Bạo hành gia đình vì… tính cam chịu của phụ nữ

Chuyện vợ chồng 13/01/2016 06:53

Bạo hành gia đình là đề tài không còn mới mẻ nhưng cũng chẳng phải là vấn đề xưa cũ. Nó vẫn còn tồn tại đâu đó trong một số gia đình, mà người gánh chịu những trận đòn roi đó không ai khác chính là những người phụ nữ chân yếu tay mềm. Tuy nhiên, có một nghịch lý là đa số những người bị bạo hành không thừa nhận mình bị bạo hành.

Sợ xấu chàng hổ thiếp

Mới đây, một bạn đọc có tên Trần Thị Diệu Thu đã gửi về tòa soạn Phunuvagiadinh.vn với tâm thư đầy bức xúc về người cha của mình. Một người cha mà trước đây, người con gái này vô cùng kính trọng và yêu quý thì từ ngày ông có bồ nhí, tâm tính thay đổi, ông về nhà thường xuyên chửi mắng và đập đánh vợ. Đỉnh điểm gần đây nhất người cha mất nhân tính này còn đánh vợ đến mức phải nhập viện với thương tật 20%. Con cái trong nhà lại đi làm ăn xa, không ai đứng ra ngăn cản, hay khuyên nhủ gì ông được. Cứ mỗi lần uống rượu về say là ông lại đánh đập vợ dã man và còn yêu cầu vợ đưa tiền cho ông. Điều mấu chốt ở đây là người mẹ quá hiền lành, và cam chịu, biết vậy nên ông chồng càng làm tới.

Bạo hành gia đình vì… tính cam chịu của phụ nữ - Ảnh 1
Phụ nữ càng im lặng, đàn ông càng làm tới

Đây là một trường hợp trong rất nhiều trường hợp, người phụ nữ có tính nhẫn nhịn, cam chịu, không bao giờ mở răng than thở với ai, kể cả người nhà của mình dù bị đánh đập tơi tả. Có người còn xem chuyện đó như là chuyện đương nhiên, người ta không cảm nhận đó là sự ngược đãi nhưng chỉ biết cam chịu. Điều đáng nói là họ không hề biết bảo vệ thân thể của mình bằng cách tìm đến chính quyền sở tại, các hội phụ nữ, công đoàn, nơi có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân.  

Chuyện gia đình cô Sương ở trong xóm tôi ai cũng biết. Chồng cô là một người chồng cực kỳ vũ phu, cứ về đến nhà mà thấy điều gì không vừa ý là thượng cẳng tay hạ cẳng chân, có bữa cô ra ngoài với khuôn mặt bầm tím, xơ xác. Thế nhưng, khi ai hỏi đến cô đều chối đây đẩy là mình bị vấp ngã. Có bữa bị chồng đánh ngay trong nhà, nghe tiếng rầm rầm trong nhà, anh em ở cạnh đó chạy đến để ngăn cản thì lúc lâu sau cô ra mở cửa và y như rằng cô chối bay chối biến, rằng mình chẳng có chuyện gì. Nhiều khi anh em xót xa, muốn dằn mặt anh chồng vũ phu kia nhưng không sao làm được.

Chuyện phụ nữ giấu mình bị đánh là một điều chẳng nên, và đừng vì sợ “xấu chàng hổ thiếp” mà không nói ra. Chị em hãy biết yêu thương bản thân mình trước chứ đừng vì thứ sĩ diện hão mà làm khổ bản thân mình, hành động che giấu đó vì vô tình tiếp tay cho cái xấu để hành hạ mình, còn bản thân mình sống trong đau đớn, tủi nhục.  

Khi xảy ra bạo hành, phụ nữ cần làm gì?

Theo ý kiến của một vị luật sư, cái khó trong xử lý các vụ bạo hành gia đình  hiện nay là chính quyền địa phương cho rằng đó là việc nội bộ gia đình nên có báo thì địa phương cũng không giải quyết thấu đáo. Còn nếu khởi kiện ra tòa thì thương tích trên 11% mới xử lý được, trừ trường hợp dùng dao hoặc hung khí nguy hiểm. Do đó những trường hợp thương tích dưới 11% mà người gây bạo lực không sử dụng hung khí nguy hiểm thì rất khó khăn trong giải quyết, xử lý. Do đó, người phụ nữ bị bạo hành rất thiệt thòi.

Khi cuộc sống gia đình đã trở thành địa ngục, không thể cứu vãn được nữa thì người vợ bị chồng bạo hành không nên duy trì cuộc hôn nhân đó nữa, vì rất có thể mình là nạn nhân của cảnh bạo hành khi nào không hay. Mặt khác, khi bị bạo hành, nạn nhân phải tự mình phản kháng chứ không thể trông chờ vào một ai đó.

Bạo hành gia đình vì… tính cam chịu của phụ nữ - Ảnh 2
Khi bị bạo hành, nạn nhân phải tự mình phản kháng chứ không thể trông chờ vào một ai đó

Ngoài ra, khi bị bạo hành gia đình xảy ra, chị em nên ghi nhớ những điều sau:

- Khi có xung đột xảy ra, hãy rời khỏi những vị trí có nhiều nguy cơ như nhà tắm, bếp, buồng không có cửa thoát…

-  Chuẩn bị sẵn các số điện thoại cần thiết: Công an, hội phụ nữ, người thân, bạn bè…

- Nói về bạo lực trong gia đình với những người tin tưởng có thể giúp đỡ được mình: Hàng xóm, người thân quen, tổ trưởng, cán bộ hội phụ nữ, công an… để họ kịp thời can thiệp hoặc báo công an khi có tiếng động nghi ngờ từ nhà mình.

- Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, người gây bạo lực quá mất bình tĩnh, nóng giận đến mức nguy hiểm, có thể tạm nghe lời để anh ta bình tĩnh trở lại. Vấn đề cần thiết lúc này là sự an toàn của chính mình.

- Cần chuẩn bị sẵn kế hoạch rời khỏi nhà bất cứ khi nào nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. 

- Chuẩn bị sẵn địa chỉ an toàn có thể đến bất cứ khi nào (gia đình, người thân, bạn bè, nhà tạm lánh,…).

- Chuẩn bị tiền mặt/tài khoản bí mật để chủ động khi ra khỏi nhà.

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT