Các mẹ lại thi nhau "bắt bệnh" cho con qua màu nước mũi, chuyên gia cảnh báo "Đừng tự phong mình là bác sĩ!"

Chăm sóc con 28/06/2018 07:00

Chỉ cần nhìn màu nước mũi biết ngay bệnh của con, không cần phải đi bác sĩ là mẹo hot trên mạng xã hội được nhiều bà mẹ chia sẻ.

Màu nước mũi "tố" bệnh của trẻ

Gần đây, trên mạng xã hội Facebook nhiều bà mẹ đã "phát sốt" với bí quyết nhìn màu nước mũi của con để chẩn đoán con đang mắc bệnh gì, từ đó có cách điều trị hợp lý.

Trên trang Facebook B.B chia sẻ "mẹo" cho các mẹ đang nuôi con nhỏ cách nhìn màu nước mũi có thể biết được con đang mắc các bệnh như viêm mũi họng, nhiễm lạnh, mũi nhiễm nấm, mũi tổn thương, viêm xoang… Theo đó, cách nhìn màu nước mũi chẩn đoán sức khỏe của trẻ được hướng dẫn như sau:

Các mẹ lại thi nhau 'bắt bệnh' cho con qua màu nước mũi, chuyên gia cảnh báo 'Đừng tự phong mình là bác sĩ!' - Ảnh 1
Các mẹ đang lan truyền nhau cách nhìn màu nước mũi đoán bệnh của con (Ảnh minh họa).

- Nước mũi màu trắng (trắng đục, trắng sữa) - Trẻ bị cảm lạnh.

- Nước mũi màu vàng - Trẻ đang bị cảm lạnh kèm nhiễm virus. Chất nhầy màu vàng được tạo ra là do các tế bào hồng cầu chống lại virus xâm nhập vào cơ thể.

- Nước mũi màu trong, loãng - Trẻ khỏe mạnh.

Nếu nước mũi của bé trong và loãng thì hiện tại bé hoàn toàn khỏe mạnh. Loại chất nhầy này giúp bé loại bỏ chất ô nhiễm và bụi bẩn. Nó chứa các protein và kháng thể chống lại virus và vi khuẩn có thể xâm nhập vào lỗ mũi của bé

- Nước mũi màu xanh lá cây - Nhiễm trùng.

Bất kể khi nào nước mũi chuyển màu, điều đó có nghĩa là cơ thể đang bị nhiễm trùng. Thời gian nước mũi chuyển màu giúp xác định loại nhiễm trùng. Nếu triệu chứng sổ mũi chỉ diễn ra trong vòng 10 ngày đầu, mẹ không cần quá lo lắng vì nó là nhiễm trùng do virus. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày, hãy đến bác sĩ vì nó có thể là nhiễm trùng do vi khuẩn.

- Nước mũi trong hơi dính - Trẻ bị viêm mũi dị ứng.

Loại chất nhầy này được cho là dấu hiệu của một chứng dị ứng mãn tính. Nó làm tắc nghẽn mũi và mũi của bé thậm chí có thể có sưng lên. 

- Nước mũi hồng - Mũi bị tổn thương.

Nước mũi có màu hồng hoặc đỏ thì đó không phải là một dấu hiệu tốt. Nó có nghĩa là bé đã bị thương (ví dụ như mũi bị gãy) hoặc viêm mũi đã bị xói mòn qua màng nhầy và thành mạch máu. Máu kết hợp cũng nước mũi sẽ dẫn đến tình trạng nước mũi của bé có màu hồng.

Các mẹ lại thi nhau 'bắt bệnh' cho con qua màu nước mũi, chuyên gia cảnh báo 'Đừng tự phong mình là bác sĩ!' - Ảnh 2
Một kinh nghiệm được các mẹ mách nhau là: "Bất kể khi nào nước mũi chuyển màu, điều đó có nghĩa là cơ thể đang bị nhiễm trùng" (Ảnh minh họa).

- Nước mũi màu nâu, khô - Máu khô, chất bẩn.

Nước mũi màu nâu là do máu khô còn sót lại trong mũi của bé hoặc do bé đã hít phải nhiều chất bẩn. 

- Nước mũi màu đen, xám - Trẻ bị nhiễm nấm.

- Nước mũi dính, có mùi, chuyển màu - Trẻ bị viêm xoang.

Cũng theo kinh nghiệm các mẹ "truyền tai nhau", sau khi biết rõ nguyên nhân gây bệnh thông qua màu nước mũi, mẹ sẽ có cách xử lý và chữa trị kịp thời tại nhà mà không gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Nhìn màu nước mũi không thể kết luận được nguyên nhân của bệnh lý

Trao đổi với Ths. Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, trong Đông y, nhìn màu sắc của nước mũi là một trong những cách để đánh giá tình trạng bệnh chứ không thể kết luận được bệnh. Để biết được trẻ mắc bệnh gì cần phải thực hiện tứ chẩn (là bốn phương pháp để thầy thuốc thăm khám bệnh) gồm có Vọng (nhìn), Văn (nghe), Vấn (hỏi), Thiết (sờ hay bắt mạch).

Với y học hiện đại cũng sẽ sử dụng các phương pháp lâm sàng tương tự Đông y như: hỏi, nhìn, sờ, gõ, nghe và cận lâm sàng như sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán mô học tế bào, chẩn đoán sinh học phân tử…

"Việc quan sát bằng mắt thường, nhìn nước mũi của trẻ chỉ biết được triệu chứng chứ không thể biết được nguyên nhân gây ra bệnh và hướng điều trị và dùng thuốc như thế nào", Ths. Lương y Quốc Trung nói.

Các mẹ lại thi nhau 'bắt bệnh' cho con qua màu nước mũi, chuyên gia cảnh báo 'Đừng tự phong mình là bác sĩ!' - Ảnh 3
Với trẻ nhỏ, để không bị sổ mũi, cần tránh cho trẻ ra ngoài nắng hoặc những nơi nhiều gió. (Ảnh minh họa).

Trong Đông y nước mũi của trẻ màu trắng là do lạnh (hàn); nếu nước mũi trong loãng màu hồng, vàng là do nhiệt; còn khô đặc do táo (không khí bị khô); màu xanh đàm thấp (không khí ẩm gây lên).

Lương y Vũ Quốc Trung cho hay: "Trẻ bị sổ mũi là do đường hô hấp bị tổn thương, nguyên nhân do ngoại cảm không khí bên ngoài (phong, hàn, thử, thấp - gió, lạnh, nắng, độ ẩm) gây ra. Và nguyên nhân bên trong là do vi rút, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây ra tổn thương cho hệ thống hô hấp".

Theo khuyến cáo của Lương y Vũ Quốc Trung, trong những ngày nắng nóng, trẻ bị sổ mũi thường do bị phong nhiệt (nắng và gió). Do ngưỡng chịu đựng của trẻ nhỏ rất kém, vì vậy gió nhiều và nóng quá mức chịu đựng sẽ gây bệnh. Với trẻ nhỏ, để tránh sổ mũi cần tránh cho trẻ ra ngoài nắng hoặc những nơi quá gió. Ví dụ không nên nằm ở cửa sổ gió lùa, nằm thẳng điều hòa để nhiệt độ và gió quá lạnh... sẽ gây ra sổ mũi, ngạt mũi.

Để tránh những biến chứng không đáng có cho trẻ, chuyên gia Vũ Quốc Trung khuyến cáo không nên chỉ nhìn màu nước mũi của con để phỏng đoán rồi kê đơn sẽ rất nguy hiểm. Khi trẻ có những thay đổi về bệnh lý chảy mũi, màu sắc bất thường kèm sốt cần phải đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa nhi để tìm ra nguyên nhân chính xác.

"Quan sát nước mũi chỉ là một trong những phương pháp để tìm ra bệnh, cần phải kết hợp với nhiều phương pháp để đi đến một kết luận chính xác. Để đưa ra kết luận thì phải dựa vào kết quả xét nghiệm, khám lâm sàng, không chỉ nhìn để kết luận được. Các bà mẹ chớ tin theo nhũng mẹo này rồi tự phong mình là bác sĩ điều trị bệnh cho con sẽ dễ khiến trẻ gặp nguy hiểm", Lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh.

 

5 thực phẩm bổ dưỡng mẹ nên ăn giúp cân nặng trẻ sơ sinh tăng đều từng tháng

Cân nặng trẻ sơ sinh sẽ tăng 'vượt chuẩn' nếu mẹ thường xuyên ăn những thực phẩm này.

TIN MỚI NHẤT