Hành trình của liệt sĩ trở về sau 33 năm

Xã hội 23/02/2018 13:52

Người thân mong muốn ông Trương Văn Chóng trở về quê hương sinh sống sau 33 năm mọi người nghĩ ông đã chết.

Câu chuyện liệt sĩ Trương Văn Chóng (58 tuổi) trở về nhà mẹ ruột là bà Huỳnh Thị Nía (88 tuổi; ngụ ấp Định Hoà B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) vào rạng sáng mùng 5 Tết vừa qua là rất hy hữu.

Hội ngộ trong nước mắt

Theo lời bà Nía, ông Chóng là con thứ 6 trong gia đình có 10 anh chị em. Ông Chóng nhập ngũ năm 1983, tham gia chiến trường Campuchia, lúc này ông có vợ và 1 đứa con. Năm 1985, đơn vị báo về là ông đã hy sinh. Đến năm 1993, ông Chóng được công nhận liệt sĩ.

Khi phóng viên hỏi tại sao mấy chục năm qua ông không trở về nhà mà đến nay mới tìm về, ông Chóng nói: "Trong một trận đánh năm 1985 ở Campuchia, tôi bị thương rồi lạc vào rừng sâu và kiệt sức. May mắn, tôi được người dân bản xứ đưa về chăm sóc. Thời gian sau đó, trí nhớ của tôi giảm sút nhiều cộng thêm cơn tai biến nên không nhớ gia đình, quê hương ở đâu".

Hành trình của liệt sĩ trở về sau 33 năm - Ảnh 1Ông Trương Văn Chóng
Sau đó, ông Chóng kết hôn với một Việt Kiều tại Campuchia và có 3 con. Khoảng 8 năm nay, ông cùng gia đình về Tây Ninh sinh sống. "Cuộc sống cũng khó khăn lắm, do tay tôi bị thương lúc đi bên Campuchia, cộng thêm bệnh tình nên không lao động nặng được. Hằng ngày, tôi đi lượm mủ cao su, còn mấy đứa con cũng làm thuê kiếm sống" - ông Chóng chia sẻ.

Tuy không nhớ rõ người thân nhưng trong đầu ông Chóng lại nhớ cái tên Trương Văn Cao (anh thứ 4 của ông Chóng) ở Vàm Nhon. Qua dò hỏi nhiều người, ông được biết Vàm Nhon ở TP Cần Thơ nên mùng 4 Tết, ông đem theo xe máy và bắt xe đò về Cần Thơ.  Ông Chóng kể: "Lơ xe thả tôi ở gần cầu Ô Môn, tôi lại hỏi mấy người bên đường thì họ chỉ vào cầu Vàm Nhon. Khi đến Vàm Nhon, tôi gặp 2 mẹ con đang chuẩn bị dọn hàng mới hỏi họ nếu từ Vàm Nhon đi vô nữa là tới đâu thì người mẹ nói là vô tới xã Định Môn. Lúc này, tôi mới nhớ ra xã Định Môn".

Ông Chóng tiếp tục chạy vào xã, gặp ai ông cũng hỏi có biết ông Trương Văn Cao không. May mắn là ông gặp được người quen của gia đình, chỉ đến nhà ông Cao.

Hành trình của liệt sĩ trở về sau 33 năm - Ảnh 2Ông Trương Văn Cao, người duy nhất mà ông Chóng nhớ tên
"Đến trước cửa, tôi gọi lớn tiếng: "Anh Tư Cao ơi!" thì thằng em thứ tám ra nói "ông khùng hay sao mà nửa đêm đến trước cửa nhà kêu la um sùm". Lúc này, tôi mới nói mình tên Chóng, thằng tám không tin, sau đó mở cửa kêu tôi vào nhà. Anh em kế bên qua xem mặt, họ mừng ôm tôi khóc". 

Ông Trương Văn Cao bồi hồi: "Nhà tôi ở kế bên nhà má. Nửa đêm, tôi nghe ai kêu tên mình, tưởng mấy người quen rủ đi nhậu nên không ra mặt. Đến lúc hay tin Chóng về, tôi mới ngỡ ngàng chạy sang".

Tuyệt vọng tìm con

Bà Nía khi hay con trở về đã ngất xỉu vì không tin đó là sự thật. Người mẹ già xúc động: "Lúc thằng Chóng sang Campuchia, tôi có qua kiếm nó. Có một thằng cháu từ Campuchia về, nó dắt tôi lên Châu Đốc (An Giang) đi tàu qua Campuchia. Tôi đi tìm con bên đây 4 ngày nhưng không gặp nên về. Sau đó, nhận được giấy báo tử của con mà khóc hết nước mắt". 

Từ năm 1994 đến nay, bà Nía được nhận tiền chế độ cho người có con là liệt sĩ. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn cất căn nhà tình nghĩa cho người mẹ này.

Hành trình của liệt sĩ trở về sau 33 năm - Ảnh 3Ông Chóng trò chuyện cùng anh em về cuộc sống của mình trong những năm qua
Ông Chóng trở về khiến gia đình hết sức vui mừng. Bà Trương Thị Hồng (50 tuổi, em ruột ông Chóng) mong muốn: "Tôi hy vọng anh Chóng có thể về đây sống sum họp bên gia đình, gần người mẹ già tuổi cao sức yếu". Còn ông Chóng bày tỏ: "Chỉ muốn về quê thăm mẹ, anh chị em. Còn việc có về đây sống luôn hay không thì chưa biết". 

Hành trình của liệt sĩ trở về sau 33 năm - Ảnh 4Ông Chóng ăn bữa cơm cùng người mẹ đã 88 tuổi sau hàng chục năm nghĩ ông đã mất
Ngày 23-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: "Huyện cử Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cùng Huyện Đội Thái Lai xuống gia đình xác minh vụ việc trong ngày 22-2. Người trở về nhà bà Nía trong những ngày qua được báo chí thông tin chính xác là ông Trương Văn Chóng, được công nhận liệt sĩ năm 1993". 

Theo ông Danh, Phòng LĐ-TB-XH huyện Thới Lai đã tham mưu cho UBND huyện làm văn bản gửi Sở LĐ-TB-XH TP Cần Thơ để đơn vị này sẽ kết hợp với Quân khu 9 xác minh một lần nữa. 


Sẽ không thu hồi tiền chi trả chế độ?

Theo ông Danh, việc có thu hồi tiền chế độ có con là liệt sĩ mà bà Nía đã nhận trong 25 năm qua hay không hoặc có làm chế độ thương binh, bệnh binh cho ông Chóng là do thẩm quyền của Sở LĐ-TB-XH TP Cần Thơ. "Riêng cá nhân tôi nghĩ không thu hồi tiền mà bà Nía đã nhận những năm qua do đây là hộ nghèo, ông Chóng bị mất trí nhớ là chuyện khách quan chứ không phải cố tình làm để được hưởng trợ cấp" - ông Danh nói.

Thông tin mới nhất vụ “liệt sĩ” trở về sau 33 năm

Ông Chóng được cho là hy sinh vào năm 1985 ở chiến trường Campuchia và được công nhận là liệt sĩ. Tuy nhiên, sau 33 năm, ngay ngày Tết, bất ngờ ông Chóng tìm về đoàn tụ gia đình.

TIN MỚI NHẤT