Công trình tiền tỉ bỏ hoang

Thị trường 03/10/2019 06:00

Ở ĐBSCL hiện có nhiều công trình xây dựng xong hoặc đang thi công dang dở rồi bỏ hoang

Hai trường hợp dưới đây là minh chứng cho sự lãng phí kéo dài, gây bức xúc dư luận.

Nhà máy đóng tàu ngàn tỉ... "đắp chiếu"

Năm 2006, tỉnh Cà Mau chuyển giao nguyên trạng cảng Năm Căn và KCN Năm Căn có giá trị đầu tư trên 100 tỉ đồng cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đầu tư, khai thác.

Cùng thời điểm tiếp quản cảng Năm Căn, Vinashin quyết định đầu tư trên 1.000 tỉ đồng để xây dựng Nhà máy Đóng tàu Cà Mau ngay bên cạnh. Trên giấy tờ, nhà máy được triển khai trên diện tích 58 ha bên bờ sông Cái Lớn (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), có thể đóng mới tàu trọng tải từ 5.000-10.000 tấn và được kỳ vọng tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động.

Công trình tiền tỉ bỏ hoang - Ảnh 1

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cơ sở tại Trà Vinh bỏ hoang nhiều năm nay Ảnh: CA LINH

Khi Vinashin khốn đốn, cảng và dự án nhà máy đóng tàu được chuyển cho Vinalines. Sau nhiều năm xây dựng, cảng biển Năm Căn và nhà máy đóng tàu do Vinalines làm chủ đầu tư rơi vào hoang phế, trong khi nhiều người dân mất đất, mất nhà và vỡ mộng trở thành công nhân.

127 hộ dân, chủ yếu là những hộ sản xuất tôm giống, nuôi tôm và mua bán nhỏ phải di dời để nhường đất thực hiện dự án. Mặc dù bị giải tỏa nhưng đa số người dân khi ấy vẫn vui vẻ vì hy vọng con em có cơ hội học nghề, học ĐH để được làm việc trong nhà máy đóng tàu trên quê nhà. Theo cam kết, chủ đầu tư đã cùng các ngành, các cấp của Cà Mau tuyển chọn lao động, đào tạo công nhân và mời Trường ĐH Giao thông Vận tải chi nhánh tại TP HCM mở 2 lớp ĐH về máy thủy và thiết kế tàu thủy tại TP Cà Mau. Tuy nhiên, sau 4 năm học ĐH và tự đóng học phí, nhiều sinh viên ra trường vỡ mộng, phải chạy vạy khắp nơi tìm việc nhưng vẫn thất nghiệp.

Dự án một thời được kỳ vọng là "khai phá rừng đước Năm Căn" nay nhiều hạng mục công trình như cầu cảng, cầu tàu chính tải trọng lên đến 200.000 tấn nằm phơi sương, phơi nắng, hoang phế, gỉ sét sau hàng chục năm không hoạt động và chưa có dấu hiệu tái khởi động.

Về dự án này, ông Nguyễn Minh Ái, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cà Mau, cho biết đã rút giấy phép hoạt động của doanh nghiệp vì vi phạm hợp đồng. Hiện tại, ban quản lý đang kêu gọi đầu tư lại dự án này.

Địa phương mong được bàn giao

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM (Bộ Công Thương) xây dựng cơ sở tại xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nhưng nhiều năm nay bỏ hoang, gây lãng phí. Năm 2008, UBND tỉnh Trà Vinh quyết định giao hơn 91.500 m2 đất (sau đó thu lại hơn 2.500 m2 để làm đường đi công cộng) cho Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM để đầu tư, xây dựng cơ sở đào tạo theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng 3 block nhà liền kề hình chữ U kết cấu 1 trệt 4 lầu. Trong đó, dự kiến 3 bock dùng làm nhà học lý thuyết, nơi làm việc của trung tâm đào tạo và ký túc xá sinh viên. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án hơn 45 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 20 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của trường.

Công trình tiền tỉ bỏ hoang - Ảnh 2

Dự án từng được kỳ vọng sẽ khai phóng rừng đước Năm Căn giờ để phơi sương phơi nắng Ảnh: DUY NHÂN

Một bảo vệ của trường này cho biết năm 2015, khi trường đi vào hoạt động và tuyển được một số sinh viên nhưng chỉ học trong thời gian ngắn rồi ngừng tuyển sinh cho đến nay. Nguyên nhân do nguồn tuyển sinh tại địa phương và khu vực ĐBSCL ít, đa phần học sinh muốn lên TP HCM học ĐH chứ không chọn cơ sở ở đây.

Nhìn từ xa cơ ngơi này rất bề thế, xây dựng trên khu đất rộng nhưng khi đến nơi, trường vắng lặng, đìu hiu. Cơ sở vật chất bên trong trường đã xuống cấp, bàn ghế hư hỏng, nền và tường xuất hiện vết nứt…

Năm 2017, UBND tỉnh Trà Vinh làm việc với lãnh đạo nhà trường xin được chuyển giao cơ sở cho tỉnh để có điều kiện thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số của địa phương. Đồng thời, UBND tỉnh Trà Vinh có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM xem xét chấp thuận điều chuyển cơ sở đào tạo trên cho tỉnh quản lý và sử dụng. Tuy nhiên đến giờ, tỉnh vẫn chưa nhận được câu trả lời. 

Phú Yên cảnh báo nhiều dự án bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý vẫn rao bán

Theo Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, hiện nay trên các trang mạng xã hội đang rao bán, huy động vốn các dự án bất động sản khi chưa đủ cơ sở pháp lý. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.

TIN MỚI NHẤT