Sau lùm xùm bảo lãnh, dự án Eco Green Tower “thay tên đổi chủ”

Thị trường 07/08/2019 06:00

Không thể thực hiện cam kết bàn giao căn hộ cho khách hàng và vướng những lùm xùm về bảo lãnh ngân hàng, chủ đầu tư dự án Eco Green Tower (Hoàng Mai, Hà Nội) đã chuyển nhượng cho một doanh nghiệp khác.

“Vỡ tiến độ”, dự án “thay tên đổi chủ”

Ngày 31/7/2019, Hội đồng Quản trị Công ty CP Sông Đà 1.01 đã ban hành Nghị Quyết số 08/2019/NQ-HĐQT về việc thống nhất chuyển nhượng dự án Eco Green Tower – số 1, Giáp Nhị (Hoàng Mai, Hà Nội) cho công ty TNHH Thương Mại và Đầu tư Bất động sản Bình Minh. Nghị quyết do ông Tạ Văn Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Đà 1.01 ký.

Theo đó, Sông Đà 1.01 sẽ chuyển nhượng cho Công ty Bình Minh toàn bộ thương phẩm còn lại và các quyền khai thác tại dự án Eco Green Tower bao gồm: Toàn bộ các căn hộ được chào bán cho người mua (tổng diện tích khoảng 16.171m2 sàn thông thuỷ); Toàn bộ diện tích sàn thương mại thuộc sở hữu và/ hoặc phân chia cho Sông Đàn 1.01 (khoảng 1.708m2); Toàn bộ diện tích để xe và/ hoặc quyền khai thác sàn để xe và các quyền khai thác dịch vụ khác tại dự án thuộc sở hữu và/ hoặc phân chia cho Sông Đà 1.01. 

Theo ghi nhận của PV Dân Việt ngày 5/8, tại công trường dự án Eco Green Tower đã có động thái “làm mới”. Trong đó, các tấm biển quanh dự án này đã được đổi tên thành Viễn Đông Star thuộc chủ đầu tư là Tập đoàn công nghiệp Viễn Đông. Tuy nhiên, công trường vẫn "cửa đóng then cài", không có dấu hiệu thi công.

Sau lùm xùm bảo lãnh, dự án Eco Green Tower “thay tên đổi chủ” - Ảnh 1

Phía ngoài công trường, tên dự án Eco Green Tower đã được đổi thành Viễn Đông Star. 

Có một điểm bất hợp lý khi tên của doanh nghiệp được chuyển nhượng lại không trùng với tên của chủ đầu tư ghi tại các tấm biển mới được dựng tại dự án. Qua trang webites của Tập đoàn công nghiệp Viễn Đông cũng không thấy tên đơn vị thành viên công ty TNHH Thương Mại và Đầu tư Bất động sản Bình Minh. Điểm trùng hợp giữa 2 doanh nghiệp này là trụ sở đều ở 36 Hoàng Cầu, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, TP.Hà Nội.

Trước đó, theo phản ánh của nhiều khách hàng mua căn hội tại dự án Eco Green Tower, theo hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà theo dự kiến là đầu tháng 2/2018 và không chậm quá 90 ngày.

Nếu bên bán vi phạm hợp đồng (bàn giao không đúng tiến độ) thì bên bán phải trả cho bên mua lãi suất quá hạn. Sau 180 ngày kể từ thời điểm dự kiến bàn giao mà bên bán không bàn giao được thì bên mua có quyền đề nghị chấm dứt hợp đồng, bên bán phải hoàn tiền mua căn hộ cho bên mua và bị phạt vi phạm 10% giá trị căn hộ.

Thế nhưng, tháng 6/2018, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 đã có thông báo về việc chậm bàn giao căn hộ tại dự án Eco Green Tower và cam kết bàn giao căn hộ cho khách hàng chậm nhất là thời điểm 31/8/2018. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn không thực hiện cam kết trên và khách hàng cũng không thể liên lạc, làm việc với chủ đầu tư.

Lùm xùm việc bảo lãnh ngân hàng

Theo phản ánh của nhiều khách hàng mua căn hộ Eco Green Tower cho biết, khi ký kết hợp đồng mua bán, Sông Đà 1.01 có thông tin cho khách hàng về việc một ngân hàng đã tài trợ vốn trên cơ sở Hợp đồng cấp tín dụng hạn mức ngày 21/11/2016 và thông báo phát hành báo lãnh cho Sông Đà 1.01 ngày 22/11/2016.

Tại điểm d mục 3.8 (Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh) Hợp đồng cấp hạn mức tín dụng nêu trên, ngân hàng này cam kết “Ngân hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi nhận được văn bản yêu cầu đòi tiền của người mua, thuê mua, kèm theo đầy đủ các chứng từ sau: Bản gốc Thư bảo lãnh; Bản gốc hồ sơ chứng minh và xác nhận bằng văn bản của Khách hàng về việc Khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết qui định tại Hợp đồng mua bán/thuê mua…

Tuy nhiên, chủ đầu tư vi phạm cam kết tiến độ, khách hàng đã nhiều lần gửi đơn cho chủ đầu tư Sông Đà 1.01 và ngân hàng bảo lãnh cho dự án là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) yêu cầu giao nhà đúng cam kết và hỗ trợ từ phía ngân hàng bảo lãnh, nhưng không được thực hiện.

Sau lùm xùm bảo lãnh, dự án Eco Green Tower “thay tên đổi chủ” - Ảnh 2

Khách hàng mua căn hộ dự án Eco Green Tower đứng trước trụ sở ngân hàng TPBank yêu cầu ngân hàng này thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, đảm bảo quyền lợi của khách hàng. 

Trong thông báo gửi tới báo chí, đại diện phía TPBank cho rằng:“Bên mua nhà, thường do tin tưởng hoặc coi nhẹ vấn đề pháp lý, hoặc do muốn tiết kiệm chi phí bảo lãnh phát sinh, nên đã không yêu cầu chủ đầu tư phải có thư cam kết bảo lãnh cho mình. Do vậy, nếu bên mua, vì lý do nào đó mà không có được văn bản cam kết bảo lãnh bản gốc của  ngân hàng phát hành cho riêng mình, thì không thể đòi ngân hàng trả tiền bảo lãnh”.

Trả lời trên của đại diện TPBank đã khiến khách hàng hoang mang và lo lắng. Đặc biệt, với những khách hàng nào không có thư cam kết bảo lãnh của ngân hàng thì không thể đòi ngân hàng trả tiền bảo lãnh.

Căng thẳng được đẩy cao khi nhiều khách hàng đã liên tục tập trung trước trụ sở của ngân hàng TPBank để yêu cầu chủ đầu tư và ngân hàng bảo lãnh đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà. Dư luận cũng đặt ra nhiều dấu hỏi trách nhiệm của ngân hàng bảo lãnh TPBank trong sự việc này.

Phân tích về trách nhiệm của đơ vị bảo lãnh dự án, luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện hành, ngân hàng có trách nhiệm phát hành cam kết bảo lãnh cho từng bên mua sau khi nhận được hợp đồng mua bán từ chủ đầu tư. Trường hợp, nếu chủ đầu tư không chuyển hợp đồng mua bán sang thì ngân hàng không có căn cứ phát hành cam kết bảo lãnh.

Trong trường hợp này, theo luật sư Tùng, tại mỗi hợp đồng mua bán căn hộ Eco Green Tower đều có đại diện TPBank xác nhận và hướng dẫn khách hàng nộp tiền vào ngân hàng thì không thể nói ngân hàng không biết các hợp đồng. “Tôi cho rằng để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc làm rõ việc có hay không việc ngân hàng lách luật, lợi dụng việc thiếu hiểu biết pháp luật của khách hàng để không phát hành cam kết bảo lãnh cho từng khách hàng”, luật sư Tùng đề xuất.

Thị trường ảm đạm, nguồn cung sụt giảm khủng khiếp: Đâu là nguyên nhân?

Hàng loạt dự án bị ách tắc thủ tục "công nhận chủ đầu tư" và thủ tục "phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500" là nguyên nhân chủ yếu làm sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở.

TIN MỚI NHẤT