ, hỏi những câu khiến bên kia khó chịu. Một số người đã “nghỉ chơi” với bạn tôi, khuyên “anh cứ ở nhà để vợ chăm cho, kinh doanh làm gì”.

Bạn tôi quyết định đặt mật khẩu điện thoại và không nói chuyện với vợ. Anh thẳng thắn đề nghị vợ chỉ tập trung lo cho các con học hành, đừng xen vào chuyện làm ăn của anh nữa. Anh biết, quan hệ vợ chồng đã xấu đi, nhưng anh thấy yên ổn vì việc kinh doanh không còn rắc rối trong quan hệ với đối tác và khách hàng. Tôi hỏi, rồi cứ vậy à; anh tặc lưỡi, nhìn tôi, lắc đầu: “Kệ đi! Được ngày nào tốt ngày đó. Lo cái xưởng đã”.

Chị Trang ngồi trước mặt tôi, nước mắt chảy dài, nói: “Em muốn chết. Em không chịu nổi nữa. Em không thể mở miệng, vì anh ấy sẽ nổi điên mất”. Chị Trang lấy chồng để “thoát ly” khỏi cha mẹ. Chồng chị lúc đó là người tốt nhất, vì có thể lo cho chị. Theo lời chị kể, chồng rất “quá quắt”, hung dữ và sẵn sàng đánh vợ mỗi khi chị bày tỏ suy nghĩ liên quan đến chồng. Một thời gian sau, chị Trang học cách im lặng sống, chu toàn mọi chuyện trong nhà và con cái, mặc kệ chồng.

Im im chẳng phải là lành - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Các chuyên gia tâm lý ghi nhận: những đôi chồng bạo hành vợ, hầu hết người vợ đều chọn “im lặng cho yên thân”. Thậm chí có những người vợ tin rằng, chồng có quyền đó. Khi lẽ ra phải đối thoại, họ im lặng, khiến mối quan hệ đổ vỡ. Nhiều cặp, trước ngày ra tòa chia tay đều kể rằng, họ đã không chịu nổi sự im lặng của người bạn đời hoặc đã quá chán bầu không khí nặng nề trong nhà.

Nghiên cứu khá lý thú về những phản ứng khác nhau giữa hai giới cho biết: đàn ông chọn im lặng để gia tăng khoảng cách, do không muốn bị phiền nhiễu với những thắc mắc của vợ về các hoạt động của mình. Người vợ cũng chọn im lặng để giữ gìn quan hệ, nhưng là kiểu chấp nhận những tổn thương và thiệt thòi trong cảm xúc. Trong mọi trường hợp, chúng đều bất ổn. Nhưng làm sao để đối thoại với nhau?

1. Hãy nghĩ về mục đích và giá trị của cuộc đời mình. Cần loại bỏ tư tưởng “không làm gì được nữa” hay vì quá bận tâm đến con cái.

2. Thực hành việc nói ra một cách quyết đoán (assertiveness) và sẵn sàng đối diện với vợ hoặc chồng trên tinh thần xây dựng chứ không phải gây hấn.

3. Tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý.

Im im chẳng phải là lành - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Chẳng hạn với chị Trang, thay vì chấp nhận và than phiền về nỗi khổ của mình, chị có thể đề nghị một cuộc nói chuyện với chồng. Thông điệp quyết đoán có thể là: “Em cảm thấy rất buồn và đau khổ khi anh không coi trọng những lời nói của em. Em muốn được anh chia sẻ về công việc của anh. Em muốn mình có thể nói chuyện mà anh không to tiếng hay trấn áp em”. Nếu chồng tức giận, chị có thể dừng lại và… nói tiếp, với cùng nội dung, sau đó, khi chồng đã dịu.

Bạn tôi thì đang chuẩn bị thuyết phục vợ: “Anh hiểu là em lo anh quen người phụ nữ khác. Anh rất xấu hổ khi khách hàng bảo anh nên ở nhà, để vợ chăm, chứ kinh doanh gì nữa. Anh muốn em tôn trọng các mối quan hệ làm ăn của anh và dừng kiểu gọi điện chất vấn họ”.

Mối quan hệ có chất lượng thông qua việc nói chuyện thoải mái với nhau sẽ khiến chúng ta thấy cuộc sống của mình là đáng sống và hạnh phúc. Đừng bỏ cuộc, khi ta yêu nhau và mong hạnh phúc bên nhau

Nguyên nhân nào khiến các cặp vợ chồng dù đã từng rất yêu thương nhau lại có thể coi nhau như 'kẻ thù'?

Theo các chuyên gia, điều tối kỵ trong đời sống vợ chồng là không nên im lặng, hoặc “mặt nặng mày nhẹ” với nhau rồi sinh ra cáu bẳn, hay chấp vặt, rồi dẫn đến ghét nhau, thậm chí coi nhau như kẻ thù.

TIN MỚI NHẤT