Cúng gì vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương?

Đời sống 16/04/2018 09:29

Một số đặc điểm nổi bật về lễ vật và mâm cỗ cúng Giỗ Tổ Hùng Vương trong năm 2018.

Năm 1962, Đền Hùng được Bộ Văn hoá (Nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia. Với tinh thần kế thừa và phát triển, năm 1990 và 1995, Bộ Văn hoá - Thông tin (Nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi thức Quốc gia trọng thể, trang nghiêm và thành kính, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã dự và chủ trì lễ dâng hương.

Lễ vật cúng Giỗ Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ Hùng Vương
Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh minh họa: Internet.

Lễ vật trong lễ dâng hương tại Đền Thượng được Ban tổ chức lễ hội chuẩn bị gồm có 100 chiếc bánh chưng gói lá dong tươi xanh buộc lạt giang nhuộm hồng, 100 chiếc bánh dày giữa có dán chữ Phúc mầu đỏ, 1 chiếc thủ lợn đã luộc chín, một mâm xôi gấc được đồ bằng 5 kg gạo nếp, 5 mâm ngũ quả được lựa chọn các loại quả mang đặc trưng của các vùng miền trong cả nước, 8 mâm bánh khảo, bánh cốm được xếp thành hình tháp, cùng với trầu cau, rượu nước, vàng hương…

Như vậy, lễ vật dâng cúng Vua Hùng ngày nay vẫn là các sản phẩm thuần nông nghiệp, đó là 2 loại bánh đặc sản truyền thống được lưu truyền trong truyền thuyết chọn người hiền tài nối ngôi vua từ đời Vua Hùng Vương thứ 6. Đây là bánh chưng bánh dày do chàng Hoàng tử Lang Liêu hiếu thảo làm ra để dâng tiến nhà Vua, hai loại bánh này được chính bàn tay con người làm ra và có hàm chứa quan niệm thuần Việt về vũ trụ, âm dương: bánh dày tròn tượng trưng cho trời tròn, bánh chưng vuông tượng trưng cho đất vuông. Lễ vật bánh chưng bánh dày là lễ vật thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ ngàn xưa đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, đã làm nên một phong tục văn hoá truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc “gói bánh chưng, bánh dày ngày Tết”.

Lễ vật ngày nay không chỉ là sản vật của Phú thọ mà còn là sản vật của mọi miền đất nước với hoa thơm quả ngọt dâng tiến Vua Hùng. Điều này cho thấy khi lễ hội Đền Hùng có sự lan tỏa và biến đổi, các thành tố cấu thành lễ hội cũng có sự thay đổi như: Trong lễ dâng hương thành phần tham gia lễ dâng hương cũng phong phú với nhiều thành phần từ Lãnh đạo Đảng, nhà nước đến nhân dân khắp mọi miền đất nước, lễ vật cũng phong phú tập trung mang đặc trưng các vùng, miền.

Mâm cỗ cúng Giỗ Tổ Hùng Vương

Hội đền Hùng
Hội đền Hùng. Ảnh minh họa: Internet.

Lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương hầu hết ở các địa phương gần như giống nhau đều bao gồm: xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà luộc (bắt buộc phải là gà trống thiến), thịt lợn (bắt buộc là lợn đen). Riêng làng Vy, Trẹo (thị trấn Hùng Sơn), Hùng Lô (Việt Trì) khi cúng lợn, thường đặt cả con đã mổ sạch, kèm theo số tiết lợn cắt được. Một số làng cúng cá chép như ở Đào Xá, Bến Đá (Cẩm Khê); một số làng ở Đoan Hùng, Yên Lập quy định đồ dâng lễ phải có thịt trâu đen.

Tại Đền Thượng còn lưu giữ tấm bia đá thời phong kiến ghi về "Điển lệ miếu thờ Hùng Vương" có quy định : Lễ phẩm dùng cho ngày Giỗ Tổ của dân tộc gồm: bò, dê, lợn, xôi.

Trên đây là một số lưu ý về lễ vật cúng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Bạn có thể tham khảo để chuẩn bị mâm cúng tươm tất cho lễ hội Đền Hùng sắp tới nhé.

Bài văn khấn và đồ dâng cúng trong lễ hội Đền Hùng

Nhiều người đi đền Hùng với mong muốn cầu tài, cầu lộc. Vậy thì phải khấn như thế nào cho đúng?

TIN MỚI NHẤT