Gần 50% người thu nhập thấp sau khi có nhà ở xã hội, bất ngờ sắm ô tô (?)

Nhà đất 11/06/2019 12:07

Câu chuyện khá ‘thú vị’ trên vừa được Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) công bố khi nêu ra những vấn đề bức xúc tại một công trình nhà ở xã hội trên địa bàn.

Ngày 10/6, tại buổi tiếp xúc với ông Nguyễn Thanh Tùng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, cử tri phường Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn) đã chất vấn, yêu cầu giải quyết những thực trạng gây bức xúc của dư luận thời gian qua.  

‘Đau đầu’ vì nhà ở xã hội quá nhiều ô tô

Theo ông Ngô Hoàng Nam - Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn, chung cư Long Thịnh là dự án nhà ở xã hội đầu tiên được xây dựng dành cho công nhân lao động, người thu nhập thấp. Thế nhưng, sau khi đi vào sử dụng thì tại đây đã xảy ra quá nhiều vấn đề phức tạp, khiến cử tri phản ứng.

“Đây là nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp nhưng thực tế, sau khi vào ở thì 480 hộ dân ở đây có ô tô gần như 50%, ô tô chạy quá nhiều dẫn đến bức xúc chỗ đậu đỗ xe. Việc mua ô tô là nhu cầu chính đáng của người dân, không thể cấm họ mua ô tô, cái này rất khổ sở bởi trước đây đặc thù nhà ở xã hội nên không xây tầng hầm để ô tô. Nhà ở xã hội dành cho người không có đủ thu nhập để sắm ô tô nhưng thực tế bây giờ họ lại sắm ô tô quá nhiều”, ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng, qua phản ánh tại chung cư Long Thịnh có 23 trường hợp xây dựng cơi nơi, lấn chiếm trái phép. Ông đã chỉ đạo công an xử lý việc này và tránh thực trạng nhà ở xã hội trở thành tụ điểm để nhiều người thuê, mua nhà không đúng đối tượng, làm những việc vi phạm pháp luật, vấn đề nhạy cảm.

Gần 50% người thu nhập thấp sau khi có nhà ở xã hội, bất ngờ sắm ô tô (?) - Ảnh 1

Ông Ngô Hoàng Nam - Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn nói về việc gần 50% hộ dân ở nhà ở xã hội có ô tô. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ngoài ra, cử tri bức xúc phản ánh, hơn 6 năm nay nhiều người dân ở phường Ghềnh Ráng phải ‘gồng mình’ chịu đựng mùi hôi, ô nhiễm môi trường được phát ra bởi nhà máy may của doanh nghiệp Hưng Phát nhưng chính quyền lại không giải quyết rốt ráo vấn đề. Thậm chí, họ từng cầm gậy gộc, búa… tính đập nhà máy nhưng đành nhường nhịn, kiên trì chờ đợi sự vào cuộc của chính quyền.

Người đứng đầu UBND thành phố Quy Nhơn lý giải, vấn đề ô nhiễm từ nhà máy may, gần như tất cả các cuộc tiếp xúc từ thời cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc (về hưu năm 2014) đến nay, cử tri phản ánh.

“Công ty đã giải quyết lao động việc làm rất lớn nhưng thời gian qua, doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm môi trường và bức xúc cho người dân. Lần gần đây nhất, xung quanh vấn đề lò đốt, thành phố đã kiểm tra nhưng tại thời điểm này các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép. Vì vậy, tôi đề nghị phòng tài nguyên môi trường, công an thiết lập đường dây nóng để nhận thông tin, xử lý ngay khi phát hiện sai phạm. Bây giờ cứ hứa với dân hoài thì sao có được, phải có hướng để người dân yên tâm”, ông Nam yêu cầu.

Gần 50% người thu nhập thấp sau khi có nhà ở xã hội, bất ngờ sắm ô tô (?) - Ảnh 2

Chung cư Long Thịnh - nơi được cho các hộ dân thu nhập thấp nhưng sau khi vào đây lại có nhiều ô tô.

Đồng ý thu hồi đất là sự hi sinh rất lớn!

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bức xúc lên tiếng yêu cầu chấn chỉnh ngay tình trạng đại biểu hứa nhiều hơn làm, lơ là các kiến nghị chính đáng của người dân. Ông Nguyễn Văn D. (phường Ghềnh Ráng) than phiền, việc di dời giải tỏa nhường đất cho dự án nhưng lại đền bù với giá ‘bèo bọt’ khiến nông dân lâm cảnh bế tắc.

Sau thu hồi đất rừng để trồng rừng phục hồi cảnh quan, nhà nước tiếp tục thu hồi đất ruộng phục vụ dự án nên một số người dân lâm cảnh mất trắng, không còn ruộng để sản xuất lúa, canh tác chăn nuôi.  

“Quá bất cập, tại sao lại thu hồi ruộng đất của nhiều người dân để giao cho 1 đơn vị làm kinh tế, trong khi bà con chúng tôi cũng làm kinh tế. Giá đền bù hỗ trợ lại rất bèo bọt, giá đất hoa màu 1m2 chỉ trên 300.000 đồng. Đơn cử, tôi có 1.000m2 thì được 300 triệu đồng nhưng nếu để tôi canh tác, chăn nuôi trên diện tích đó thì 2 năm sau tôi có trên 300 triệu và đất vẫn còn. Làm như vậy là cắt đi chén cơm của người dân, tôi rất đau lòng. Đất rừng, đất ruộng thu hồi hết thì bà con sống bằng gì, nhất là những người trên 50 tuổi”, ông D. nói.

Theo cử tri, người dân chấp nhận việc thu hồi đất để nhường chỗ cho dự án nhưng phải dĩ hòa vi quý, hài hòa lợi ích các bên, cần coi trọng lợi ích của dân hơn doanh nghiệp.

Gần 50% người thu nhập thấp sau khi có nhà ở xã hội, bất ngờ sắm ô tô (?) - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

 

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định: "Phải đền bù thỏa đáng cho người dân". Ảnh: Dũ Tuấn.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng khẳng định, quan điểm lãnh đạo tỉnh đối với việc đền bù giải tỏa phải thỏa đáng với lợi ích người dân. Bởi, trong bất cứ trường hợp nào, khi nhà nước thu hồi đất và người dân đồng ý thì đó đã là sự hi sinh rất lớn.

“Đặt trường hợp mình bị di dời, dù có đền bù thỏa đáng đến đâu cũng không thể thỏa mãn hết được, cũng phải chịu hi sinh vì lợi ích chung. Tôi luôn nhắc phía ủy ban quan tâm, vận dụng khung hỗ trợ đền bù tối đa theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi người dân”, ông Tùng hứa.

Nhà ở của người thu nhập thấp, sao ô tô nhiều thế?

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng đưa ra thắc mắc, nếu trước đây, mỗi căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp chỉ với giá khoảng 300 - 400 triệu đồng, nhiều người phải chật vật, khó khăn lắm mới mua được, thậm chí là không đủ tiền mua căn hộ thì làm sao có tiền mà mua ô tô. Nhưng, tại sao bây giờ các hộ dân lại có ô tô nhiều thế?

Trước những bức xúc từ cử tri, ông Tùng đề nghị chính quyền thành phố Quy Nhơn cùng cơ quan chức năng cần khẩn trường vào cuộc, lập lại an ninh trật tự tại chung cư Long Thịnh. 

Dự án ‘ma’ giăng bẫy nhà đầu tư đất nền

Thời gian gần đây, phân khúc đất nền vùng ven TP.HCM trở thành điểm nóng đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, khách hàng cần xem xét, cân nhắc thận trọng trước nhiều rủi ro có thể xảy ra.

TIN MỚI NHẤT