Giờ VÀNG đi ngủ giúp bé THÔNG MINH và phát triển CHIỀU CAO

Chăm sóc con 31/12/2017 11:21

Cho bé đi ngủ đúng giờ vừa giúp bé phát triển trí não lại phát triển chiều cao.

Giấc ngủ trong ngày có tác dụng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Khoa học đã chứng minh, chiều cao của bé phụ thuộc 70% từ gene di truyền của bố mẹ và 30% do quá trình nuôi dạy sau đó.

Giấc ngủ quan trọng nhất trong số 30% nhân tố bên ngoài này, vượt qua cả sự vận động cùng việc ăn uống bởi tuyến yên trong não sẽ tiết ra các hoocmon kích thích sinh trưởng khi bé ngủ.

Giờ VÀNG đi ngủ giúp bé THÔNG MINH và phát triển CHIỀU CAO - Ảnh 1


Nên cho bé đi ngủ giờ nào?

Theo BS Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1 (Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM), giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của con người.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ của con người, đặc biệt là với trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Tuy vậy, thời gian ngủ dài hay ngắn không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng giấc ngủ của trẻ mà việc bé ngủ có ngon giấc hay không mới quan trọng. Ngủ rất nhiều nhưng không ngon giấc hoặc bị thiếu ngủ đều khiến trẻ không được thoải mái tâm lý. Tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ khiến trẻ cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi. Những trẻ thường xuyên ở trong tình trạng này sẽ phát triển trí não chậm hơn so với các bé khác và dĩ nhiên là không nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát như các bé có giấc ngủ ngon.

Tuy nhiên, một thống kê cho thấy, có tới 52% bà mẹ chưa nắm rõ thời lượng giấc ngủ của con để giúp chăm sóc và phát triển tối ưu tiềm năng chiều cao, thể chất cho trẻ. Hormone tăng trưởng của trẻ tiết ra nhiều nhất từ khoảng 10h - 12h đêm. Vì vậy, nếu cho trẻ ngủ muộn sau 10h đêm đồng nghĩa với việc các hormone tăng trưởng của trẻ sẽ tiết ra ít hơn, trẻ sẽ chậm phát triển chiều cao…

Theo các bác sĩ chuyên khoa, đối với trẻ mẫu giáo, giấc ngủ ngon và việc ngủ đủ giấc (khoảng 10-12 tiếng/ngày) sẽ giúp bé tập trung, ghi nhớ và tiếp thu, xử lý tình huống nhanh hơn so với các bé thiếu ngủ. Còn đối với lứa tuổi tiểu học, được ngủ ngon, đủ giấc thường có khả năng đọc từ vựng nhanh hơn và có vốn từ nhiều hơn. Do đó kỹ năng giao tiếp của các bé này cũng tốt hơn.

Bên cạnh giấc ngủ, mỗi trạng thái tinh thần khác nhau của trẻ em cũng sự tiết hormone tăng trưởng khác nhau. Khi trẻ được sống trong bầu không khí hạnh phúc, cơ thể sẽ tiết ra lượng hormone tăng trưởng nhiều hơn 10%. Vì vậy chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh nên cố gắng giúp con luôn cảm thấy thoải mái vui vẻ để đạt được sự tăng trưởng tối đa.

Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng nghe lời mẹ ngủ đúng giờ. Do đó, cần làm một số điều sau để trẻ tự giác đi ngủ.

1. Tạo cảm giác yên tĩnh

Nếu gia đình có thói quen ngủ muộn, mở tiếng tivi to và nói chuyện nhiều, bé cũng bị ảnh hưởng và hình thành cảm giác "chưa đến giờ ngủ". Do đó, khi đến thời gian, cha mẹ nên bật đèn ngủ, tắt tivi, ngừng to tiếng để bé yên tĩnh và đi vào giấc ngủ.

Tập cho bé thói quen chuẩn bị trước khi ngủ như: đánh răng, rửa mặt, rửa chân, dọn giường chiếu... Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó giống như ám hiệu ngầm giúp trẻ nhận biết thời gian lên giường.

2. Tránh khiến não bé hưng phấn quá độ trước khi ngủ 1 tiếng

Nhiều bé hiếu động thường không chịu nằm yên một chỗ mà nghịch ngợm luôn chân luôn tay. Điều này khiến não trẻ bị kích thích trở nên hưng phấn, rất khó đi vào giấc ngủ.

Do đó, phụ huynh không nên trêu đùa, chọc cười, cho bé chơi những trò đuổi bắt... mà nên kể chuyện cổ tích, cho bé nghe những bản nhạc lãng mạn, nhạc thiếu nhi... để bé thư giãn và dần chìm vào giấc ngủ.

3. Không cho bé ngủ ngày quá nhiều

Bé ngủ ngày quá nhiều ban đêm thường thức khuya. Khoa học đã chứng minh, ngủ ngày quá nhiều còn làm chậm quá trình phát triển chiều cao, ảnh hưởng tới sức tập trung, trí nhớ, sự sáng tạo cũng như kỹ năng vận động.

Cha mẹ nên tập cho bé thói quen ngủ và tỉnh có giờ giấc, ban ngày không ngủ quá 4 tiếng.

Thời gian ngủ bao nhiêu thì đủ?

Mỗi lứa tuổi, thời gian ngủ khác nhau. Trẻ càng nhỏ, thời gian ngủ càng nhiều.

- Trẻ sơ sinh: Ngủ 16 - 18h/ngày, trừ những lúc thức để ăn, còn lại là trẻ ngủ.

- Trẻ 2 - 12 tháng cần ngủ 14 -16h/ngày.

- Trẻ 13 - 36 tháng cần ngủ 12 - 14h/ngày.

- Trẻ từ 3 - 5 tuổi cần ngủ 10 - 12h/ngày.

- Từ 6 tuổi - 10 tuổi cần ngủ 10 - 11h/ngày.

- Từ 10 tuổi trở lên ngủ bằng người lớn 8h/ngày.

Ngoài thời gian ngủ, trẻ còn phải đi ngủ đúng giờ, nhất là vào buổi tối, không nên cho trẻ ngủ quá muộn. Tất cả trẻ dưới 6 tuổi không nên đi ngủ sau 9h tối. Ngủ quá muộn, hôm sau lại dậy muộn sẽ ảnh hưởng đến bữa ăn sáng. Trẻ nhỏ thì không có thời gian tắm nắng nên dễ bị còi xương, trẻ lớn thì muộn học. Bữa sáng không đầy đủ cũng là một nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ.

Mẹo ru con ngủ "lăn quay" chỉ trong vòng 42 giây

Nếu các mẹ đang đau đầu về việc ru con mãi không chịu ngủ hãy tham khảo ngay mẹo nhỏ dưới đây nhé!

TIN MỚI NHẤT