Kỳ vọng ngăn chặn tham nhũng về đất đai

Nhà đất 10/10/2019 12:27

Để xử lý nghiêm tình trạng chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định, các chủ đầu tư rao bán nhà đất trái phép, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) có đề nghị phải công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin các dự án nhà ở đã được phê duyệt trên địa bàn tại trụ sở UBND cấp quận, huyện, phường, xã và tại khu đất thực hiện dự án. Các chuyên gia đô thị khẳng định, việc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sẽ ngăn chặn tình trạng tham nhũng liên quan đến đất đai.

Báo động vi phạm về đất đai

Bộ TNMT vừa có Công văn số 4944 gửi UBND các tỉnh, thành phố (TP) trực thuộc Trung ương về kiểm tra, xử lý việc chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định, các chủ đầu tư rao bán nhà đất trái phép.

Thời gian vừa qua, một số địa phương có tình trạng nhiều chủ đầu tư rao bán nhà đất thuộc các dự án nhà ở không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất hoặc các dự án không đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất, bán nhà ở... Và tình trạng có nhiều người đã mua hoặc nộp tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng nhà, đất tại các dự án không phép, sai phép này.

Theo đánh giá của Bộ TNMT, việc bán, mua nhà đất nêu trên đã vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, gây rủi ro cho người mua nhà đất, tác động xấu đến thị trường bất động sản, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Để ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nêu trên, Bộ TNMT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung như: Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công khai thông tin các dự án nhà ở đã được phê duyệt trên địa bàn tại trụ sở UBND cấp huyện, xã và tại khu đất thực hiện dự án và trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để cho mọi tổ chức, cá nhân dễ dàng nắm bắt thông tin trước khi thực hiện các giao dịch, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, công khai các dự án nhà ở đã được phê duyệt nhưng có vi phạm pháp luật về đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở. Trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần kịp thời thông báo cho cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý theo quy định.

Bộ TNMT cũng yêu cầu, Sở TNMT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các nội dung trên và tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện trên địa bàn về Bộ (thông qua Tổng cục Quản lý đất đai để tổng hợp) trước ngày 15.12.2019.

Phải công khai, minh bạch quy hoạch

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia đô thị khẳng định, quy hoạch đô thị là phải nói rõ vùng này được xây dựng mật độ bao nhiêu, chiều cao bao nhiêu và cần phải công khai, minh bạch. Lập quy hoạch là không được ngồi một chỗ rồi vẽ ra, phải điều tra xem có bao nhiêu dân, họ làm gì, tác động của quy hoạch đến họ ra sao.

Ghi nhận của chúng tôi tại một số dự án giao thông của Hà Nội cho thấy, các chủ đầu tư đều dán công khai hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường đơn vị đang triển khai hoặc UBND các quận, huyện phối hợp Sở Quy hoạch và Kiến trúc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với đồ án Quy hoạch chi tiết cải tạo các tuyến đường. Bản đồ án quy hoạch chi tiết được trao lại cho UBND các phường để treo tại trụ sở UBND phường, nhà văn hóa… để tiếp tục lấy ý kiến tại địa bàn dân cư.

Phiếu xin ý kiến sẽ được thu nhận trong vòng 30 ngày kể từ ngày đồ án được trưng bày. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, chủ đầu tư sẽ phối hợp UBND các quận, huyện tiến hành tổng hợp, phân tích, lựa chọn các nội dung để bổ sung, hiệu chỉnh nhằm hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch chi tiết.

Kỳ vọng ngăn chặn tham nhũng về đất đai - Ảnh 1

Bản đồ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Việc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch nhà đất rất quan trọng, bởi nó gắn liền với quyền lợi của người sử dụng đất. Việc này vừa tạo được sự đồng thuận trong quá trình triển khai dự án vừa ngăn chặn tình trạng tham nhũng liên quan đến đất đai. Qua các cuộc kiểm tra, thanh tra cho thấy, đối tượng tham nhũng đất đai là những cán bộ, công chức có thẩm quyền quyết định hoặc trực tiếp làm các thủ tục về phê duyệt quy hoạch xây dựng, giao đất, cho thuê đất; cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi, giải phóng mặt bằng…

Luật sư Nguyễn Trung - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, thủ đoạn tham nhũng về đất đai muôn hình vạn trạng nhưng chủ yếu dưới hai hình thức: Thứ nhất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để “ban phát” về đất đai một cách ưu ái như giao đất, cho thuê đất với diện tích lớn, vị trí thuận lợi, giá đất thấp, giải quyết thủ tục nhanh chóng một cách bất thường và trục lợi thông qua việc “ban phát” ưu ái đó, nhất là đối với đất các dự án đầu tư. Thứ hai, cửa quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn để vòi vĩnh khi thực hiện các thủ tục hành chính trong quản lý đất đai. Do đó, những quy hoạch liên quan đến nhà đất cần dán công khai tại trụ sở UBND các quận, huyện, xã, phường có dấu đỏ của UBND TP để người dân theo dõi, giám sát.

 

TP.HCM: Giá nhà đất quận Gò Vấp tăng cao 20%

Cơ sở hạ tầng tốt, mạng lưới giao thông ổn định đã khiến thị trường nhà đất tại quận Gò Vấp (TP.HCM) tăng giá trong vòng 1 năm qua.

TIN MỚI NHẤT