Người phụ nữ vi phạm luật giao thông chửi bới, thóa mạ chiến sĩ CSGT có thể bị xử lý hình sự?

Xã hội 18/07/2017 11:23

Về vụ việc người phụ nữ vi phạm thóa mạ CSGT, tuỳ theo nguyên nhân và điều kiện cụ thể mà có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường về mặt dân sự hoặc thậm chí có thể bị xử lý về mặt hình sự về các tội như cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ hoặc tội làm nhục người khác.

Vụ việc người phụ nữ lái ô tô vi phạm luật giao thông có hành vi thoá mạ, chửi bới một CSGT vừa qua đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân từ đâu mà người phụ nữ có hành vi không đúng mực đối với CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường. 

Ở góc độ vi phạm luật, luật sư Trần Minh Hùng (Hãng luật Gia Đình, Đoàn LS TP. HCM) cho rằng hành vi của người phụ nữ trên hoàn toàn sai đối với CSGT. Tuy nhiên, theo Luật sư Hùng, có nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan mà dẫn đến ý thức chấp hành luật giao thông của một số người còn hạn chế.

 

Bên cạnh đó có nhiều vụ việc vi phạm luật giao thông trước đây nhưng cách xử lý chưa khách quan cũng tạo bức xúc cho người dân hoặc hình thức chế tài chưa cao đã tạo cho người vi phạm không đủ sức răn đe, coi thường pháp luật.

Luật sư phân tích, căn cứ quy định khoản 1 Điều 13 Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định về việc tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ thì hiệu lệnh dừng phương tiện của CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện, bao gồm bằng tay, gậy chỉ huy giao thông; còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra; đèn tín hiệu, biển báo hiệu, barie hoặc rào chắn.

Khi có một trong các tín hiệu nói trên, người điều khiển xe phải dừng xe theo hiệu lệnh dù mình có hành vi vi phạm hay không. Trong trường hợp không chấp hành thì theo Nghị định 46/2016 đây bị coi là hành vi "không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông", theo điểm a khoản 1 Điều 5.

Tùy theo từng loại phương tiện khác nhau mà mức phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT có thể khác nhau. Cụ thể, theo điểm a khoản 5 Điều 5, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô thì bị phạt tiền từ 1,2 triệu đến 2 triệu đồng. Tước giấy phép lái xe 1-3 tháng. Nếu gây TNGT thì tước giấy phép lái xe 3-5 tháng. Còn theo điểm m khoản 4 Điều 6, đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy, mức phạt tiền sẽ là 300.000-400.000 đồng.

Người phụ nữ vi phạm luật giao thông chửi bới, thóa mạ chiến sĩ CSGT có thể bị xử lý hình sự? - Ảnh 1
Người phụ nữ chửi bới chiến sĩ cảnh sát đang làm nhiệm vụ sau khi vi phạm giao thông. Ảnh cắt từ clip.

Nếu không chấp hành mệnh lệnh mà người vi phạm còn tỏ thái độ hành hung cảnh sát giao thông hoặc có những hành vi, lời nói xúc phạm nghiêm trọng đến cảnh sát giao thông thì tùy tính chất hành vi, hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Ở tình huống này tuỳ theo nguyên nhân và điều kiện cụ thể mà có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường về mặt dân sự hoặc thậm chí có thể bị xử lý về mặt hình sự về các tội như cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ hoặc tội làm nhục người khác.

TIN MỚI NHẤT