Quan điểm dạy con của mẹ Việt ở Nhật: Không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp

Nuôi dạy con 09/02/2023 05:27

Bà mẹ trẻ tâm sự bắt đầu đọc sách cho con từ khi con còn nằm trong bụng, và cứ đều đặn đọc hàng ngày. Dù có bận đến mấy thì mỗi ngày bố mẹ đều dành thời gian để cùng con đọc một quyển sách.

Dưới đây là một số quan điểm về việc cho con sử dụng thiết bị điện tử của chị chị Quế Ngọc, mẹ của 2 em bé Nova Mai Anh (gần 3 tuổi) và Lucian Đăng Khoa (4 tuổi rưỡi). Các phương pháp này chị đã, đang và tiếp tục áp dụng cho 2 bé: 

Tiếp xúc với TV quá nhiều sẽ làm hạn chế khả năng tư duy của trẻ

Người ta ví bộ não của trẻ em như một miếng bọt biển có thể hấp thụ tất cả mọi thứ mà chúng tiếp xúc. Bộ não siêu linh hoạt của trẻ em có thể tiếp thu một lượng kiến thức khổng lồ rất nhanh. Tuy nhiên, chúng không biết cách chọn lọc. 

Việc để trẻ tự do sử dụng thiết bị điện tử không có kiểm soát sẽ dễ dàng tạo cơ hội cho những luồng thông tin độc hại xâm nhập vào trong nhận thức của trẻ, tạo ra cái nhìn méo mó về thế giới thực, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách. Tiếp xúc với TV quá nhiều sẽ làm hạn chế khả năng tư duy, sự tập trung hay hoạt động phản xạ của não bộ. Xem TV không giúp trẻ giải quyết được các tình huống giao tiếp, vấn đề trong thực tế. Hình ảnh một đứa trẻ tung tăng chạy nhảy dưới ánh nắng mặt trời, tràn đầy năng lượng đẹp hơn rất nhiều so với cảnh đứa trẻ đó ngồi trong góc nhà cắm mặt vào chiếc điện thoại một cách mê muội. 

Quan điểm dạy con của mẹ Việt ở Nhật: Không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp - Ảnh 1

Quan điểm dạy con của mẹ Việt ở Nhật: Không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp - Ảnh 2

Một vài người cho rằng cứ mở các kênh ca nhạc, hoạt hình tiếng Anh lên cho trẻ xem thì sẽ giúp học ngoại ngữ. Nhưng theo mình quan điểm này là không đúng, nhất là đối với trẻ dưới 2 tuổi, trẻ chưa nói sõi tiếng mẹ đẻ. Vì không có các tương tác qua lại nên não của trẻ gần như bất động khi xem TV. Những từ ngữ trên phim được con nhắc lại một cách vô thức nhưng không biết cách ứng dụng vào trong giao tiếp. Đó là một trong những nguyên nhân gây chậm nói hoặc rối loạn ngôn ngữ. Một số chương trình TV có thể cung cấp kiến thức nhưng nó không khơi gợi nên những câu hỏi để trẻ suy nghĩ, sáng tạo ra các ý tưởng của riêng mình.

Hướng dẫn con sử dụng thiết bị điện tử đúng đắn

Mình không hoàn toàn cấm con xem TV, điện thoại mà hướng dẫn cho con sử dụng những thiết bị điện tử một cách đúng đắn để khai thác kiến thức, với một thời lượng nhất định. 

Từ lúc 3 tuổi con cũng được dùng máy tính bảng để chơi các trò chơi luyện phản xạ, logic. Mỗi lần sử dụng tầm 30 phút, có sự giám sát của người lớn. Có rất nhiều ứng dụng hay, nhưng một trong những ứng dụng mà con rất thích và mình cũng đánh giá cao là Khan Academy Kids. Ở tuổi con cũng có các trò chơi giới thiệu về ngôn ngữ lập trình trực quan, đơn giản qua việc sử dụng các khối hoặc biểu tượng. Sắp tới chồng mình sẽ cùng con bắt đầu học coding qua các trang uy tín của BBC, Code.org, MIT,...

Quan điểm dạy con của mẹ Việt ở Nhật: Không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp - Ảnh 3

Quan điểm dạy con của mẹ Việt ở Nhật: Không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp - Ảnh 4

Khi nào đọc sách, gặp những hiện tượng vật lý, tự nhiên mà con có hứng thú tìm hiểu sâu hơn thì mình sẽ tìm thêm video trên các kênh youtube của NatGeo hoặc BBC để con được tham khảo. Ví dụ như video về vòng đời của ếch, bướm, núi lửa, lốc xoáy, các hành tinh trong hệ mặt trời, cách người ta chế tạo ra tàu điện…

Thỉnh thoảng cả nhà cùng xem phim qua màn hình máy vi tính hoặc máy chiếu. Bọn mình chọn lọc ra những phim hay và phù hợp với lứa tuổi của con. Ví dụ như phim hoạt hình của Disney, Pixar hoặc Ghibli Studio. Những phim này không chỉ có nội dung ý nghĩa mà phần hình ảnh và âm nhạc cũng có giá trị nghệ thuật rất cao. Những khi xem phim đến đoạn cao trào xúc động thì con lại rưng rưng nước mắt. Con thấy thương những số phận yếu thế bị bắt nạt, phẫn nộ trước những hành vi xấu xí trong phim. Trong trái tim nhỏ bé của con đã dần hình thành nên sự thấu cảm và lòng trắc ẩn rồi.

Hướng dẫn con chơi trò chơi 

Tùy theo độ tuổi thì có nhiều lựa chọn về đồ chơi khác nhau để kích thích não bộ, rèn luyện kỹ năng,... Đây là một số những món đồ chơi mà hai bạn nhỏ lứa tuổi 2-4 của nhà mình rất thích:

Giấy, bút màu vẽ: khuyến khích trí tưởng tượng, nâng cao khả năng quan sát, bày tỏ cảm xúc, thể hiện cảm nhận về thế giới xung quanh,...

Lego (duplo), Xếp hình, Khối gỗ,...: Kích thích sự sáng tạo, rèn luyện tính kiên nhẫn, kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy hình học,...

Quan điểm dạy con của mẹ Việt ở Nhật: Không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp - Ảnh 5

Quan điểm dạy con của mẹ Việt ở Nhật: Không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp - Ảnh 6

Đồ chơi nhà bếp, búp bê, bác sĩ,...: Phát triển kỹ năng xã hội, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, quan tâm đến mọi người xung quanh,...

Đồ chơi nhạc cụ: piano, trống, ukele,...: Giúp con sớm biết cảm thụ âm nhạc, thư giãn tinh thần. Âm nhạc mang lại niềm vui và sự hưng phấn.

Bạn Lucian nhà mình rất mê tàu điện, tàu shinkansen nên mình hay sưu tầm những bộ đường ray và mô hình các đoàn tàu yêu thích. Ngày nào con cũng chơi, thể hiện sự sáng tạo qua cách thiết kế và xây dựng bố cục của riêng mình. Mình cũng giải thích cho con các nguyên tắc cơ bản của vật lý và kỹ thuật thông qua việc điều khiển các đoàn tàu và đường ray.

Quan điểm dạy con của mẹ Việt ở Nhật: Không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp - Ảnh 7

Quan điểm dạy con của mẹ Việt ở Nhật: Không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp - Ảnh 8

Con rất thích thú và có thể dành ra hàng giờ mỗi ngày để chơi các trò chơi này. Khi đi ra ngoài, con luôn chăm chú quan sát thế giới xung quanh, tò mò đặt ra hàng loạt câu hỏi. Về nhà thì con tái tạo lại những gì nhìn thấy được thông qua giấy bút, hình khối,... Các con rất hào hứng, phấn khởi khi được chiêm ngưỡng sản phẩm do tự tay mình tạo nên. Đam mê sáng tạo được nuôi dưỡng từ đó. 

Vợ chồng mình thường xuyên tổ chức cho các gia đình gặp gỡ để các bạn nhỏ được chơi vui cùng nhau, cùng học cách chia sẻ, phát triển kỹ năng giao tiếp, xã hội. Những ngày cuối tuần thời tiết thuận lợi thì nhà mình luôn dành ít nhất 2 tiếng đồng hồ vui chơi ngoài trời cùng các bạn. Khuyến khích con tham gia các trò chơi vận động để rèn luyện thể chất: chạy nhảy, leo trèo, đạp xe, đá bóng,...

Không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp

Và tất nhiên không thể không kể đến lợi ích của việc đọc sách. Qua nhiều lần chuyển nhà, tuy không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp. Mình bắt đầu đọc sách cho con từ khi con còn nằm trong bụng, và cứ đều đặn đọc hằng ngày cho đến tận bây giờ. Dù có bận đến mấy thì mỗi ngày mình hoặc chồng đều dành thời gian để cùng con đọc một quyển sách. Những lúc này mình cảm thấy trong lòng thật bình yên, cảm giác thật gần gũi và gắn kết với con nhiều hơn.

Trong lúc đọc thì mình thường đan xen các câu hỏi, cùng con thảo luận về câu chuyện trong sách. Việc đọc sách thường xuyên đã mang lại nhiều lợi ích thấy rõ trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ: 2 bạn nhỏ bắt đầu tập nói từ rất sớm (tầm 18 tháng tuổi), đến nay nói rất sõi và biết lý sự với ba mẹ rồi. Hiện tại thì đang nói 3 thứ tiếng: Anh, Việt, Nhật. Anh hai Lucian thì muốn được tự mình đọc sách nên tự giác học, giờ đã biết viết, đánh vần bảng chữ cái Latin và Hiragana của Nhật.

Quan điểm dạy con của mẹ Việt ở Nhật: Không bao giờ sắm TV nhưng trong nhà nhất định phải có 1 tủ sách đầy ắp - Ảnh 9

Với thời đại công nghệ phát triển như ngày nay thì các thiết bị điện tử cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc học tập và tìm kiếm kiến thức mới. Đôi lúc các bậc cha mẹ như mình cũng phải nhờ đến sự giúp sức của cái TV, điện thoại, máy tính bảng để tranh thủ một chút thời gian làm việc nhà hay chăm sóc bản thân một tí. 

Việc lạm dụng, quá phụ thuộc vào màn hình điện tử sẽ có hại cho con. Nhưng nếu biết sử dụng đúng cách, khai thác những nội dung có tính giáo dục bổ ích, hướng dẫn con học và chơi một cách an toàn với thời lượng nhất định thì con sẽ được lợi rất nhiều. Tuy nhiên mình vẫn khuyến khích việc hạn chế cho trẻ dưới 2 tuổi xem TV. Nếu có thể thì hãy cố gắng tương tác trực tiếp với con nhiều hơn, hướng dẫn cho con tự chơi, đọc sách. Theo mình thì bắt đầu từ 3 tuổi mới nên cho con xem TV, nhiều nhất là 30-45 phút mỗi ngày.

Hà Nội: Tuyển sinh bổ sung vào lớp 10 chuyên năm học 2022-2023

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội vừa có văn bản thông báo chỉ tiêu và hướng dẫn tuyển bổ sung học sinh vào lớp 10 chuyên đợt đầu học kỳ II năm học 2022-2023.

TIN MỚI NHẤT