Muốn ly hôn đơn phương sẽ phải chịu "phạt"?

Tư vấn hôn nhân 07/01/2017 22:46

Do không chịu nổi nữa, mẹ em đã đưa đơn ra tòa án, mong có thể đơn phương ly hôn, nhưng bên tòa kêu nếu mẹ em đơn phương ra tòa, khi chia tài sản thì một mình mẹ phải đóng tiền phạt, số tiền phạt khá nặng, trong khi tiền nợ nần của gia đình đều do mẹ em đứng tên.

Chào chuyên gia. Ba mẹ em đã kết hôn hơn 20 năm, nhưng gần đây do kinh tế gia đình sa sút, ba em tính khí hay thất thường về nhà cãi nhau với mẹ. Có vài lần em bắt gặp nên đã lên tiếng giúp mẹ, sau đó em không còn thấy chuyện đó lặp lại nữa, nhưng em không ngờ là trong thời gian em đi học ở trường thì mọi chuyện lại tiếp tục. Em rất tức giận khi mỗi lần gọi điện thoại về nhà cho mẹ thì lại nghe thấy tiếng nức nở do vậy em đã cãi nhau với ba.

Sau đó do công việc ba cũng ít về nhà hơn. Nhưng hễ gặp mặt là 2 người họ lại cãi nhau. Cho dù về nhà, nhưng ba em cũng không ăn cơm, bệnh ra thì mẹ em phải chăm sóc đến gần sáng, nhưng mẹ em phải đi năn nỉ, cứ như bệnh của ông ấy là do mẹ gây ra vậy.

Do không chịu nổi nữa, mẹ em đã đưa đơn ra tòa án, mong có thể đơn phương ly hôn, nhưng bên tòa kêu nếu mẹ em đơn phương ra tòa, khi chia tài sản thì một mình mẹ phải đóng tiền phạt, số tiền phạt khá nặng, trong khi tiền nợ nần của gia đình đều do mẹ em đứng tên. Mong chuyên gia cho em biết, có cách nào giúp mẹ em trong việc giảm mức phạt khi ly hôn không và việc chia tài sản như thế nào, vì em thấy trong việc ly hôn này mẹ em là người chịu thiệt thòi nhiều nhất

Muốn ly hôn đơn phương sẽ phải chịu 'phạt'? - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Chào bạn!

Qua những gì bạn chia sẻ, chúng tôi hiểu rằng bạn đang băn khoăn không biết làm cách nào để giúp mẹ giảm chi phí khi ly hôn đơn phương và chia tài sản như thế nào. Chúng tôi chia sẻ băn khoăn này cùng bạn.

Có thể do kinh tế gia đình sa sút nên bố mẹ bạn đều cảm thấy áp lực và nảy sinh mâu thuẫn. Bên cạnh đó, có thể do công việc nên bố bạn ít về nhà và không có nhiều thời gian gần gũi, quan tâm mẹ bạn. Điều đó cũng có thể khiến mối quan hệ của hai người trở nên căng thẳng và khó giải quyết hơn. Sau cùng, những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình không thể giải quyết được thì ly hôn là phương án cuối cùng người ta lựa chọn để giải thoát cho cả hai. Tuy nhiên, gia đình bạn đang nợ nần, kinh tế vẫn còn khó khăn thì việc ly hôn chỉ khiến cho mẹ bạn chịu thêm một khoản chi phí nào đó về phân chia những tài sản có tranh chấp chứ tiền phạt do ly hôn đơn phương thì chúng tôi chưa được biết đến

Thay vì ly hôn thì bạn nghĩ sao về việc sẽ góp ý cho mẹ về hình thức khác là ly thân. Ly thân, hiểu theo nghĩa thông thường, nghĩa là vợ chồng không còn sống chung, ăn chung, ở chung, sinh hoạt chung… Mục đích của ly thân, theo quy định của luật pháp là để giảm thiểu những căng thẳng, xung đột gay gắt giữa vợ và chồng hoặc tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra. Đồng thời để các bên có thời gian suy ngẫm, ăn năn hối cải, khắc phục lỗi lầm, sửa đổi tính tình, tha thứ cho nhau… để vợ chồng đoàn tụ, tiếp tục chung sống. Ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng nên trong thời gian sống ly thân, các bên vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với con chung và tài sản.

Tuy nhiên, nếu qua quá trình ly thân mà tình trạng vợ chồng vẫn trầm trọng, vợ hoặc chồng vẫn chứng nào tật nấy, không cảm thông, tha thứ cho nhau, không khắc phục lỗi lầm, không dung hòa… khi ấy, các bên có thể xin ly hôn. Khi ly hôn đơn phương, tòa án luôn tôn trọng quyền tự thỏa thuận của cả hai vợ chồng, kể cả vấn đề chia tài sản. Trong trường hợp thỏa thuận không thành và các bên có yêu cầu thì tòa án sẽ giải quyết việc chia tài sản theo quy định của pháp luật, việc chia tài sản sẽ được ghi nhận tại quyết định hoặc bản án có hiệu lực thi hành của tòa án.

Bạn có thể đến tòa án nhân dân quận huyện nơi gia đình bạn sinh sống để tìm hiểu rõ hơn về chi phí, thủ tục khi muốn ly hôn đơn phương và phân chia tài sản. Bạn cũng có thể nhờ sự tư vấn của các văn phòng luật sư để có được thông tin chính xác, rõ ràng nhất. Ở đó, bạn sẽ có điều kiện trao đổi trực tiếp, rõ hơn với luật sư về các điều luật, cũng như những thắc mắc của mình.

Đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất mẹ bạn. Nếu không thể về nhà thường xuyên thì bạn hãy gọi điện, nhắn tin để nói chuyện, động viên mẹ nhiều hơn. Người phụ nữ thường chịu rất nhiều thiệt thòi khi chỗ dựa duy nhất là người chồng không yêu thương, tử tế mà còn thường xuyên chửi mắng. Bạn có thể cố gắng làm việc thật tốt để tự lập, lo cho mẹ hoặc là niềm tự hào cho mẹ. Đó sẽ là nguồn động viên lớn lao để mẹ vượt qua khó khăn trong lúc này.

Hi vọng bạn và mẹ bạn sẽ sáng suốt để đưa ra quyết định phù hợp!

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT