Học cách “cãi nhau” không hủy diệt hôn nhân

Yêu - Hôn nhân 21/04/2016 15:27

Mọi người trong các cuộc hôn nhân đều cãi nhau, đây không phải là câu nói vui mà gần đúng 100% sự thật.

Mọi người trong các cuộc hôn nhân đều cãi nhau, đây không phải là câu nói vui mà gần đúng 100% sự thật. Có rất nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ với nguyên nhân là: khắc khẩu, chỉ toàn cãi vã. Thật ra, mỗi người là một cá tính cụ thể không ai giống ai, sự chung sống đòi hỏi sự đồng thuận, và cãi vã là không thể tránh khỏi. Nhưng người ta cũng đã tìm ra những phương pháp cãi nhau “đẹp”, công bằng và không hủy diệt cuộc hôn nhân của bạn. Những nghiên cứu tâm lý này có thể khác biệt, ví dụ bạn từng nghe nói, phải dẹp hết cơn tức giận trước khi đi ngủ, nhưng sự thật là có những cơn cãi vã không chỉ dừng lại ngay sau vài tiếng. Vậy làm sao mới đúng?

Học cách “cãi nhau” không hủy diệt hôn nhân - Ảnh 1
Hãy lắng nghe và chờ bạn đời nói hết, đừng tranh giành phần nói khi đang cãi nhau

Đi ngủ trong khi giận dữ

Tức là bạn không cần ép mình phải hết giận bạn đời của mình trước khi đi ngủ, làm sao có thể chứ? Nhưng, hãy cho cơn tức giận “tạm nghỉ” trong lúc bạn ngủ, ngày mai dậy ‘bật” nó lại. Thật ra, giấc ngủ sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng, bình tĩnh, và sáng mai khi thức dậy, có thể bạn sẽ thấy điều khiến mình tức giận ngày hôm qua thật nhỏ bé và không đáng.

Nghỉ giải lao

Hãy dừng lại khi thấy cả hai có vẻ căng thẳng, cho rằng mình “tạm nghỉ” thôi. Nhưng nhớ thông báo với bạn đời chứ đừng quay lưng bước đi không nói gì, rất nhiều người cho biết hành động quay lưng đi không nói gì mới chính là châm ngòi cho một trận chiến mới vì họ cảm thấy người kia có vẻ khinh thường mình. Hãy nói là “Anh/em cần giữ bình tĩnh một chút, anh/em sẽ quay lại sau”. Rồi đi sang hẳn một căn phòng khác, hoặc tốt nhất là ra ngoài trời với không khí trong lành, hít thở sâu. Sự thư giãn sẽ khiến bạn trở nên bình tĩnh hơn.

Bao giờ mình cũng là một phần lỗi

Hãy thừa nhận đi, cãi vã không bao giờ có nếu chỉ có một người, cho dù bạn không nói nhiều, nhưng nếu bạn thể hiện ra bằng cử chỉ, nó cũng “nói” lên rất nhiều điều so với khi bạn dùng ngôn từ. Liệu bạn có khoanh tay đứng phòng thủ, mặt khinh khỉnh, bĩu môi coi thường sau mỗi câu nói của bạn đời, hoặc tỏ thái độ không thèm quan tâm, tập trung làm việc của mình khi bạn đời đang cần bạn hồi đáp. Do vậy, hãy thừa nhận mình là một phần lỗi của cãi vã, còn lỗi khác tính sau.

Hài hước để làm nhẹ cuộc cãi vã, hóa giải

Nếu bên kia đang rất căng thẳng, một bên nên nhẹ nhàng, đúng như kiểu “cơm sôi bớt lửa”. Sự hài hước, thậm chí hơi vô duyên cũng được, miễn sao bạn phân tán sự chú ý của bạn đời không tập trung vào chủ đề cãi vã chính. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu cả hai cùng quá nghiêm túc thì cãi vã còn khủng khiếp hơn nhiều, đó lý lý do vì sao những người trí thức và giỏi ngôn từ lại trở nên “thảm họa” vì những cuộc cãi vã trong hôn nhân, vì ai cũng quá lạm dụng ngôn từ của mình.

Ngưng nói và chạm

Thường một trong hai người sẽ hạ hỏa được người kia nếu ngừng nói và thay vào đó là nắm tay, ôm qua vai. Hành động âu yếm ngay cả khi tức giận có thể hóa giải. Có thể ban đầu người kia còn vùng vẫy đẩy ra vì đang trong cơn tức, nhưng nếu bạn dẹp được tự ái, không nói nhiều, chỉ cần ánh mắt trìu mến và hiền từ, đó là một cách để cuộc chiến không bị đẩy lên cao nữa.

Loại bỏ từ “nhưng”

Các nhà tâm lý cho rằng từ “nhưng” thường hay được người ta sử dụng như một cách phản đối lại ý kiến của người còn lại. Và mỗi lần từ “nhưng” được thốt ra, lại là một lần thêm dầu vào lửa. Cách tốt nhất là bạn hãy lắng nghe bên kia nói, có thể gật đầu tiếp thu hoặc nói rằng “Anh/em vẫn đang nghe em nói đây”, như một cách ghi nhận ý kiến, rồi ý kiến của chính mình sẽ được nói sau. Như vậy là đảm bảo bạn có đủ sự tôn trọng đối với nửa còn lại của mình.

Chỉ “cãi” đúng chủ đề đang tranh cãi

Có thể cơn tức giận sẽ khiến bạn bốc hỏa, bao nhiêu sự khó chịu như được dồn đến. Bạn có thấy điệp khúc này quen thuộc không? Hai vợ chồng đang tranh cãi về việc dạy con học, đột ngột người chồng bảo “Dạo này tôi thấy cô điệu đà quá mức cần thiết đấy, có đang léng phéng với thằng nào à?”. Đừng “tranh thủ” tình hình căng thẳng để trút những nỗi ấm ức hay bực dọc khác vào.

Có rất nhiều cuộc cãi vã mà cuối cùng, ngọn lửa bùng lên là do chúng ta tập trung vào những cái nhỏ nhặt ngoài lề cuộc cãi vã. Hãy chỉ nói quanh chủ đề cãi vã. Đừng kết luận bản chất con người mà chỉ tập trung vào vấn đề cần giải quyết.

Dù thế nào cũng không cãi vã ở nơi công cộng

Không những làm người khác thấy hình ảnh xấu về mình, bị bạn đời thể hiện sự không tôn trọng ở nơi công cộng sẽ là ấn tượng vô cùng xấu đối với bất kì ai và dấu ấn xấu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hôn nhân của bạn.

Không lôi tất tần tật lỗi trong quá khứ ra nói

Con người rất “hay”, họ thường nhớ kỹ lỗi lầm của đối phương và sẽ không bỏ sót chi tiết nào trong các cuộc cãi vã. Phụ nữ là người rất hay mắc lỗi này. Hãy ghi nhớ, chỉ tranh luận về vấn đề đang gặp phải hôm nay, không lôi hết các vấn đề trong quá khứ ra, cho dù vấn đề đang tranh cãi hôm nay không phải là mới.

Đơn giản đi và làm nhẹ ra

Xu hướng nghiêm trọng hóa vấn đề sẽ làm cho một vấn đề nho nhỏ cũng trở thành vĩ đại. Nhớ rằng, mọi chuyện trên đời rồi thế nào cũng hoàn thành, chỉ là sớm hay muộn, khác biệt nhiều hay ít so với mong muốn. Chỉ cần làm cho nó đơn giản hơn và nhẹ đi, sẽ hạn chế được cãi vã và làm to chuyện không cần thiết.

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT