Màu sắc, kích thước, hình dáng của nướu tiết lộ những gì về sức khỏe của bạn?

Sống khỏe 05/04/2018 05:15

Những thay đổi của các yếu tố trên, bao gồm cả cảm nhận của chính bạn về nướu, là cách miệng cố gắng truyền tải đến bạn thông điệp sức khỏe.

Sức khỏe nướu (lợi) có vẻ chẳng phải là chủ đề hấp dẫn cho lắm. Nhưng thực tế thì nó có thể mang tới cho bạn rất nhiều thông tin thú vị. Hãy nghĩ đến việc này: bạn sử dụng miệng hàng ngày. Nhưng bạn lại không hề hay biết, nướu (lợi) của mình thực sự khỏe mạnh ra sao!

Trước hết, có một số đặc điểm cho thấy phần nướu răng đang ở trạng thái tốt:

- Nướu có màu hồng nhạt tới đậm hơn một chút (hoặc nướu có màu sậm hơn nhưng vẫn được đánh giá khỏe mạnh nếu phù hợp với sắc độ da của bạn);

- Nướu có vẻ ngoài và bạn cảm nhận được độ rắn chắc;

- Nướu nằm vừa khít, ôm gọn lấy răng;

- Việc dùng chỉ nha khoa chải răng không tạo cảm giác khó chịu;

- Việc cắn một miếng kem không khiến bạn rùng mình vì cảm giác nhói buốt.

Màu sắc, kích thước, hình dáng của nướu tiết lộ những gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 1

Bệnh về nướu (lợi) nếu quá nặng, nó thậm chí còn khiến bạn bị mất răng hoàn toàn.

Nếu bạn không thể nói "có" với tất cả các lựa chọn trên, đã đến lúc bạn cần quan tâm hơn tới nướu răng. Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), gần 1/2 trong số những người trưởng thành từ 30 tuổi trở lên bị một dạng bệnh về nướu (lợi) nào đó. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn làm nhiễm trùng nướu và xương vốn đảm nhận chức năng hỗ trợ răng.

Bệnh về nướu (lợi) không đùa được đâu. Nếu quá nặng, nó thậm chí còn khiến bạn bị mất răng hoàn toàn.

Chuyên gia các bệnh về nướu, Ari Moskowitz, chia sẻ: "Bệnh nướu (lợi) cứ âm thầm tấn công bạn theo thời gian". Điều này có nghĩa là mọi người thường quy các triệu chứng nướu không khỏe cho những việc khác, chẳng hạn, chải răng quá mạnh bằng chỉ tơ nha khoa.

Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy nướu răng không khỏe mạnh mà bạn không nên bỏ qua:

- Nướu chảy máu khi bạn chải răng bằng bàn chải đánh răng hay chỉ tơ nha khoa.

- Chúng có màu đỏ và bị sưng lên.

- Chúng không ôm sát răng mà hơi cách ra.

- Chúng bị tổn thương hoặc gây cảm giác mềm oặt khi bạn đánh răng, chải răng bằng chỉ tơ nha khoa cũng như lúc ăn/uống thứ gì đó nóng hoặc lạnh.

Màu sắc, kích thước, hình dáng của nướu tiết lộ những gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 2

Bệnh về nướu có thể ở các cấp độ nhẹ, trung bình hay nghiêm trọng, tuỳ thuộc vào mức độ xương bị hao mòn.

Tin tốt là bị viêm nướu – giai đoạn sớm nhất của bệnh về nướu (lợi) – là một trong số ít dịp bạn có thể "quay ngược thời gian". Mazen Natour, trợ giảng lâm sàng tại chuyên khoa bệnh nướu (lợi), Trường Nha khoa, Đại học New York, khẳng định: "Viêm nướu hoàn toàn có thể đảo ngược được". Tuy nhiên, một khi viêm nướu tiến triển thành bệnh về nướu, vi khuẩn sẽ lan rộng bên dưới gờ nướu và thậm chí có thể ảnh hưởng tới xương. Hậu quả cuối cùng là răng bị hỏng và mất đi.

Bệnh về nướu có thể ở các cấp độ nhẹ, trung bình hay nghiêm trọng, tuỳ thuộc vào mức độ xương bị hao mòn. "Ngay cả khi bạn có cải thiện được sức khỏe nướu sau đó thì chỗ xương mất đi không bao giờ có thể lấy lại được".

Và nếu như vậy vẫn chưa đủ để bạn chú ý nhiều hơn tới sức khỏe nướu (lợi), thì có một thực tế bạn cần hiểu: Sức khỏe răng miệng có thể tác động tới những gì sẽ xảy ra với phần còn lại của cơ thể. Nó thậm chí tác động tới cách thức phần còn lại của cơ thể vận hành.

1. Nếu phần nướu (lợi) có vẻ rời xa răng, bạn có thể đang quá stress hoặc bị chứng ngưng thở khi ngủ

Nghiến răng trong khi ngủ gây ra rất nhiều áp lực lên nướu, răng, xương hàm, từ đó, có thể dẫn tới tình trạng thoái hóa răng. Theo Tiến sĩ Moskowitz, lúc này, răng của bạn có thể trông dài hơn so với bình thường. Nó cũng có thể dẫn tới nguy cơ răng trở nên nhạy cảm nếu có đủ phần răng bị lộ ra.

Trong khi nghiến răng có thể do nhiều vấn đề sức khỏe gây ra như lo lắng, stress, nó cũng thường liên quan tới chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ xảy ra khi cơ họng bạn thả lỏng khiến đường thở bị chặn và việc hít thở bị gián đoạn. Theo National Sleep Foundation, gần 1/4 người bị chứng ngưng thở khi ngủ do đường thở bị cản trở thường hay nghiến răng.

Màu sắc, kích thước, hình dáng của nướu tiết lộ những gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 3

Nghiến răng trong khi ngủ gây ra rất nhiều áp lực lên nướu, răng, xương hàm, từ đó, có thể dẫn tới tình trạng thoái hoá răng.

"Quan trọng là phải kiểm soát chứng nghiến răng khi ngủ bằng dụng cụ bảo vệ hàm răng (bite guard). Đây là cách can thiệp không xâm lấn, giúp bảo vệ răng không bị gãy, vỡ. Nó cho phép bạn có thể tiếp tục nghiến răng nhưng không làm tổn thương răng", Tiến sĩ Moskowitz cho biết. Nhưng ông cũng lưu ý rằng, nếu nghiến răng liên quan tới hội chứng ngưng thở khi ngủ, bạn rất cần phải đi kiểm tra xem mình có bị mắc hội chứng này không.

Một điểm lưu ý nữa: Nếu nướu (lợi) đang mòn dần, nguyên do có thể bạn đang dùng một chiếc bàn chải đánh răng quá cứng hoặc quá lâu chưa thay. Động tác chải răng của bạn cũng có thể quá mạnh.

2. Đau nhức nướu (lợi) có thể là dấu hiệu bệnh Herpes

Có 2 chủng virus gây bệnh Herpes (mụn rộp): HSV-1 và HSV-2. Trong khi nhiều người nghĩ chỉ HSV1 mới có thể gây lở loét miệng, thì HSV-2 cũng làm được điều tương tự - theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ.

Những vết lở đau nhức thường xuất hiện ở đường biên khuôn miệng, nơi môi tiếp giáp với da. Nhưng cũng có thể bùng phát ở bên trong miệng, bao gồm, trên nướu (lợi). Nếu gặp phải tình trạng đó, bạn có thể cảm thấy nhột nhạt, rát bỏng hay ngứa lợi trước khi các vết loét xuất hiện và cuối cùng, bạn phát hiện ra nốt mụn rộp. Nếu bạn cho rằng mình bị đau nhức nướu do virus herpes hay ở bất cứ vị trí nào khác, hãy đi khám bác sĩ ngay. Bạn sẽ được chỉ định một loại thuốc kháng virus. Nó sẽ trợ giúp cho quá trình hồi phục của bạn.

Màu sắc, kích thước, hình dáng của nướu tiết lộ những gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 4

Những vết lở đau nhức thường xuất hiện ở đường biên khuôn miệng, nơi môi tiếp giáp với da.

3. Nướu nhạt màu, xanh xao có thể là dấu hiệu chứng thiếu máu

Nướu (lợi) khỏe mạnh có màu hồng nhạt tới hơi đậm một chút. Hoặc nếu da bạn sậm màu, nướu khỏe mạnh khi có màu hồng tía hoặc nâu. Trong khi màu hồng đậm hoặc đỏ có thể là dấu hiệu đáng lo ngại thì màu sắc nướu quá nhạt cũng cần được bạn lưu tâm. Theo Tiến sĩ Moslowitz, nướu trông cực kỳ xanh xao có thể báo hiệu chứng thiếu máu. Tình trạng rối loạn máu này xảy ra khi số lượng hồng cầu thấp và bạn không có đủ hemoglobin - protein giàu sắt. Hemoglobin tạo màu đỏ của máu và nếu thiếu nó, bạn có thể nhận thấy tình trạng xanh xao của da, trong đó có cả nướu (lợi).

Nếu bạn bị nướu xanh lớt hay các triệu chứng khác của chứng thiếu máu, như mệt mỏi và chóng mặt, nên đi khám bác sĩ ngay

4. Nướu khô có thể là triệu chứng của hệ miễn dịch gặp vấn đề

Hội chứng Sjogren là một bệnh rối loạn tự miễn. Nó xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm cơ thể bạn. Hội chứng Sjogren ảnh hưởng tới phần màng nhầy trong mắt và miệng, có thể dẫn tới lượng nước mắt và nước bọt suy giảm, làm cho miệng khô, trong đó có cả nướu. Khi nướu bị khô, nó góp phần hoặc làm tăng nặng bệnh về nướu (lợi).

Hội chứng Sjogren cũng thường đi kèm với bệnh thấp khớp hay bệnh lupus. Tất nhiên, không phải cứ bị viêm nướu là bạn chắc chắc mắc bệnh tự miễn. Nhưng nếu bị khô nướu, bạn chắc chắn cần tới gặp bác sĩ ngay.

Màu sắc, kích thước, hình dáng của nướu tiết lộ những gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 5

Nướu khô có thể là triệu chứng của hệ miễn dịch gặp vấn đề.

5. Ở một số người, bệnh nướu (lợi) và tiểu đường có mối liên hệ với nhau

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát, cơ thể bạn có thể gặp khó khăn hơn khi chống chọi với các vi khuẩn trong miệng. Kết quả, bệnh về nướu tăng nặng thêm và thời gian hồi phục lâu hơn – theo Viện Tiểu đường, Bệnh thận, Bệnh tiêu hóa Mỹ. Tiến sĩ Moskowitz chia sẻ: "Bị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn trong miệng bạn có thể gây áp lực lớn cho cơ thể và khiến việc kiểm soát tiểu đường càng trở nên khó khăn". Nếu bạn bị mắc các bệnh này, nên đi khám bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân.

6. Có một số liên hệ tiềm tàng giữa nướu (lợi) và phần còn lại của cơ thể

Có thể tồn tại mối quan hệ giữa bệnh nướu (lợi) và bệnh tim. Trong khi phớt lờ chăm sóc răng miệng không nhất thiết gây ra bệnh tim, nghiên cứu chứng minh răng, bệnh nướu và tìm có liên quan tới nhau. Dù chúng chưa được thấu hiểu một cách tường tận.

Ví dụ, một nghiên cứu vào tháng 8 năm 2014, đăng trên tờ American Journal of Preventive Medicine, đã nghiên cứu bảo hiểm cho 338.891 người bị bệnh nướu và được chẩn đoán mắc ít nhất 1 trong 5 chứng bệnh, trong đó có bệnh tim. Kết quả, khi người bị bệnh nướu được chữa trị, số tiền họ chi cho các cuộc thăm khám bệnh tim giảm 41%. Nhóm tác giả nghiên cứu viết: "Những kết quả này không thể trả lời câu hỏi quan trọng về việc liệu những khác biệt có phải do liệu pháp điều trị nướu (lợi) tạo ra hay liệu việc hoàn tất liệu pháp điều trị nướu (lợi) của một bệnh bắt nguồn từ tổ hợp các yếu tố, có xu hướng cải thiện kết quả sức khỏe, mà không liên quan gì tới bệnh nướu (lợi)".

Màu sắc, kích thước, hình dáng của nướu tiết lộ những gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 6

Có thể tồn tại mối quan hệ giữa bệnh nướu (lợi) và bệnh tim.

Cách giữ gìn sức khoẻ nướu, răng

Bạn nên đánh răng 2 lần/ngày, mỗi lần kéo dài trong 2 phút. Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm. Hiệp hội Nha khoa Mỹ cũng khuyến nghị chải răng bằng chỉ tơ nha khoa 1 lần/ngày.

Và cũng đừng trì hoãn những lần làm sạch răng định kỳ (2 năm/lần), bất kể bạn có ghét chúng đến thế nào đi nữa! Tiến sĩ Natour cho biết: "Ngay cả với việc chải răng và làm sạch răng tốt đến mấy, bạn vẫn nên đi khám nha sĩ định kỳ". Những chuyến kiểm tra sức khỏe răng miệng này đảm bảo duy trì hàm răng khỏe mạnh nói chung. Ngoài ra, nó còn giữ vai trò chủ chốt trong việc loại bỏ bất cứ chứng viêm lợi nào. Hoặc nếu bạn có bị bệnh về nướu (lợi), khám răng định kỳ sẽ giúp miệng giữ được sức khỏe tốt nhất có thể.

9 dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác chị em cần đặc biệt chú ý

Một số biểu hiện bất thường như tiểu không kiểm soát, chu kỳ kinh nguyệt bỗng dưng thay đổi thất thường, chảy máu âm đạo, âm đạo tiết dịch lạ hoặc giảm cân đột ngột... đều là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư cổ tử cung.

TIN MỚI NHẤT