Con gái hay bị ngất vì hạ đường huyết, phải làm sao?

Chăm sóc con 15/06/2018 13:33

Con gái tôi năm nay 12 tuổi, đang độ dậy thì. Gần đây cháu hay bị hạ đường huyết, ngất vài lần ở trường, bác sĩ vui lòng chỉ cách khắc phục.

Bạn đọc Hoàng Hải Anh (nữ, 45 tuổi, quận 4, TP HCM), hỏi: Lần đầu tôi nghe trường báo cháu bị ngất khi đi học là 2 năm trước, sau đó xảy ra vài lần nữa. Ban đầu cả tôi và thầy cô đều nghĩ là nguyên nhân tâm lý, vì thời tôi còn trẻ bọn con gái cũng dễ "cà hước" gây ngất. Tuy nhiên, trong một lần cháu mệt quá, đưa xuống phòng y tế thì phát hiện bị hạ đường huyết. Tôi khá hoang mang vì về mặt dinh dưỡng trong bữa cơm gia đình tôi luôn chú trọng. Con gái tuổi thiếu nữ hơi kén ăn nên tôi luôn cố tìm món bổ để bù lại, nhưng tình hình không khá hơn. Bác sĩ vui lòng hướng dẫn tôi cách cải thiện, vì như vậy tôi chẳng bao giờ dám cho cháu đi xa, ngay cả các chuyến do trường tổ chức. Cháu hơi gầy, học lớp chuyên nên học hơi nhiều, không biết có phải là nguyên nhân?

Con gái hay bị ngất vì hạ đường huyết, phải làm sao? - Ảnh 1

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), trả lời:

Chào chị, như chị nói cháu khá kén ăn, hơi gầy, vậy chị nên xem lại con gái chị có tự ý bỏ bữa sáng hay không? Cho dù cháu được ăn đầy đủ vào buổi trưa, buổi tối nhưng nhịn ăn sáng thì vẫn dễ bị hạ đường huyết, vì thức ăn buổi tối đã tiêu hết từ lâu mà cháu phải đi học, một việc tốn khá nhiều năng lượng.

Stress, thức khuya do học nhiều cũng là nguyên nhân. Con gái chị đang vào tuổi dậy thì, cơ thể cần ăn, ngủ, vận động, sinh hoạt điều độ để phát triển tốt về thể chất, tâm sinh lý. Chị nhất thiết nên giúp cháu điều chỉnh lại việc học, không để quá sức, vì điều này có thể gây tác hại lâu dài ở nhiều mặt, không chỉ là chứng hạ đường huyết.

Ngoài ra, một số bệnh lý không được điều trị cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết thường xuyên. Ví dụ như bệnh gan làm sự chuyển hóa gluco bị kém, bệnh tim mạch, viêm tụy, u tuyến tụy làm tăng tiết insulin quá mức…

Vì vậy, điều đầu tiên là chị hãy thử điều chỉnh các vấn đề về lối sống: cho cháu ăn sáng đầy đủ, giàu dinh dưỡng và cố đạt được cân nặng khỏe mạnh; giảm stress trong học hành, tăng cường thư giãn, hoạt động vui chơi, thể dục thể thao…

Nếu điều đó không giúp cải thiện tình hình, chị nên đưa cháu đến bệnh viện để kiểm tra các bệnh lý về tim, gan, tụy… mà tôi đã nói ở trên.

Bác sĩ Nhi giải đáp: Mẹ có nên nêm muối vào thức ăn dặm của trẻ?

Nên hay không nên nêm muối vào thức ăn dặm của con là thắc mắc của rất nhiều bà mẹ. Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết mẹ cần tập cho trẻ thói quen ăn nhạt ngay từ đầu để giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.

TIN MỚI NHẤT