Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang

Hậu trường 18/02/2018 06:15

Năm nay, viện dưỡng lão nghệ sĩ bỗng trầm lắng hơn bởi sự ra đi của vài nghệ sĩ thân thương nữa.

Đến thăm viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) vào một ngày giáp tết, không khí tại đây trong lành và mát mẻ vì ngôi nhà chung của các cụ được bao quanh bằng nhiều cây xanh. Khác với ngày thường, nơi ở của những người nghệ sĩ tài hoa khi về già vào những ngày xuân đến chợt vui hơn bao giờ hết. Vì có khá nhiều khán giả, những đoàn công tác xã hội và bạn bè, đồng nghiệp từ nước ngoài về ghé thăm với quà cáp và thực hiện những chương trình ý nghĩa. Ông Đức Hiền - nhân viên ban quản lí của viện dưỡng lão nghệ sĩ trong suốt 10 năm qua cho biết: "Mấy hôm nay chỗ chúng tôi đông vui lắm, khách ra vào thường xuyên. Các nghệ sĩ cao tuổi cười nhiều hơn vì có người trò chuyện, quan tâm".
Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 1

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 2

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 3
Viện dưỡng lão nghệ sĩ nằm tĩnh lặng trong một không gian nhiều cây xanh.

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 4

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 5
Căn phòng khách cũng không mấy trang trí vào những ngày năm hết tết đến

Tâm trạng của những người lớn tuổi là thế, dù không thích ồn ào cách mấy cũng vẫn muốn được quan tâm, yêu thương. Huống hồ, những gương mặt thân quen nơi này từng là những ngôi sao sáng một thời được công chúng ca ngợi trọng vọng. Cuộc đời đưa đẩy "gạo chợ nước sống". Họ sống và cống hiến cho nghề, cho khán giả yêu thương. Thế nhưng, khi tuổi xế chiều, mỗi người một hoàn cảnh và họ lại gặp nhau trong nơi nương náu bình yên này.

Trong viện dưỡng lão này, mỗi nghệ sĩ ở một phòng riêng khoảng 10 mét vuông, đủ chỗ cho một chiếc giường, cái tủ nhỏ và quạt máy. Tết đến, căn phòng của họ chật hơn đôi chút vì có thêm các phần quà Tết của các mạnh thường quân và bạn bè đồng nghiệp vào thăm. Phòng của nghệ sĩ Thiên Kim khá gọn gàng và thoáng mát khi có ban công để hóng mát. Bà thường sắp xếp các phần quà trên chiếc bàn nhỏ hoặc trên những chiếc kệ được đóng dọc theo bờ tường. Để có không khí mùa xuân hơn, bà còn dành dụm tiền mua một chậu mai nhỏ nhắn đặt trên bàn, cạnh đầu giường năm. Bà bảo năm nào cũng có nhiều đoàn vào thăm và cho quà. Vậy là vui lắm rồi. Ít ra còn có người nhớ đến bà và những người bạn của bà ở nơi này. Thế nhưng, khi tôi hỏi về bà có về ăn tết cùng con cháu trong ba ngày tết không, bà lại cười buồn: "Cũng chưa biết nữa con ơi. Có năm đứa con, làm lụng vất cả cả đời mà tụi nó không thương. Tết có khi tụi nó dẫn mấy đứa nhỏ vô thăm. Tụi nó cũng không có ý định đón về ăn tết. Riết rồi quen, thấy tụi nó vô thăm là hạnh phúc mãn nguyện rồi. Đón về nhà lại mắc công tụi nó lắm".

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 6

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 7
Nghệ sĩ Thiên Kim trong căn phòng nhỏ nhắn. Bà cũng tranh thủ sắp xếp lại các vật dụng cho gọn gàng để đón tết cho có không khí như ai.

Bước ra khỏi phòng nghệ sĩ Thiên Kim, tôi lại bắt gặp nghệ sĩ tài hoa Ngọc Đáng đang nằm trên ghế tựa nghe cải lương với đôi mắt trầm tư. Bà thấy tôi liền nhoẻn miệng cười: "Tết ở đây cũng không có tiết mục hay tổ chức gì. Vui nhất vẫn là cận tết nhiều anh chị em con cháu nghệ sĩ còn nhớ mà ghé thăm. Được nói chuyện, được ôn lại chuyện nghề là vui lắm rồi. Đa phần tôi và các bạn ở đây ăn tết luôn. Vì một số bệnh nặng, một số khác cũng không có điều kiện để về vì con cháu cũng đâu khá giả. Chỉ có vài nghệ sĩ còn khoẻ được tranh thủ về với con cháu vài ngày rồi mùng hai, mùng ba trở lại. Tết ở đây cũng như ngày thường. Sáng tụi tui thức dậy ăn uống, sinh hoạt chung, 20h đi ngủ. Thời gian rảnh, tụi tui có thể cùng nhau xem vài chương trình giải trí đón Tết trên tivi". Nữ nghệ sĩ kể bà vào ngôi nhà chung này đã 11 năm: "Tôi may mắn đến giờ vẫn chưa bệnh tật nên sống được ngày nào vui ngày đó, chỉ sợ mang bệnh rồi làm khổ con cháu. Ngày trước ở viện dưỡng lão đông vui hơn vì có 30 người, bây giờ chỉ còn 22 người thôi. Chỗ này vốn đã yên tĩnh nay càng ít tiếng nói cười. Mỗi ngày thức dậy cứ đếm từng khuôn mặt gặp nhau khi tập thể dục, khi sinh hoạt cùng mà sợ lại thiếu vắng thêm chẳng may một ngày trái gió trở trời".

Tôi bùi ngùi chào nghệ sĩ Ngọc Đáng và rảo bước tiếp đến căn phòng nhỏ ở góc khuất tầng dưới. Đây là nơi ở hiện tại của nghệ sĩ Diệu Hiền, cô đào võ tài hoa và cũng là người thầy của nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh năm nào. Nhận ra tôi, bà cười tươi tắn, vỗ vai hỏi han. Nghệ sĩ Diệu Hiền đã vào viện dưỡng lão được ba năm rồi. Bà khá quen với cuộc sống nơi đây vì không khí trong lành thoáng đãng. Thi thoảng, các con cháu vẫn vào thăm và mang thức ăn vào bồi bổ cho bà. Với bà, như thế là đủ, vì ở cùng con cháu có khi lại thành gánh nặng cho chúng. Và căn nhà ở khu tập thể xuống cấp ấy quá chật hẹp cho một người bị tim, phong thấp như bà. Nghệ sĩ Diệu Hiền tâm sự: "Tết này tui cũng không về. Tụi nhỏ vô thăm là được rồi. Năm nay nhiều quà Tết mà ít người nhận, thiếu Ngọc Hương, Thu Cúc, Chín Đèn... Tội nghiệp Ngọc Hương, mới vào đây một năm đã đi rồi. Cổ bệnh nhiều mà đâu có hay. Đến khi phát bệnh đưa vào bệnh viện thì bác sĩ chê, trả về rồi mất luôn. Cổ có một thằng con trai mà cũng khó khăn. Đám tang làm ở đây luôn. Tui với Thiên Kim, Ngọc Đáng thấy mình còn may mắn hơn vì tết này còn khoẻ, còn được ra đón khách, cười nói tâm tình cùng mọi người".

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 8
Ở một góc phòng khách, nghệ sĩ Ngọc Đáng một mình nằm xem ti vi. Chương trình bà thích nhất vẫn là ca cổ cải lương, cái nghề theo bà cả đời.

Ở trong phòng mãi cũng quẩn chân, nghệ sĩ Hoài Dung thường ra ngồi trước khoảnh sân thoáng mát của viện dưỡng lão và ngắm sân khấu trong khuôn viên. Đây vốn là sàn diễn chung của các nghệ sĩ vốn được nhiều mạnh thường quân góp sức xây dựng lại năm ngoái. Vừa nhìn bục gỗ bà vừa nhẩm lại vài câu của vở Tướng cướp Bạch Hải Đường do chồng bà - tác giả Nguyễn Huỳnh - viết. "Ngày xưa tôi hát cùng nghệ sĩ Hùng Cường ở rạp Kim Chung không bao giờ ngớt khán giả đến xem. Khán giả thích tôi lắm. Đến nỗi khi tôi sinh con mới một tháng mà "ông bầu" nóng lòng kêu tôi quay lại sân khấu", nghệ sĩ nhớ lại.

Nghệ sĩ Hoài Dung có sáu người con. Tuy nhiên, người lái xe ôm, người đi làm thuê, cuộc sống khá chật vật nên bà không nỡ nhận tiền của chúng. Hiện nghệ sĩ Hoài Dung sống nhờ tiền của các mạnh thường quân cộng thêm tiền trợ cấp 380.000 đồng mỗi tháng từ ngân sách nhà nước. Bà thường dành dụm tiền trong một chiếc hộp nhỏ để dịp Tết đến xuân về lại tỉ mẩn cho vào phong bì để lì xì mừng tuổi các cháu.

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 9
Ở những căn phòng khác, nhiều nghệ sĩ phải nằm trên gường vì bệnh tật hoành hành. Một số người khoẻ phụ chăm sóc cho những người bệnh trong không gian khá chật hẹp.

Cứ mỗi khi có các đoàn khách đến thăm, các nghệ sĩ già lại sửa soạn quần áo tươm tất, trang điểm chỉn chu vì nghệ sĩ bao giờ cũng muốn xuất hiện lung linh trước các khán giả của mình mà. Thói quen đó đã ăn sâu trong tiềm thức. Họ bước ra niềm nở chào hỏi và nhiệt tình tham gia các tiết mục giao lưu văn nghệ. Mãi cho đến khi các đoàn khách đến thăm và ra về, khu dưỡng lão lại được trả về không khí tĩnh lặng như nó vốn có. Các nghệ sĩ Ngọc Đáng, Hoài Dung, Thiên Kim, Diệu Hiền... cũng trở về căn phòng nhỏ, mong trời sáng để vui cười đón khách.

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 10

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 11

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 12

Mùa xuân nơi viện dưỡng lão nghệ sĩ: Nốt nhạc trầm sau ánh hào quang - Ảnh 13
Cứ hễ có khách đến thăm là các nghệ sĩ già lại chỉn chu mọi thứ chỉ mong xuất hiện thật tươi tắn trước khán giả, bạn bè, đồng nghiệp và con cháu mà thôi.

Các nghệ sĩ với trái tim yêu quê hương, tình cảm "nặng nợ" với nghề và những cảm xúc vốn có của người làm nghệ thuật đã giúp họ tạo nên một ngọn lửa ấm áp sưởi ấm đời nhau trong những ngày tháng hiu quạnh này. Giờ đây, tuổi già lực cạn, họ không còn thể đứng trên sân khấu phục vụ khán giả được nữa. Với họ được sống khỏe mạnh, bình yên và được nhìn thấy những người bạn của mình mỗi sớm mai thức giấc đã là một là may mắn và ước nguyện lớn nhất ngày cuối năm.

Ngày giáp Tết ở viện dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM

Bên cạnh niềm vui được chúc xuân, nghệ sĩ cao tuổi ở khu dưỡng lão buồn vì vài đồng nghiệp qua đời khiến nhà chung thưa vắng.

TIN MỚI NHẤT