Nhiễm ký sinh trùng từ phở tái, thịt đồng

Sống khỏe 12/04/2015 08:10

Những món ăn ưa thích hằng ngày đôi khi lại ẩn chứa nguy cơ khôn lường đối với sức khỏe con người. Nhiễm ký sinh trùng từ thịt bò tái, thịt rừng chưa nấu chín, ếch đồng… có thể nguy hiểm, thậm chí mất mạng…

Ăn thịt tái, lợi bất cập hại

Tiến sĩ – bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM - chuyên gia về bệnh ký sinh trùng cảnh báo nhiều món ăn ưa thích có thể ẩn chứa nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm cho con người.

Trường hợp chị Trần Mỹ Hạnh, 35 tuổi, công nhân tại huyện Hóc Môn là một trong số những bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng thông qua đường ăn uống.

Khi đi khám, chị Hạnh kể với bác sĩ, sáng sớm ngủ dậy thấy đáy quần lót có những vật thể màu trắng như hạt gạo, thậm chí những hạt nói trên còn rơi cả trên giường.

Chị Hạnh được bạn bè khuyên mua thuốc tẩy giun uống nhưng không hết, hoảng sợ tìm đến bệnh viện.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Siêu kết luận bệnh nhân đã bị nhiễm sán dải bò (một loại ký sinh trùng hình dáng dài, dẹt như dải lụa, sống trong thớ thịt bò).

“Qua điều tra bệnh sử, chị Hạnh chia sẻ mình hay ăn phở bò tái mỗi sáng. Có thể thịt bò nhiễm sán, theo đường miệng thâm nhập vào cơ thể”, bác sĩ Siêu nói.

Như vậy, những vật thể trắng như hạt gạo mà bệnh nhân miêu tả chính là nang chứa hàng trăm trứng của sán dải bò rơi ra từ hậu môn.

Nhiễm ký sinh trùng từ phở tái, thịt đồng - Ảnh 1

Sán dải bò lổm ngổm dưới da tay.

Trường hợp bị nhiễm sán dải bò như chị Hạnh không hề hiếm.

Trước đây, khi còn là Trưởng Khoa xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, trung bình mỗi tuần bác sĩ Siêu gặp ít nhất từ 5 đến 6 bệnh nhân nhiễm sán dải bò.

Người nhiễm sán dải bò thường xanh xao, suy dinh dưỡng, uể oải do bị sán hút chất dinh dưỡng.

Muốn chữa trị dứt hẳn cho những bệnh nhân nhiễm sán dải bò, bác sĩ phải yêu cầu gia đình họ uống thuốc đặc hiệu. Chăn, màn, chiếu, gối, quần áo… của cả nhà người bệnh cũng cần được giặt nước sôi trong vòng 2 tuần để giết hết bào tử sán.

Không chỉ mỗi sán dải bò, Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM từng điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm sán dải heo.

Anh Trần Văn Tùng, 43 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn TP.HCM là một nạn nhân của sán dải heo vì thói quen thích nhậu thịt rừng, nhập viện trong tình trạng nhức đầu, ói mửa.

Bệnh nhân và gia đình vô cùng hoảng hốt khi đi khám, được bác sĩ phát hiện có khối u to bằng quả chanh trong đầu. Theo dõi không thấy khối u có dấu hiệu di căn, các bác sĩ đã phẫu thuật căt bỏ khối u, ngã ngửa vì nhận ra đó chính là nang sán dải heo.

Sán dải heo theo đường ăn uống xuyên qua thành ruột, theo máu di chuyển khắp cơ thể.. Nếu chúng cư trú dưới da sẽ gây mất thẩm mỹ nhưng nguy hiểm hơn cả là sán dải heo có thể di chuyển, làm tổ trong não khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.

Áp-xe mặt vì ếch xào lăn

Một trường hợp khác bị nhiễm ký sinh trùng từ món ăn đồng quê là ông Trần Văn Minh, ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM.

Ông Minh bỗng xuất hiện một khối áp xe bên hàm trái. Ông đi khám, được chẩn đoán bị áp xe mô, cho uống kháng sinh liều cao nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

Một ngày, ông Minh tá hỏa phát hiện khối áp xe di động, đang dịch chuyển, tới khám tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới, bác sĩ kết luận ông nhiễm giun móc (kích thước dài 2 mm, hình như trái chuối, đầu có 6 móc nhọn).

Nhiễm ký sinh trùng từ phở tái, thịt đồng - Ảnh 2

Hình dạng giun móc.

Loại giun này sống trong các con thủy sản như cá lóc, ếch, lươn đồng.

Bệnh nhân tâm hay mua thịt ếch đồng để tủ lạnh, xào lăn ăn dần.Thịt ếch đông đá, xảo lăn chỉ chín được lớp ngoài. Chính vì vậy trứng, nang của giun gnathosmasp còn sống, thâm nhập vào cơ thể gây áp xe.

Bị nhiễm ký sinh trùng gnathosmasp quá lâu nên khi điều trị, dù diệt hết giun nhưng khối áp xe bị xơ hóa làm gương mặt bệnh nhân biến dạng.

Bài: Bảo Trâm

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT