Sốt đất vùng ven, tiền chênh ngập mặt, cảnh báo ‘ôm bom’

Thị trường 14/02/2019 13:47

Ôm tiền rời thành phố lớn, nhiều đại gia bất động sản có xu hướng dịch chuyển về vùng ven. Xu hướng này được dự báo sẽ khốc liệt hơn trong năm 2019.

Đại gia ôm tiền tỷ về quê

Theo các chuyên gia bất động sản, sự chuyển hướng sang các tỉnh vùng ven đã bắt đầu từ năm 2017 và khá nở rộ trong năm 2018. Nhiều nhà đầu tư đã và đang có hướng đầu tư mạnh theo xu hướng này.

Vốn là chủ đầu tư “nằm vùng” ở thị trường TP HCM, mới đây, Công ty Cổ phần Him Lam đã “Bắc tiến” trong đó Bắc Ninh là điểm đến mở đầu của doanh nghiệp này. Theo giới thiệu, dự án khu đô thị tại TP Bắc Ninh của Him Lam có quy mô 26,8 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.600 tỷ đồng.

Sốt đất vùng ven, tiền chênh ngập mặt, cảnh báo ‘ôm bom’ - Ảnh 1

Không ít cảnh báo được đưa ra với các nhà đầu tư nên thận trọng khi rót tiền vào bất động sản tỉnh lẻ (Ảnh minh hoạ).

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP Invest) cho biết, năm Kỷ Hợi 2019, doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư dự án tại Việt Trì, tỉnh Phú Thọ có quy mô 58,5ha với những hạng mục biệt thự liền kề, nhà ở cao tầng...

Lý giải về sự chuyển hướng sang tỉnh vùng ven sau nhiều năm tập trung đầu tư tại Hà Nội, đại diện cho biết hiện quỹ đất nội thành rất hạn chế, việc triển khai thủ tục đầu tư cũng kéo dài. Trong khi đó, đánh giá về thị trường các tỉnh trong năm 2019, vị này tỏ ra khá lạc quan.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện các dự án phát triển bất động sản mới được triển khai rất mạnh tại nhiều tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Đồng Nai, Biên Hoà, Bình Dương, Long An, Kiên Giang và một số tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ.... Đơn vị này cho rằng, diễn biến trên đã phá thế độc tôn về đầu tư và phát triển dự án bất động sản của Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang.... 

Hiện sản phẩm chủ đạo tại các tỉnh là nhà đất và đất nền, trong khi đó, mô hình căn hộ phát triển chưa mạnh (ngoại trừ những dự án nhà ở xã hội). Tính riêng năm 2018, lượng cung mới tại các tỉnh ước đạt 100.000 sản phẩm.

“Tỷ lệ hấp thụ bình quân tại các dự án ở các tỉnh trong năm 2018 đạt trên 60% lượng hàng mỗi đợt chào bán ra thị trường, được đánh giá là tốt hơn so với năm 2017. Giá nhà đất tại các tỉnh trong năm 2018 có biến động tăng bình quân khoảng 10%”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết. 

Cảnh báo “ôm bom”

Ghi nhận trên thị trường, ngay từ đầu năm 2019, không ít dự án vùng ven như Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc...đã tạo sóng với những khoản chênh lệch lớn. Thậm chí có những nơi, mỗi lô đất nền, nhà đầu tư còn phải trả khoản chênh 500 đến 600 triệu đồng.

Theo giám đốc một sàn BĐS tại Hà Nội, hiện đất nền các tỉnh lân cận Hà Nội tăng giá đáng kể so với một, hai năm trước. Tuy nhiên, mức độ giao dịch không đến độ tạo thành cơn sốt nên tình trạng sốt giá do lượng giao dịch nhiều là không có.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, đất nền ở một số tỉnh bị thổi giá trong thời gian qua và đạt đến một mức cao có thể sẽ xảy ra tình trạng bán tháo, cắt lỗ. Ông cũng dẫn chứng một trong số những dự án tại Vĩnh Phúc, Thái Nguyên...  sau khi phân lô bán đất xong, thu tiền của khách hàng rồi nhưng lại bỏ hoang hoặc thay đổi quy hoạch khiến việc triển khai dự án bị ngưng trệ. Khi đó nhà đầu tư sẽ đối mặt với không ít rủi ro.

Phía luật sư cũng đưa ra lời cảnh báo người mua nhà nên thận trọng với những giao dịch bất động sản có giá chênh cao bất thường, bởi điều này có thể tạo nên các rủi ro như khó đòi lại tiền nếu dự án gặp khó khăn trong quá trình triển khai. 

Đánh giá thị trường bất động sản các tỉnh khu vực xung quanh Hà Nội và TP.HCM, các tỉnh miền Trung từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, theo Hội Môi giới, các khu vực này đều đang trong thời kỳ đầu tư phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp và đô thị rất mạnh mẽ nên sẽ tiếp tục ổn định và phát triển trong năm 2019.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho rằng các tỉnh cần xem xét phân bổ hợp lý theo giai đoạn việc phê duyệt phát triển mới các dự án BĐS, tránh phê duyệt ồ ạt, tạo dư thừa lớn nguồn cung bất động sản tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, Hội Môi giới còn đưa ra cảnh báo tại một số khu vực có thể tiếp tục xuất hiện tình trạng tự san lấp đất nông nghiệp, đất rừng, nhằm lập các dự án phân lô bán nền trái quy định. 

“Chính quyền các địa phương cần phải giám sát và xử lý ngăn chặn. Các nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác và không nên tham gia góp vốn vào những dự án này” - Phó Chủ tịch Hội Môi giới nhận định. 

Thực tế đã cho thấy, nhiều thị trường tỉnh lẻ bị cò đất thao túng làm giá đất lên cao nhưng cũng hạ nhiệt nhanh chóng khi có những tác động từ nhiều yếu tố. Đơn cử như tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong ngay khi có quyết định dừng lên đặc khu giao dịch gần như bị đóng băng hoàn toàn khiến nhiều nhà đầu tư “chết chìm” sau cơn sốt.

Ngôi nhà sử dụng vật liệu tái chế mang tinh thần "hơi hướng toàn cầu, thấu hiểu địa phương" cho người thu nhập thấp

Vừa mới mẻ, vừa hiện đại nhưng ngôi nhà này vẫn giữ được sự hài hòa với không gian sống của địa phương với những nét đặc trưng không thể trộn lẫn.

TIN MỚI NHẤT