Lâm bồn dịp Tết: Mẹ bầu cần lưu ý gì?

Mẹ bầu 10/02/2019 05:30

Nếu được các bác sĩ dự kiến em bé của bạn sẽ được sinh ra trước và sau Tết, bạn hãy lưu ý những điều được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ chia sẻ dưới đây.

Chuẩn bị tâm lý thoải mái và sẵn sàng

Nhiều mẹ bầu thường lo lắng khi ngày dự sinh lại đúng dịp nghỉ Tết âm lịch dài ngày. Thay vì quá lo lắng khiến tinh thần căng thẳng, bạn hãy suy nghĩ tích cực, tạo tâm lý thoải mái và chuẩn bị chu đáo mọi thứ. Lập một kế hoạch chi tiết sẽ không bị bỡ ngỡ khi đến bệnh viện sinh nở.

Việc mà bạn cần làm là đi khám thai định kỳ đúng hẹn và dựa theo những chuẩn đoán của bác sĩ để sắp xếp đồ đạc, thời gian, phương tiện di chuyển, người trực ở nhà, người chăm sóc khi chuyển dạ, … để khi cần, có thể đến bệnh viện ngay. Đồng thời, bạn cũng phải chọn phòng sinh, nơi sinh và bác sĩ sẽ trực tiếp đỡ đẻ cho mình.

Ngoài ra, mẹ bầu nên tạo một tâm lý thật thoải mái, vui vẻ khi ở nhà đợi đến ngày sinh. Cố gắng đừng nghĩ quá nhiều về chuyện sinh nở mà nên dành thời gian để nghỉ ngơi, ổn định sức khỏe và tinh thần để chờ đón thiên thần bé bỏng của mình sẽ xuất hiện trong nay mai.

Lâm bồn dịp Tết: Mẹ bầu cần lưu ý gì? - Ảnh 1

Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho mẹ và bé

Sẽ là không ổn nếu bạn chuẩn bị thiếu, nhất là đồ dùng cho bé. Vào thời điểm nào chứ Tết thật là khó khi đòi hỏi các cửa hàng dành cho mẹ và bé mở cửa như ngày thường. Nếu bạn không muốn đối mặt với vấn đề thiếu khăn xô, sữa, bỉm... cho bé. Ngay từ thời điểm này, bạn hãy lên danh sách và sắm tất cả đồ cho chính bạn và bé nhé.

Đồ cho bé thì gồm có sữa, quần áo, chăn, gối, màn, tã giấy, khăn xô, mũ, tất tay, tất chân,… Tất cả các vật dụng này đều phổ biến ở những cửa hàng, siêu thị dành cho mẹ và bé. Đặc biệt, trong dịp Tết này, khả năng lạnh vẫn khá cao, bạn cần sắm sửa đồ cho bé thật kỹ càng: phòng có đủ thông thoáng, kín gió, ấm áp, khăn quấn bé, mũ, tất tay chân…

Đồ cho mẹ gồm có: thẻ Bảo hiểm y tế (nếu có), giấy Chứng minh nhân dân, giấy chuyển tuyến (nếu có), sổ khám thai định kỳ (giấy tờ cần thiết để bác sĩ làm thủ tục nhập viện cho bạn một cách nhanh chóng), quần áo dài tay, nhẹ nhàng, thoải mái, áo lót dành riêng thuận tiện cho việc cho con ti, băng vệ sinh cá nhân…

Có không ít sản phụ và gia đình lơ đễnh trong việc chuẩn bị mọi thứ trước khi sinh, đến gần ngày sinh mới vội vàng đi mua, điều này sẽ gây ra những bất ổn ngoài tầm kiểm soát đặc biệt khi bạn sinh con đúng dịp Tết.

Chế độ dinh dưỡng đặc biệt

Càng vào những ngày Tết, mọi người nói chung và chị em bầu bì nói riêng có xu hướng ăn thất thường, bỏ bữa, ăn thiếu chất dinh dưỡng, ăn nhiều chất béo, giảm mạnh chất xơ... Đây là điều không nên và dễ dàng ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của bạn.

Vì thế, chị em cần phải cẩn thận chuẩn bị dinh dưỡng hợp lý cho bản thân mình bởi mẹ khỏe thì con mới khỏe. Ví dụ: bánh chưng là một loại bánh đặc trưng của Tết cổ truyền rất ngon nhưng thịt mỡ dưa hành, bột nếp có trong bánh sẽ khiến mẹ bầu khó tiêu, đầy bụng. Bánh mứt kẹo chứa nhiều đường cũng không tốt cho bà bầu.

Chị em cần cố gắng duy trì chế độ ăn trong những ngày gần sinh, sinh con, sau khi sinh được đủ dinh dưỡng như ngày thường: ăn nhiều chất xơ như trái cây tươi, uống nhiều nước, tránh đồ uống kích thích…

Chăm sóc sức khỏe cho mẹ khi sinh vào ngày Tết

Thời tiết trong dịp Tết không tránh được gió lạnh và không khí lạnh tăng cường. Cơ thể bạn sẽ yếu đi trông thấy, khả năng miễn dịch, sức đề kháng, khả năng vận động yếu đi rõ rệt… và những cơn gió lạnh kia sẽ khiến bạn bị cảm lạnh. Bạn cần mặc đủ ấm, ăn uống đủ dưỡng chất để giữ sức khỏe cho mình trong dịp này. Hãy yên tâm rằng khi mình đã làm theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ, khám thai định kỳ thường xuyên, lịch ăn uống dinh dưỡng đủ chất thì khả năng vượt cạn thành công là rất cao.

Lắng nghe bản thân

- Khi bé sắp ra đời, bạn sẽ thấy bản thân rất khác: dạ dày trống rỗng, chất nhầy ra nhiều hơn, đi tiểu nhiều hơn, bụng cứng liên tục… Nếu gặp những triệu chứng sau thì bạn không nên chần chừ mà hãy tới ngay bệnh viện nhé:

- Cổ tử cung mềm và mỏng: khi cơn chuyển dạ thực sự bắt đầu, cổ tử cung của người mẹ sẽ mềm và mỏng hơn. Điều này được gọi là giãn nở, nhưng bản thân người mẹ sẽ không thể phát hiện sự thay đổi này.

- Cổ tử cung mở ra: khi bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung của người mẹ sẽ bắt đầu mở ra khoảng 2 - 3cm.

- Ra dịch hồng ở âm đạo: Các bà mẹ có thể nhận thấy chất nhầy tiết ra ở âm đạo. Chất nhầy này có thể loãng hoặc đặc, có màu hơi hồng hồng hoặc màu nâu và đôi khi lẫn những giọt máu hoặc vệt máu đỏ.

- Vỡ ối: trong tử cung, em bé được bao bọc và sống trong một túi nước ối - một cái túi chứa đầy chất lỏng là nước ối. Vỡ ối là tình trạng nước ối chảy ra từ âm đạo của bà mẹ, có thể chỉ rất ít (rỉ ối) hoặc rất nhiều, ồ ạt (vỡ ối).

- Co thắt tử cung: Các cơn co thắt cổ tử cung đến một cách thường xuyên hơn và mạnh hơn đồng nghĩa với việc bạn bắt đầu chuyển dạ thực sự. Hầu hết bà mẹ có thể sẽ cảm thấy các cơn đau chuyển dạ bắt đầu ở phía trên bụng sau đó lan ra hết phần lưng và bụng dưới.

Những cách thai giáo cho bé yêu ngay từ khi trong bụng mẹ

Thai giáo từ trong bụng mẹ sẽ giúp bé yêu hình thành nhịp sinh học, nhanh nhẹn và làm quen với cuộc sống.

TIN MỚI NHẤT