Những bệnh thường gặp ở trẻ trong dịp Tết và cách đề phòng

Chăm sóc con 25/01/2017 13:19

Những thay đổi trong sinh hoạt, vui chơi, đi lại dịp Tết khiến trẻ nhỏ dễ mắc phải các bệnh thường gặp như rối loạn hệ tiêu hóa, suy giảm miễn dịch, nhiễm lạnh đường hô hấp...

Nguyên nhân trẻ có nguy cơ cao bị ốm ngày tết

Trẻ say tàu xe, mệt mỏi nhiều

Trẻ theo bố mẹ về quê ăn Tết phải di chuyển bằng ô tô, tàu hỏa hay máy bay đường dài nên thường quấy khóc, hoặc vật lộn do say tàu xe, mệt mỏi nhiều, thậm chí đùa nghịch quá mức... Sau chuyến đi bé có thể bị ốm do sức khỏe giảm sút.

Những bệnh thường gặp ở trẻ trong dịp Tết và cách đề phòng - Ảnh 1.

Thay đổi sinh hoạt

Những hoạt động chúc Tết, thăm hỏi người thân, họ hàng, bạn bè hoặc du lịch, vui chơi ngày Tết của bố mẹ và bé cùng với gia đình, đặc biệt là việc bé phải thức quá khuya hoặc ngủ không đủ giấc làm giảm khả năng đề kháng – miễn dịch của bé.

Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo

Mặc dù ngày tết có "mâm cao cỗ đầy" nhưng chế độ dinh dưỡng của trẻ lại không cân bằng, nhiều tinh bột, protein, lipid hơn vitamin và khoáng chất trong rau củ quả.

Thời tiết phức tạp

Ở miền Bắc, đôi khi Tết là khoảng thời gian có những đợt lạnh sâu, việc bé ra đường hay ngoài trời nhiều vào buổi sáng hoặc ban đêm đều có nguy cơ cao bị ốm do nhiễm lạnh đường hô hấp.

Các bệnh thường gặp cần đề phòng cho trẻ ngày tết

Viêm đường hô hấp trên và dưới

Trẻ từ sơ sinh cho đến 3 tuổi thường gặp các vấn đề về đường hô hấp. Vào ngày Tết, nếu miền Nam thời tiết nóng, trẻ hay uống nước ngọt và nước đá thì ở miền Bắc thời tết lạnh có khi là rét đậm rét hại nên trẻ dễ bị mắc các bệnh như viêm họng, viêm mũi, ho, sốt, cảm cúm. Nếu không điều trị kịp thời hoặc trẻ có sức đề kháng kém rất dễ bị tiến triển bệnh sang viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, tiểu phế quản, viêm phổi với nguy cơ suy hô hấp như: khó thở, khò khè, sốt cao, tím tái và co giật.

Những bệnh thường gặp ở trẻ trong dịp Tết và cách đề phòng - Ảnh 2.

Rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thức ăn

Tết là thời gian để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần. Các bà, các mẹ, các chị sẽ trổ tài nấu ăn với thật nhiều món ngon, phong phú, bổ dưỡng; đồng thời ông bà, bố mẹ thường dẫn các bé đi chơi, thăm thú các khu vui chơi, du lịch… Trẻ có thể ăn nhiều thứ cùng lúc, ăn những thức ăn lạ, thức ăn bên ngoài không đảm bảo chất lượng, thức ăn bị nhiễm khuẩn. Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện tiêu chảy hoặc táo bón. Khi trẻ bị ngộ độc thức ăn, triệu chứng thấy rõ như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy xuất hiện sau khi ăn từ 1 đến 3 giờ, trẻ nôn liên tục hoặc nhiều lần trong ngày.

Dị ứng hoặc dị ứng thức ăn

Đối với trẻ có cơ địa dị ứng, dịp Tết do việc đi lại nhiều, chế độ ăn uống mất cân bằng, thiếu ngủ cũng làm cho hệ miễn dịch của bé yếu đi và tăng nguy cơ bị dị ứng thời tiết. Những món ăn, đồ uống lạ trong ngày tết có thể làm trẻ bị dị ứng thức ăn.

Giải pháp giúp bé không bị ốm dịp Tết

Bé khỏe mạnh, không đau ốm giúp niềm vui sum họp ngày tết của gia đình trọn vẹn. Đó dường như là mong mỏi mà tất cả các mẹ có con nhỏ. Các biện pháp sau giúp phòng ngừa ốm cho bé, để bé có một khởi đầu năm mới tươi vui, khỏe mạnh.

Giữ ấm cho trẻ trong thời tiết lạnh khi đi ra ngoài

Nếu phải cho bé ra ngoài khi trời gió hoặc khi đi tàu xe mẹ đừng quên mũ, khăn, găng tay và đeo khẩu trang cho bé (bé có thể mất đến 50% nhiệt độ cơ thể do thoát nhiệt ở đầu). Nên chọn cho bé những chiếc áo khoác, mũ không thấm nước. Nếu bé bị dính nước mưa, cần thay quần áo cho bé thật nhanh. Bao bọc bé sau đó để bé ấm và cho bé uống một thức uống ấm nếu bé vừa bị lạnh và bị ướt.

Trường hợp bé chạy nhảy, vui chơi làm ướt áo bởi mồ hôi ra nhiều, bố mẹ cũng cần lau khô người và thay quần áo cho bé ngay để mồ hôi không thấm ngược lại cơ thể bé, làm bé dễ bị cảm lạnh.

Những bệnh thường gặp ở trẻ trong dịp Tết và cách đề phòng - Ảnh 3.

Cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ

Mẹ giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm chín, tươi, sạch, đầy đủ và cân bằng 4 nhóm glucid, lipid, protein, vitamin và khoáng chất.

Ngày Tết do đi lại, vận động nhiều, cơ thể bé cần nhiều vitamin và nước hơn. Mẹ hãy cho bé ăn rau xanh và hoa quả hàng ngày; hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp sườn, đồ nướng, đồ ăn để lâu trong tủ lạnh, nước ngọt. Rau theo mùa lạnh là tốt hơn cả, ví dụ như cải bắp, bí ngô, cà rốt... Ngoài ra, nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giúp bé tăng đề kháng như nấm, sữa chua, ngũ cốc, khoai lang…

Với bé sơ sinh, mẹ nên cho bé bú đủ, đều đặn để tăng cường miễn dịch cho bé. Khi hệ thống miễn dịch của trẻ được kích hoạt mạnh mẽ sẽ có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn, trẻ ít bị ốm, ít bị bệnh do nhiễm vi rút, vi khuẩn và nhanh hồi phục sức khỏe hơn khi nhiễm bệnh.

Cho trẻ ngủ đủ giấc

Dù hoạt động ngày Tết có thể làm bé phải ngủ muộn hay thức khuya hơn thông lệ nhưng mẹ hãy cố gắng đảm bảo thời gian ngủ đủ cho bé. Mẹ có thể để bé ngủ thêm vào buổi sáng hoặc ngủ các giấc ngủ ngắn trong ngày.

Giữ vệ sinh cho trẻ

Bố mẹ nên chú ý vệ sinh sạch sẽ cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và mỗi khi đi chơi ở ngoài về nhà.

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT