Mường Thanh “hô biến” công trình tạm thành trung tâm tiệc cưới

Thị trường 10/01/2019 14:07

Giữa thủ đô, một công trình xây dựng (thuộc lô đất CC2 Khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) của “Đại gia điếu cày” sừng sững mọc lên với ẩn danh là công trình tạm. Công trình này được “phù phép” thành trung tâm tiệc cưới sang trọng và hoạt động sai mục đích, công năng.

Mường Thanh “hô biến” công trình tạm thành trung tâm tiệc cưới - Ảnh 1

Phớt lờ việc “siết” xây dựng công trình tạm

Theo UBND quận Hoàng Mai, năm 2016, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã phá dỡ công trình cũ cao 5 tầng và xây dựng 2 tầng hầm để làm bãi đỗ xe cao tầng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và bị đình chỉ thi công.

Trên cơ sở móng của công trình cũ 5 tầng đã tháo dỡ, tháng 5.2018, doanh nghiệp này đề xuất xây dựng công trình tạm, nhà thép và mái tôn với quy mô khoảng 1.500m2 thuộc lô CC2.

Mường Thanh “hô biến” công trình tạm thành trung tâm tiệc cưới - Ảnh 2

Công trình tạm của tập đoàn Mường Thanh.

Đây là công trình được chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm theo thiết kế và dự toán được thẩm duyệt PCCC.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng có văn bản hướng dẫn xây dựng công trình tạm tại lô đất trên và UBND quận Hoàng Mai cũng có ý kiến tham vấn Sở Xây dựng về việc xây dựng công trình tạm của doanh nghiệp. Sau đó, công trình tạm phục vụ việc cải tạo nâng cấp công trình Khách sạn Mường Thanh hiện có được Sở Xây dựng chấp thuận.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho biết, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu doanh nghiệp này phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới được phép xây dựng công trình.

Mường Thanh “hô biến” công trình tạm thành trung tâm tiệc cưới - Ảnh 3

Bên trong công trình tạm thuộc doanh nghiệp của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư.

"Đặc biệt, chúng tôi chú ý yêu cầu công trình tạm chỉ được phép tồn tạo đến khi hoàn thành xong việc cải tạo sửa chữa công trình khách sạn hoặc tối đa 12 tháng. Ngoài thời hạn trên, chủ đầu tư phải tự dỡ bỏ công trình tạm nếu không sẽ bị cưỡng chế phá dỡ", ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu dỡ bỏ công trình tạm, doanh nghiệp phải thực hiện việc tháo dỡ vô điều kiện.

Ngã ngửa trước công trình tạm của “đại gia điếu cày”

Tưởng rằng những quyết định “siết” quản lý xây dựng công trình tạm, doanh nghiệp do “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản làm chủ sẽ chấp hành các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại tìm mọi cách lách luật, sử dụng sai mục đích của công trình.

Công trình tạm, nhà thép và mái tôn của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên được “hô biến” thành trung tâm tiệc cưới bề thế, sang trọng.

Bên ngoài được ốp thạch cao và xung quanh trồng rất nhiều cây cảnh trang trí. Bên trong, trung tâm tiệc cưới được chủ đầu tư trang bị thiết bị nội thất, âm thanh, ánh sáng hiện đại, cao cấp. Mỗi chi tiết đều được chăm chút rất tỉ mỉ.

Mường Thanh “hô biến” công trình tạm thành trung tâm tiệc cưới - Ảnh 4

Bước vào bên trong khu nhà tạm được chủ đầu tư cho là sử dụng mục đích làm văn phòng, nhà ở công nhân, nhà kho, xưởng sản xuất tại chỗ, đã được lắp đặt màn hình lớn, đèn chùm sang trọng, giàn đèn công suất lớn. Bên cạnh đó, hàng trăm bộ bàn ghế được xếp gọn gàng.

Trao đổi về vấn đề công trình nguy nga như vậy có vi phạm hay không, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho biết, qua biên bản kiểm tra công trình xây dựng giữa tháng 11.2018, công trình dựng khung cột kèo sắt, mái lợp tôn và cao 8,15 mét. Công trình xây bao quanh bằng tường gạch, kính và thạch cao. Bên trên có treo biển trung tâm tiệc cưới.

UBND quận Hoàng Mai nhận định, chủ đầu tư tổ chức thi công công trình về quy mô, kết cấu phù hợp với thiết về và dự toán được thẩm duyệt. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã sử dụng công trình không đúng như mục đích được chấp thuận. Theo đại diện UBND quận Hoàng Mai, về phía chủ đầu tư công trình vẫn nói họ chỉ chứa đồ bàn ghế tại đó và chưa sử dụng nhà tạm.

Sau đó, UBND quận Hoàng Mai giao thanh tra xây dựng và UBND phường sở tại tiếp tục giám sát chặt chẽ, nếu chủ đầu tư sử dụng sai mục đích phải báo cáo và có hướng xử lý.

Hiện trạng lô đất CC2 đã được đầu tư xây dựng xong công trình khách sạn mang tên Mường Thanh với diện tích khoảng 1.944 m2 và đang trong quá tình hoạt động; phần còn lại khoảng 2.545 m2 được quy hoạch gồm các công trình phụ trợ bao gồm diện tích đất cây xanh 500 m2, diện tích bể bơi khoảng 500 m2, nhà dịch vụ 135 m2, diện tích bãi đỗ xe ngoài trời khoảng 500 m2, nhà bảo vệ 18 m2, phần còn lại là sân đường nội bộ rộng khoảng 892 m2.

Năm 2016, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã phá dỡ công trình cũ cao 5 tầng và sau đó xây dựng công trình gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi nằm trên diện tích 2.545 m2 để làm dự án bãi đỗ xe cao tầng. Tuy nhiên, công trình này xây dựng không phép nên đã bị UBND phường Đại Kim đình chỉ thi công từ đó đến nay. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng yêu cầu Doanh nghiệp không được phép sử dụng tầng hầm công trình đang vi phạm. Nhưng trên thực tế, hiện khu vực 2 tầng hầm đang vi phạm vẫn được Doanh nghiệp sử dụng làm chỗ trông giữ xe cho nhân viên và khách.

Tổng cục đất đai vào cuộc vụ công ty Alibaba bán...'bánh vẽ'

Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai đề nghị làm rõ vụ việc công ty địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) bán trái phép hàng loạt dự án.

TIN MỚI NHẤT