Bé trai 9 tuổi mắc đái tháo đường, nguyên nhân vì mẹ nuông chiều trong ăn uống

Chăm sóc con 23/07/2019 05:00

Hiện nay, tình trạng trẻ em mắc đái tháo đường typ 2 có xu hướng gia tăng. Đái tháo đường ở trẻ em rất khó khống chế do trẻ vẫn cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để phát triển.

Con mắc bệnh vì bố mẹ nuông chiều trong ăn uống

Theo nhận định của các chuyên gia đầu ngành về đái tháo đường, hiện nay dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng số trẻ bị mắc đái tháo đường cả ở type 1 và type 2 đang có xu hướng gia tăng.

PGS Tạ Văn Bình-Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đái tháo đường Việt Nam cho biết, qua quá trình khám chữa bệnh ông đã gặp những trẻ mới 9 tuổi đã mắc đái tháo đường type 2. “Đây là trường hợp trẻ tuổi nhất mà tôi từng gặp và đang điều trị”, PGS Bình nói.

Bé trai 9 tuổi mắc đái tháo đường, nguyên nhân vì mẹ nuông chiều trong ăn uống - Ảnh 1

Theo chia sẻ của PGS Bình, trường hợp này là một bé trai mới 9 tuổi, ở Hà Nội. Từ khi sinh ra bé trai này đã được bố mẹ nuông chiều nhất là trong vấn đề ăn uống, sinh hoạt. Bất cứ khi trẻ thích ăn đồ gì là bố mẹ chiều theo thứ đó, do đặc tính của trẻ nên đa số loại đồ ăn, thức uống ưa thích của bé trai này là bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhanh...

Mẹ cháu bé chia sẻ với bác sĩ rằng, khi được 2 tuổi con chị đã được 20kg và cân nặng thì tăng lên theo từng năm. Đến thời điểm phát hiện ra bệnh (9 tuổi) thì cân nặng đã gần 100kg. Về sinh hoạt hàng ngày cháu rất ít vận động, chỉ ở nhà với bà và mỗi khi học bài cháu đều có đủ các loại đồ ăn bên cạnh.

Thời gian gần đây, khi thấy con có dấu hiệu mệt mỏi, người đuối sức... gia đình mới đưa con đi khám. Trực tiếp khám cho bé trai này, PGS Bình cho biết thời điểm tiếp nhận trẻ và cho thử đường huyết (lúc đói) lên tới 15 mmol/l. Ngay sau đó cháu bé được chẩn đoán mắc tiểu đường type 2 và thực hiện chế độ ăn kiêng, giảm cân, kết hợp với tập luyện thể dục thể thao.

Bé trai 9 tuổi mắc đái tháo đường, nguyên nhân vì mẹ nuông chiều trong ăn uống - Ảnh 2

Theo PGS Bình, suốt quá trình điều trị, trẻ phải được theo dõi đường huyết hàng ngày. Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân. Sau mấy năm điều trị và theo dõi, hiện trẻ đã không phải tiêm insulin hỗ trợ. Việc điều trị và theo dõi biến chứng cho bé sẽ phải kéo dài suốt đời.

Từ trường hợp bệnh nhi trên, PGS Bình cảnh báo một vấn đề đang rất đáng báo động chính là việc nuôi con theo sở thích của trẻ và tâm lý sợ con còi hơn các bạn cùng trang lứa nên tập trung “vỗ béo” bằng mọi giá, từ đó dẫn đến hệ lụy khủng khiếp đến sức khỏe.

Làm gì khi trẻ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường?

– Lập cho trẻ một kế hoạch tập luyện để trẻ giảm cân khi trẻ bị béo phì.

– Thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu để bảo đảm glucose máu luôn ổn định. Nhằm giúp cho trẻ tránh được bệnh đái tháo đường và có một cuộc sống khoẻ mạnh.

– Trong giai đoạn trẻ đang phát triển cơ thể trẻ cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để cho trẻ tăng trưởng và phát triển. Vì vậy, cần phải có một chế độ dinh dưỡng phù hợp theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

– Nên cho trẻ ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều chất vitamin, chất sắt, acid folic.

– Không nên cho trẻ ăn những thực phẩm quá mặn, không để trẻ sử dụng nhiều đồ ăn đông lạnh, không cho trẻ em dùng những thức ăn có chứa chất màu tổng hợp và đặc biệt không để trẻ dùng thức uống của người lớn và ăn quá thừa chất dinh dưỡng. Vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Bé trai 9 tuổi mắc đái tháo đường, nguyên nhân vì mẹ nuông chiều trong ăn uống - Ảnh 3

Ăn cân bằng, vận động hợp lý

Để hạn chế tốt nhất bệnh đái tháo đường là áp dụng một chế độ ăn lành mạnh, khoa học, giàu chất xơ và tăng cường vận động cho trẻ. Trẻ mắc đái tháo đường nên hạn chế bánh kẹo, sô – cô – la, nước cốt dừa, đặc biệt, không nên dùng nước ngọt có gas. Các bậc cha mẹ nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày vì nếu ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao. Đồng thời, nên thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu của trẻ để có giải pháp thích hợp.

Bên cạnh đó, chế độ vận động luyện tập thể dục thể thao đóng một vai trò quan trọng. Trẻ giảm được cân cũng có nghĩa là đã giảm được lượng đường trong máu.

Hiện nay, trên thị trường đã có rất nhiều sản phẩm sử dụng những loại đường thay thế rất tốt cho người đái tháo đường nên trẻ đái tháo đường cũng không cần thiết phải kiêng đường hoàn toàn. Ngoài ra, nếu trẻ đái tháo đường buộc phải theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, trẻ có khả năng bị thiếu một số chất dinh dưỡng. Với những trường hợp này, nên cho trẻ sử dụng các thực phẩm bổ sung có nhiều chất xơ và vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là những sản phẩm dành cho người thừa cân, béo phì và phải dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

5 thói quen không tốt sau bữa ăn nhiều mẹ bầu mắc phải, tránh ngay nếu không muốn hại con yêu trong bụng

Bà bầu thường làm những việc này sau bữa ăn nhưng không biết điều đó là có hại cho cả mẹ và con. Hãy tránh ngay nhé!

TIN MỚI NHẤT