'Giờ Song Toàn học ở đâu, ai cũng sợ bị em tố cáo cái sai'

Đời sống 07/04/2018 13:38

Chỉ trích, xử phạt giáo viên, phụ huynh nhưng hậu quả học sinh gánh chịu mấy ai quan tâm?

Những lời mà lãnh đạo TP HCM đưa ra chí lý tới đáng sợ: "Có thể nhiều bạn trong lớp sẽ cô lập em, bởi cho là nguyên nhân gây ra sự xáo trộn. Chưa kể trường Long Thới năm nay không thể có thành tích thi đua tốt, khi đó nhiều thầy cô lại không thiện cảm với Toàn". Mấy lời nói thật về một sự việc sờ sờ ra trước mắt mà có thể mang tới hậu quả khôn lường như vậy.

Những vụ việc liên quan tới bạo lực giữa giáo viên, học sinh, và phụ huynh liên tiếp được đưa lên truyền thông trong thời gian gần đây.Trong những việc này, phụ huynh sai có, giáo viên sai cũng có, và cả hai đều sai cũng có. Dư luận giận dữ chỉ trích những ai bị cho là sai, như là người phụ nữ đánh nữ sinh thực tập đang mang thai hay là cô giáo suốt ba tháng chẳng buồn nói trên lớp. Đủ thứ hình phạt được đưa ra, từ kỷ luật, kiểm điểm rút kinh nghiệm, xin lỗi và được bãi nại, rồi cách chức...

Còn hậu quả mà các em học sinh phải lãnh thì ai cũng quên khuấy. Nếu giáo viên là bên có lỗi thì học sinh vô can không bị nói tới, còn nếu phụ huynh có lỗi thì nhiều người inh ỏi nói là "Sao không đem con mình về nhà dạy luôn đi." Hỡi ôi, những sai lầm và tội lỗi của người lớn trút hết cả lên đầu con trẻ mà người ta còn nỡ đổ thêm dầu vào lửa.

'Giờ Song Toàn học ở đâu, ai cũng sợ bị em tố cáo cái sai' - Ảnh 1

Trong câu chuyện cô giáo phải quỳ, cô đã vi phạm các quy định giáo dục về việc bắt học sinh quỳ và sẽ bị xử lý. Còn các em học sinh phải quỳ thì không thấy ai chăm sóc, an ủi, tìm hiểu nguyện vọng. Đứa con của vị phụ huynh đấy thì nhiều người đoán là sẽ bị đì tới suốt đời, nhưng cũng chẳng ai quan tâm.

Hay việc cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, giờ cô sẽ mất việc còn nữ sinh thì chả thấy ai quan tâm, chỉ có một dòng ngắn gọn nói là em có hoàn cảnh khó khăn.

Phức tạp nhất là câu chuyện của nữ sinh Song Toàn. Dư luận trách cứ cô giáo và hiệu trưởng tơi tả. Giáo viên chủ nhiệm cũng bị trách là sao không can thiệp, dù học sinh nói là giáo viên ấy đã cố gắng nhưng không thành công.

Còn có một chiều dư luận là do học sinh tìm cách "đánh" cô giáo nên mới ra thế này. Một lần nữa, những vị là thầy cô thì nhiều lắm là bị chỉ trích rồi ai cũng sẽ quên đi. Giáo viên ấy bây giờ đã có chỉ thị là xử lý nghiêm, cái sự nghiêm đấy thì dư luận vẫn đang mong chờ, chứ mấy cái bản kiểm điểm đó "không ngứa cũng chả đau", vài hôm là quên sạch. Hi vọng là quyền lực của cô giáo không to như mọi người nghĩ.

Trong lúc dư luận sục sôi thì chả có mấy ai nói tới chuyện Song Toàn sẽ lãnh hậu quả thế nào. Tới lúc có chỉ thị chuyển trường cho em người ta mới gãi đầu rằng mình quên mất.

Việc bị cô lập bởi người chung quanh là một hình phạt cực kỳ đáng sợ. Mà khi cái sự cô lập đó được gây ra bởi một hành động đúng đạo đức thì còn đáng sợ hơn. Cái đau nhất là lãnh đạo đã cố hết sức nhưng cũng không đưa ra được biện pháp nào khả thi. Nếu người ta sợ một người bị cho là "tố cáo cái sai gây xáo trộn" thì ai cũng biết là Toàn giờ đi đâu cũng sẽ bị cô lập.

Giờ Toàn đi đâu ai cũng sợ là em sẽ tố cáo cái sai, còn cô giáo đó đi đâu thì cũng chả ai biết cô ấy đã làm những gì.

Chính vì vậy nên những tiêu cực mang tính bạo hành trong giáo dục diễn ra thường xuyên. Giáo viên ỷ lại vào cái thứ quyền lực được xã hội khoác lên cái áo thanh cao mà hành hạ học sinh. Phụ huynh giận dữ khi các chế tài quá yếu ớt nên đành tự xử. Cả hai bên đều sai nhưng tâm lý của con người là vậy. Xét cho cả xã hội, điều cần làm là chấn chỉnh cách cư xử của giáo viên. Nếu giáo viên không bắt học sinh quỳ, không đánh con trẻ, không bắt trẻ em uống nước giẻ lau bảng thì cơn giận của phụ huynh cũng bớt đi phần nào.

Cái cần xây dựng là niềm tin vào pháp luật. Các phụ huynh yên tâm là các thầy cô sai lầm sẽ lãnh hậu quả thật sự như bị thôi việc hay xử lý hình sự thì những việc xông vào đánh thầy cô cũng sẽ bớt đi.

Còn hiện giờ thì Song Toàn và các em học sinh bị kẹt "giữa hai làn đạn" mới cần được quan tâm nhất. Các em phải được chăm sóc và giúp cho hòa đồng trở lại với bạn bè. Những hình phạt như đuổi việc hay cách chức giáo viên chẳng giúp gì cho các em học sinh đang chơi vơi trong cơn sóng dữ của dư luận. Một mai dư luận chìm đi thì các em đó sẽ bị đì vì những cái sai của người lớn.

Cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng: 'Sao người chuyển đi lại là em?'

Sau khi đọc thông tin gia đình em Phạm Song Toàn bật khóc, muốn chuyển trường mới cho con khi kỳ thi học kỳ đang đến gần, trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại câu hỏi: "Tại sao em lại phải chuyển đi? Tại sao lại là em mà không phải là cô giáo?".

TIN MỚI NHẤT