Tết quê miền sông nước

Xã hội 27/01/2017 17:23

Nhớ nồi bánh tét bên bếp than hồng đêm 30 mẹ nấu. Nhớ tiếng chày đêm quết bánh phồng rộn rã cả xóm nghèo. Nhớ cả tiếng í ới gọi nhau của trẻ nhỏ. Nghe nhà ông Tư Lý ở xóm Cầu Gãy (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) sắp xả thịt heo ăn Tết, Dũng rình xin cái bong bóng làm banh (bóng) đá. Những nét xưa truyền thống của Tết quê Nam Bộ ấy, giờ chỉ còn trong ký ức...

1. Hồi đó, không khí Tết ở quê Nam Bộ về rất sớm. Rằm tháng Chạp (15-12 âm lịch) hằng năm, dù bận bịu cỡ nào cũng phải tranh thủ lặt lá mai vàng. Loài hoa có cái tên mang lại may mắn với sắc vàng rực rỡ ấy chỉ nở đúng giao thừa, nếu được hái trụi lá và “cai” nước nửa tháng. Lúc này, mùa lúa đông xuân ngoài đồng cũng sắp thu hoạch rộ.

Tết quê miền sông nước - Ảnh 1
Gói bánh tét trong dịp Tết cổ truyền ở ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Trinh.

Từng đàn chim én lũ lượt kéo về, chao nghiêng bay lượn, báo hiệu thêm một cái Tết cận kề. Nhà nào xong chuyện mùa màng, độ hai mươi tháng Chạp là đi tảo mộ ông bà. Chiều 23 tháng Chạp, nhà nào cũng bày biện để kịp đưa ông táo về trời. Từ nhỏ tới năm mười tám tuổi, Dũng chưa xa nhà dù một lần.

Năm ấy, Dũng đậu vào đại học, rồi biền biệt xa quê, làm việc ở xứ người tới tận bây giờ, ngót đã mười lăm năm. Cứ quẩn quanh với “cơm, áo, gạo, tiền”, Dũng rất ít có dịp về thăm quê, thăm ba má. Dũng lật đật chở con chạy về quê khi nghe ba ngã bệnh. Con trai của Dũng đã biết nói bi bô, làm trò cho ông cười tít mắt. Rồi ba Dũng đi xa... Chỉ còn bà mẹ sớm hôm, ngày ngày trông ngóng sắp nhỏ lấy chồng, vợ ở xa về quây quần bên mâm cơm mấy ngày Tết.

Quây quần cùng chuẩn bị mâm cơm cúng đón ông bà, Dũng hỏi má chuyện Tết quê xưa, má kể rành một mạch mà nước mắt rưng rưng. Bao nhiêu ký ức chợt ùa về. Má kể, thuở ấy, xóm nghèo toàn nhà tre, vách lá. Vậy mà, chuyện lễ Tết hỏng (không) thể qua loa. Một năm lao động vất vả, chỉ có ba ngày Tết hạnh phúc sum vầy, thắp thêm hy vọng năm sau mần (làm) ăn khấm khá. Cứ độ hai mươi bốn tháng Chạp, nhà nào cũng quết bánh phồng. Gà vừa gáy canh ba, những nồi xôi nếp đã sôi ùn ụt.

Tiếng chày bắt đầu gõ nhịp đều đều. Nhà nào khá giả thì có chiếc đèn Măng-xông treo trước cửa; không thì đốt đèn ống khói dầu. Năm bảy nhà hùn lại, quết chung một mẻ bột, rồi mần vần công lại cho nhau. Cánh đàn ông khoẻ mạnh thì dùa bột, quết chày. Còn đàn bà, con gái khéo tay ngắt bột, cán bánh rồi chất lên liếp tre đem phơi. Bánh khô đem bó lại thành một chục mười, chia đều cho từng nhà trong xóm.

Má Dũng nói: “Cái bánh phồng coi vậy mà ý nghĩa lắm nghen bây. Đầu năm nướng bánh phồng cúng trên bàn thờ tổ tiên ông bà là mong cho chuyện mần ăn được nở nồi trong năm mới”. 

2. Hừng đông, ông Tư Lý đi thông báo giáp xóm Cầu Gãy, bỉu (nói, bảo) chút xíu lại nhà ông phụ một tay rồi xách thịt heo về kho cho tụi nhỏ nồi kho rệu. Ông Tư Lý ra đầu xóm, kêu thằng Bul lại nhà chọc tiết. Cái lệ ở quê cũng ngộ, gần như mọi thứ đã trở thành “luật bất thành văn”, rành mạch. 

Mỗi lần ra tay “sát thủ” một con heo cho nhà nào trong xóm, Bul hỏng lấy tiền công mà chỉ xin mỗi thứ một ít của bộ đồ lòng để nấu nồi cháo đặc biệt, cùng với bà con có mặt hôm đó nhâm nhi... Còn hàng xóm tới phụ một tay cho xôm tụ, rồi chia mỗi người một hai ký thịt mang về.

Tết quê miền sông nước - Ảnh 2
Nướng bánh phồng. Bánh phồng có ý nghĩa mang tới hy vọng cho chuyện mần ăn nở nồi trong năm mới.

Giá cả không thành vấn đề, bởi đâu ai trả bằng tiền mặt. “Mần heo, đổi lúa, mà bây!”, ông Tư Lý cười trơ hàng “tiền đạo” trống hoác giải thích. Một ký thịt heo đùi, nạc tương đương một giạ lúa, tới mùa. Còn mỡ, hay ba rọi, nọng, nách thì chừng nửa giạ ăn lên. Dẫu vậy, chẳng ai phàn nàn chuyện mắc rẻ. Cắt chia thịt heo xong, Tư Lý nhắc: “Tết năm tới là tới lượt nhà anh Sáu mần heo héng?!”.

Nhà nào muốn mần heo ăn Tết thì phải tính toán ngay từ sau Tết Đoan Ngọ mấy tuần. Từ bắt heo con về nuôi bằng cám, rau muống sắt nhuyễn nấu với tấm cho ăn mỗi ngày. Ròng rã năm bảy tháng trời con heo “đi bộ”  ới vô tạ (đủ trăm kg) nên thịt ngon đáo để. Buổi sáng mần heo thì chiều hôm trước phải bỏ đói cho sạch ruột, mới có bộ đồ lòng ngon. Mà vui nhứt (nhất) phải kể là tụi nhỏ trong xóm, trong đó có Dũng vì sắp có cái để chơi.

Dũng cùng mấy bạn í ới gọi nhau, chờ nhà ông Tư Lý mần heo, xin cho được cái bong bóng heo bơm lên làm banh đá. Thím Tư kê vo gạo, bỏ vô nồi nấu cháo lòng. Khi thịt ra xong, mớ đồ lòng mần sạch mà Bul đem lại, cho vô nồi. Khi nồi cháo chín, thêm tiêu, hành lá vào thơm lừng, bốc khói, một chiếc bàn tròn được bày ra giữa sân.

Những chén cháo thắm đượm tình làng nghĩa xóm húp vô tới đâu nghe ấm dạ, ấm lòng tới đó. Ly rượu đế rót tràn trề, cụng ly cái rốp, bỉu vô trăm phần trăm. Tiệc cháo tan, hàng xóm ra về mỗi người trên tay với ký thịt heo làm nồi kho rệu sẵn sàng rộng cửa đón láng giềng, khách khứa trong ba ngày Tết…

Những nét truyền thống của Tết quê xưa Nam Bộ giờ chỉ còn trong ký ức, Dũng và thế hệ chúng tôi mãi đi tìm…

Xôm tụ chợ quê ngày cận Tết

Cô Hai xứ cù lao tròn thuộc một huyện nghèo ở Vĩnh Long lấy chồng tận miền Trung, ngót nghét đã gần 5 năm. Năm nào cô cũng ăn Tết ở quê chồng, bởi đường xa khó lòng về thăm nhà. Cái ngày đưa ông Táo về trời, cô bùi ngùi bảo với chồng: “Ước chi Tết năm nay được về thăm ông bà ngoại của cu Tý với mấy đứa em. Ông bà cứ gọi hỏi năm nay hai vợ chồng và cu Tý có về hông?”. 

Vừa nói xong, ánh mắt cô rưng rưng. Bao nhiêu kỉ niệm thời tuổi thơ ùa về. Hồi ấy, gia đình cô Hai nghèo lắm, ba má tối ngày lênh đênh trên chiếc ghe buôn bán ở chợ nổi. Cô Hai và các em được gởi lên bờ sống với ngoại để đi học. Trước nhà ngoại có cây dừa và ao cá.

Sau ngày đưa ông Táo về trời, ngoại lựa những trái ít nước hái xuống rồi bổ dừa, nạo lấy cái. Ngoại chăm chút gọt thành từng lát mỏng ngâm đem trong nước ấm, rửa lại nhiều lần mới vớt ra để ráo trộn với đường cát mịn. “Cái dừa làm mứt ngon là đừng quá già, cũng không quá mỏng”, ngoại bảo. Mấy chị em cô Hai theo dõi, có đứa thèm nhỏ dãi hỏi: “Ngoại ơi, bao giờ mứt chín?”. 

Bếp đã có củi lửa, bà kêu thằng Ba lấy cái chảo lớn đổ dừa vào xào liền tay. Mồ hôi nhễ nhại, tụi nhỏ xúm lại, xuýt xoa. Món mứt dừa ngày Tết vừa xong, chị em cô Hai lén bốc ăn vụng. Có đứa “tiện tay” bốc luôn một nắm nhét vào túi để dành.

Gần Tết, ba cô Hai vẫn đi các chợ đầu mối lấy hàng bán lại cho bạn hàng trên các chợ nổi. Còn mẹ cô, từ khoảng 25 Tết đã lên chợ quê, xin Ban quản lý chỗ bày bán trái cây. Mấy chị em cô Hai được nghỉ học, ra chợ phụ má. Nào là trái cây, bông hoa, đồ bổi (tiếng lóng, gồm: dưa leo, bắp cải, cà rốt…), quần áo, giày dép… Chợ Tết ở quê xôm tụ. Từ sáng sớm đã tấp nập người cho đến trước giao thừa. Nghĩ đến đây, cô Hai thấy chạnh lòng.

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT