8 năm cay đắng trong tù không làm "bạc" tiếng hát Lộc Vàng

Hậu trường 06/02/2018 16:28

Những ai yêu và say mê với những bản tình ca lãng mạn, trữ tình của thời kỳ đầu Tân nhạc, hẳn đều nhớ đến cái tên Lộc Vàng.

Sở dĩ có tên gọi như vậy theo giải thích của ông Nguyễn Văn Lộc là, ngày xưa, những thứ quý người ta thường nói “quý như vàng” và những nhạc sĩ đặt nền móng cho nền Tân nhạc thời kỳ đầu cũng được ưu ái gọi là nhạc vàng, chứ không phải nhạc vàng theo cách hiểu đương thời. Và cái tên “Lộc Vàng” gắn liền với ông từ đó.

8 năm cay đắng trong tù không làm 'bạc' tiếng hát Lộc Vàng - Ảnh 1

Ở tuổi 72 nhưng chưa một ngày ông thôi hát. Căn nhà ở ngõ 12 Đăng Thai Mai (Hà Nội) được ông thuê vừa làm nơi sinh sống vừa mở quán cà phê để được thỏa nỗi đam mê của mình mỗi đêm. Thậm chí bạn bè hay những Việt kiều ở hải ngoại về muốn nghe ông hát mà lên quán vào ban ngày thì ông cũng tri ân. Cuộc sống của ông như thể trời ban cho sức khỏe chỉ để ông phiêu bồng trong những thanh âm đa sắc, lãng mạn và trữ tình như thế.

Tôi cũng như số đông bạn bè yêu mến giọng hát ông, rồi trở thành người em, người bạn. Những lúc rảnh rỗi ông thường điện thoại anh em gặp nhau để nghe ông hàn huyên chuyện cũ.

Vốn là người sống nội tâm và kiệm lời chứ thực tế, hai lần ông được mời sang Mỹ biểu diễn, nhiều lời đề nghị ông qua Mỹ sinh sống, nhưng ông đều từ chối. Với ông: “Nghệ thuật tồn tại thì con người tồn tại. Khổ nhất là không được hát chứ không phải khổ vì không có miếng ăn ngon". Ông bảo: “Tôi đã đánh đổi mọi điều trong cuộc sống, kể cả khi ở trong tù, tôi đã chấp nhận cả cái chết để bảo vệ danh dự của mình. Lúc đó, cả xã hội đang trong thời kỳ quá độ mà tôi là người không may mắn. Tôi bị thua thiệt, bị mất mát quá nhiều, không ai trả lại danh dự cho tôi, nên tôi tự phải lấy lại danh dự cho mình. Giờ thì tôi đang sống đàng hoàng, được làm điều mình đam mê nên tôi đâu cần điều gì”...

Mấy hôm nay, ông vui lắm vì giấc mơ của mình đã được thực hiện. Ông kể: Ban đầu cuốn hồi ký “Cung đàn số phận” là do giáo sư Phạm Toàn chắp bút, nhưng sau đó do tuổi cao, sức khỏe không được tốt, ông đã không thực hiện được... Thật may mắn tôi lại gặp nhà báo Phạm Kim Dung và chị đã thực hiện được giấc mơ của tôi đó là nói lên sự thật cuộc đời mình.

8 năm cay đắng trong tù không làm 'bạc' tiếng hát Lộc Vàng - Ảnh 2

Cuốn hồi ký mới xuất bản của Lộc Vàng.

Quá khứ không lập lại nhưng mãi hằn in trong trí nhớ của Lộc Vàng. Ông kể: “Ngày 12.9.1968, Vụ nghệ thuật đề nghị tôi hát 10 bài ở Nhà hát lớn với lý do làm tài liệu nghiên cứu xem vì sao những bài ông hát lại có tác động đến thanh niên, nhưng không ngờ 10 bài hát đó lại chính là chứng cứ kết tội tôi vào vòng lao lý. Sau này ông mới biết, bài hát “Chuyển bến” được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh sáng tác từ năm 1952, chứ không phải sáng tác sau năm 1954 và nội dung đơn thuần chỉ nói về một mối tình chia ly. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, những tác phẩm văn học sáng tác năm 1954 không được phép lưu hành, trong khi hàng đêm, ông cùng một nhóm bạn vẫn cứ tụ tập ca hát và phổ biến nhiều tác phẩm trong thời điểm nhạy cảm, đó là lý do khiến ông phải ngồi tù.

Trọng giá trị sống của hiện tại từ quá khứ

Cũng theo danh ca Lộc vàng, nhưng sau năm 1954 do ảnh hưởng của lịch sử, cách mạng, người ta coi nhạc vàng là thứ âm nhạc ủy mị, là sự úa tàn, vàng vọt, là bệnh tật. Ông kể: “Trong suốt thời gian 8 năm trong tù, nhiều lần bị hỏi cung và chỉ xoay quanh về âm nhạc và họ nghi ngờ có bàn tay gián điệp. Với gần 2.000 phiên xử, mỗi lần hỏi cung đến 4h, song nhớ nhất phiên toà xử trong 3 ngày 6-7-8.1.1971, khi bị giám định viên nói cho rằng cần phải loại bỏ nhạc vàng như loại bỏ một loại dịch bệnh. Sau khi giám định viên nói xong, ông khẳng định: “vấn đề tôi mê nhạc vàng như các cụ xưa nói: Nốt nhạc quý ví như vàng; Giọng ca vàng; đồng tiền vàng; ngai vàng…

Rồi giám định viên hỏi: bị can nói gì, nghĩ gì về đất Bắc. Lúc ấy tôi nói: “Tôi có ước mơ đất Bắc phát triển nghệ thuật theo đà phát triển của thế giới. Mỗi một quán cà phê có một dàn nhạc sống, hoặc phải có một dàn âm thanh thật hay để người dân ngoài giờ lao động ngồi uống cà phê, thưởng thức âm nhạc, và trong lúc thưởng thức âm nhạc phải có đèn màu. Ngay lập tức, giám định viên cao giọng: “Đèn xanh, đèn đỏ là dâm ô, truy lạc, nhạc sập xình là nhạc giật gân, bọn chúng có lối sống ước mơ bơ thừa, sữa cặn của chế độ đế quốc...” song tôi vẫn một mực bảo vệ chứng kiến của mình với dòng nhạc mà mình yêu thích… Và thật bất ngờ, ngày tôi được ra tù, trên đường phố, các quán cà phê đâu đâu cũng thấy mở nhạc, hát những bài nhạc mà tôi đã từng hát… Lúc ấy cảm giác của tôi là vui mừng vì tất cả những việc làm của mình là đúng.

8 năm cay đắng trong tù không làm 'bạc' tiếng hát Lộc Vàng - Ảnh 3

Quán cà phê ca nhạc của nghệ sĩ Lộc Vàng.

Mặc dù đôi khi tôi nghĩ nỗi oan thì ký ức nó sẽ mãi ở bên, nó ngấm ngầm ẩn sâu trong lòng. Tuy nhiên là con người sống bằng chiều sâu tâm hồn và khi nghĩ những bản nhạc xưa giờ đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Những nhạc sĩ tôi yêu mến, bảo vệ họ ngày nào giờ được tôn vinh, mặc dù bản thân tôi lý lịch mang vết nhọ chưa thể xóa nhòa, song tôi vẫn vui vì những đớn đau mình phải chịu ít nhiều có ý nghĩa với cuộc đời này và mọi chuyện hãy để lịch sử sẽ phán xét, bởi mỗi một giai đoạn lịch sử  người ta đều có những cách nhìn khác nhau về văn hóa, nghệ thuật, trong đó có âm nhạc.Quá khứ đau khổ tôi trải qua đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh bởi tôi đã bảo tồn được cả nền tảng âm nhạc trước năm 1954.

Hát như để trả nợ cuộc đời

Vèo một cái, bài hát “Chuyển bến” của Đoàn Chuẩn – Từ Linh đã gắn với ông như một định mệnh cuộc đời. Và cũng tròn đúng 49 năm (2017) ông lại đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn và hát “Chuyển bến”. Ông bảo có những người sợ quá khứ, không dám nhắc lại, nhưng với ông thì: “Tôi không quên quá khứ, bởi không có quá khứ sẽ không có hiện tại. Ôn lại quá khứ để thấy nghị lực và giá trị sống hôm nay. Trở lại thánh đường Nhà hát Lớn, cầm chiếc micro cất tiếng hát, mọi giác quan trong tôi bị đánh thức bởi những cảm xúc mãnh liệt dội về thật khó tả. Tôi hát và chỉ muốn thêm một lần nữa chứng minh sự trường tồn của một dòng nhạc đã nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc và sự quyết tâm bảo vệ dòng nhạc ấy của tôi là đúng đắn”.

8 năm cay đắng trong tù không làm 'bạc' tiếng hát Lộc Vàng - Ảnh 4

Không rung cảm sao được khi 49 năm trước, vì hát những bản tình ca ấy mà ông rơi vào vòng lao lý và sau 49 năm, cũng vẫn sân khấu này, ông lại được đón nhận bằng những tràng pháo tay không dứt của khán giả. Thánh đường Nhà hát Lớn với ông thật tuyệt để cảm xúc thăng hoa, chạm vào trái tim người yêu nhạc khó tính. Lộc Vàng  tâm sự: “Khi hát phải đưa con người mình về thời điểm đó, đưa tâm hồn mình vào nhân vật đó. Khó cũng là dễ, bởi khi hát phải thấu hiểu tâm trạng của những nhạc sĩ sáng tác bản nhạc ấy. Người ca sĩ giống như một diễn viên, phải giàu cảm xúc, giàu trí tượng tưởng mới có thể cảm và thể thiện được trọn vẹn ý đồ tác phẩm. Phải có sự trải nghiệm cuộc sống đủ để hiệu ngôn ngữ của lời ca. Những bản nhạc xưa, buồn man mác chứ không não nề, lời văn sâu sắc, nhẹ nhàng, bóng bảy thoáng chút buồn của những tao nhân mặc khách chứ không phải nỗi buồn bi lụy. Người ca sĩ khi hát phải hiểu và vẽ được câu chuyện, hình ảnh, như bức tranh giàu màu sắc".

Âm nhạc, tình yêu vượt qua bão táp cuộc đời

Chẳng có lần nào trò chuyện mà ông không nhắc đến vợ, chẳng có khí nào bước lên sân khấu hát mà ông không hát tặng vợ ông ít nhất một bài.  Ông kể, quen biết cô Mai (vợ ông) từ 1965, đến 1967 khi tình yêu chớm nở chẳng được bao lâu thì năm 1968 ông bị bắt. Hiệp định Pari được ký kết, ông được giảm án tù trước 2 năm và ra tù năm 1976. Trong suốt 8 năm bặt vô âm tín,ông cũng không ngờ cô Mai vẫn một lòng chung thủy chờ đợi.

Mỗi lần nhắc đến ông lại rưng rưng nhớ lại những kỷ niệm về người vợ quá cố đã từng chữa những chiếc quần của mình cho người yêu mặc và chấp nhận một người đi tù như ông. Ông kể lại quãng đời cay đắng: “8 năm cay đắng trong tù chưa dừng lại ở đó, năm 1979 - 1980, theo lời bạn bè tôi vào Quy Nhơn làm bánh mì kiếm tiền về cưới vợ. Việc hàng ngày tôi phải ra trình diện khu phố, Mai thay tôi mang giấy tờ lên Sở Công an trình báo, rồi Mai đã phải chịu liên lụy bỏ luôn sự nghiệp của mình là một diễn viên của Đoàn Tuồng trung ương về bán bún đậu kiếm sống để bảo vệ hạnh phúc cuả mình vì cô ấy tin ở người chồng sắp cưới".

Năm 1981 hai người tổ chức đám cưới và năm 1982 con trai đầu lòng ra đời. Cuộc sống khó khăn, ông ở rể trong căn nhà chỉ có 9m2 ở 128 Bùi Thị Xuân.

Năm 1991, tai họa tiếp tục ập đến với gia đình ông khi vợ chồng nhà hàng xóm mâu thuẫn đánh nhau, người vợ sợ quá chạy vào nhà ông ẩn nấp, người chồng vác dao xông vào chém chết người vợ tại chỗ. Mẹ vợ ông trong lúc can ngăn cũng bị chém gãy đùi, con trai ông khi đó 9 tuổi cũng bị một vết chém ngang lưng phải khâu tới tận 31 mũi. Gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ…

8 năm cay đắng trong tù không làm 'bạc' tiếng hát Lộc Vàng - Ảnh 5

Năm 1992, vợ ông sinh đứa con thứ 2, do sức khỏe yếu lại mất máu khi sinh và viêm phổi, 20 ngày dùng kháng sinh liều cao, vợ ông bị xơ gan và qua đời không lâu sau đó. Khi ấy, ông cũng chỉ muốn đi theo vợ nhưng rồi những câu nói và sự hy sinh của vợ, nhìn thấy con còn nhỏ dại cần sự chăm sóc… đấy là động lực mạnh nhất để ông tồn tại.

Và đến giờ, mỗi khi ai đó nhắc đến quá khứ luôn khiến ông rưng rưng khi nhớ về người vợ cả một đời tần tảo hy sinh vì chồng, con. Ông bảo: “Những lúc vui nhất là khi tôi nhớ vợ nhiều nhất, những lúc hát say sưa cũng là vì đó là những bài hát mà vợ tôi rất thích. Mỗi khi có một bài báo viết về mình, tôi lại về bên mộ vợ tôi đọc cho bà ấy nghe. Tôi biết bà ấy vẫn ở bên tôi và các con cho dù âm dương cách biệt”.

Có 5 con nhưng về già phải ở viện dưỡng lão, nghệ sĩ Thiên Kim: Chẳng đứa nào thương tôi

"Tôi phải đi làm quần quật cả ngày lẫn đêm để nuôi mẹ và 5 đứa con, cộng thêm 5 đứa cháu của bà chị mình...", Nghệ sĩ Thiên Kim chia sẻ.

TIN MỚI NHẤT