Những điểm nóng xây dựng không phép, sai phép tại TP.HCM

Nhà đất 17/09/2019 11:53

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở TP.HCM phần lớn xảy ra ở các quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa như Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, quận 12… Đây được xem là những điểm nóng về xây dựng sai phép, không phép.

Những điểm nóng xây dựng không phép, sai phép tại TP.HCM - Ảnh 1
TP.HCM quyết xử nghiêm các trường hợp xây dựng không phép - Ảnh: Internet

Hàng loạt điểm nóng về xây dựng không phép

 Theo số liệu Thanh tra xây dựng quận Bình Tân, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn trong những năm qua còn diễn biến phức tạp, số lượng công trình vi phạm ngày càng tăng. Từ năm 2017 đến 7 tháng đầu năm 2019, Thanh tra xây dựng đã phát hiện xử lý 444 trường hợp vi phạm xây dựng, trong đó có 291 trường hợp xây dựng không phép, 153 trường hợp xây dựng sai phép.

Đối với trường hợp xây dựng không phép, UBND quận tiếp nhận 291 trường hợp thuộc thẩm quyền (đã xử lý 238 trường hợp). Đối với 153 trường hợp thuộc thẩm quyền Thanh tra Sở Xây dựng, UBND TP.HCM đã xử lý 71 trường hợp.

Bình Chánh cũng là điểm nóng về trật tự xây dựng khi từ giữa tháng 3.2017 đến cuối năm 2018, các đơn vị liên quan đã phát hiện, cưỡng chế từ đầu gần 1.370 trường hợp, trong đó có gần 690 trường hợp xây dựng không phép. Trong 6 tháng đầu năm nay, huyện chỉ có 43 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B lại xảy ra hàng loạt vi phạm nổi cộm với nhiều vụ tự ý phân lô, cất nhà trên đất nông nghiệp.

Còn tại quận Thủ Đức, trong các năm 2016, 2017, vi phạm xây dựng trên địa bàn giảm nhưng từ năm 2018 đến nay lại tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số công trình xây dựng không phép, sai phép tăng gấp đôi so với cùng kỳ (121 công trình không phép, 59 công trình sai phép). Nhiều công trình không phép chủ yếu xây dựng trên các khu đất đang quy hoạch. Đơn cử như khu vực quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM (phường Linh Trung); khu đất dự trữ xây hồ điều tiết (phường Tam Phú), Hiệp Bình Chánh (ga Bình Triệu).

Ở huyện Cần Giờ, từ năm 2017 tới tháng 6.2019, tổng số công trình xây dựng sai nội dung cấp giấy phép và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng là 58 trường hợp, chiếm 41,4% tổng số công trình vi phạm trên địa bàn huyện. Tổng số công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn hiện nay là 60/118 trường hợp, chiếm 50,8% trên tổng số công trình xây dựng không phép và chiếm 42,8% tổng số công trình vi phạm trên địa bàn...

Còn tại quận 1, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019, địa phương này có 269 công trình vi phạm. Trong đó, 165 công trình không có giấy phép, 104 công trình sai phép, ban hành 219 quyết định xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng.

Trong khi đó, tại quận 9, thanh tra xây dựng quận này cho biết, công tác kiểm tra xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn gặp nhiều khó khăn do người dân tìm cách đối phó để xây dựng vào các ngày nghỉ và ban đêm. Một số trường hợp chủ đầu tư giao khoán công trình cho bên chủ thầu cố tình xây dựng không phép. Các công trình xây dựng không phép đa số có kết cấu đơn giản nên lắp dựng rất nhanh, khi phát hiện lập hồ sơ thì công trình vi phạm sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong khi đó, quy trình xử lý có thời gian kéo dài nên gây hạn chế trong công tác thực thi pháp luật và khó khăn trong việc cưỡng chế công trình xây dựng không phép đã hoàn thành.

Biện pháp ngăn chặn

Để ngăn chặn tình trạng biến tướng ngày càng mất kiểm soát trong vi phạm trật tự xây dựng, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch 3333 về kế hoạch triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM giao các sở ngành triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện các vụ việc có dấu hiệu hình sự để điều tra, xác minh kịp thời, khởi tố khi có căn cứ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng không phép, sai phép. Các đối tượng móc nối với cán bộ, công chức có trách nhiệm để được bảo kê, làm ngơ cho các hoạt động vi phạm pháp luật cũng sẽ bị khởi tố.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng vừa quyết định giao Chủ tịch UBND quận huyện chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế đối với vi phạm trật tự xây dựng.

Tương tự, Thành ủy TP.HCM đã ra chỉ thị số 23 về các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. TP.HCM sẽ tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo tinh thần việc thanh tra, xử lý các sai phạm trong xây dựng không phép, xây dựng trên đất không được phép xây dựng, xây dựng sai phép là trách nhiệm của UBND các quận, huyện, phường - xã - thị trấn. Bố trí lại cán bộ, công chức ở quận, huyện, phường - xã - thị trấn có nhiều sai phạm, uy tín thấp.

 Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, tính từ năm 2017 đến hết tháng 6.2019, tổng số giấy phép xây dựng được cấp ở thành phố là 126.397 giấy. Trong đó, giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chiếm đến 89%.

 Toàn thành phố có đến 6.825 công trình vi phạm, trong đó có 2.573 trường hợp xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, chủ yếu là vi phạm xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Còn 4.252 trường hợp xây dựng sai nội dung giấy phép, hoặc công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng.

Có dấu hiệu hình sự trong vụ Công ty Thuận Lợi bán đất công trái phép

Giới luật sư cho rằng, Công ty Thuận Lợi ngang nhiên phân lô, bán nền trên đất công khi chưa được chấp thuận chủ trương giao đất là có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

TIN MỚI NHẤT