Để không bội nhiễm, trẻ bị thủy đậu cần ăn những món sau

Sống khỏe 01/01/2017 18:24

Thủy đậu sẽ nhanh khỏi nếu ăn các thức ăn có tính thanh nhiệt giải độc, dễ tiêu hóa. Ví dụ, có thể ăn cháo đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, cháo kim ngân hoa...

Bệnh thủy đậu dễ mắc ở trẻ nhỏ từ 1-4 tuổi, có thể mắc cả ở người lớn. Trẻ từng mắc bệnh 1 lần đã có kháng thể nên đa phần không mắc lại.

Theo PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), thủy đậu có thể điều trị tại nhà, khi trẻ sốt thì cho dùng thuốc hạ sốt và bôi các vết bỏng nước bằng một số thuốc kháng vi rút. Tuy nhiên, vẫn cần sự tư vấn của bác sĩ trước khi dùng.

Để không bội nhiễm, trẻ bị thủy đậu cần ăn những món sau - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Triệu chứng khi trẻ mắc thủy đậu như: mệt mỏi, đau đầu, sốt, chảy nước mũi, đau họng, trên da xuất hiện các nốt bỏng nước từ phần đầu rồi lan xuống toàn thân. Bệnh ít khi gặp biến chứng nếu được chăm sóc tốt, vệ sinh đúng cách.

Kiêng đồ ăn sinh nhiệt

Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Lương Y Bùi Hồng Minh cho hay, trong Đông y, thủy đậu là loại bệnh ôn dịch. Người mắc thủy đậu là do nhiễm nhiệt độc.

“Do cơ thể bị nhiễm nhiệt độc (ôn nhiệt) nên phát mụn nước ra ngoài cho nên cần hạn chế ăn những đồ ăn sinh nhiệt, có tính nóng, thức ăn có nhiều dầu mỡ. Tránh ăn những thức ăn có nhiều đường”, Lương Y Bùi Hồng Minh nói.

Cụ thể, cần tránh các loại gia vị có tính nóng như, tỏi, ớt cay, gừng, hành, hạt tiêu… Một số loại thịt ăn vào dễ sinh nhiệt làm bệnh thêm nặng như: thịt chó, thịt gà, thịt ngan, lươn, các loại hải sản (tránh dị ứng thêm ngứa) và tránh một số loại quả như: nhãn, vải, mít, hồng, mận…

Bị thủy đậu nên ăn gì để trẻ nhanh khỏi?

Thủy đậu sẽ nhanh khỏi nếu ăn các thức ăn có tính thanh nhiệt giải độc, dễ tiêu hóa. Ví dụ, có thể ăn cháo đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, cháo kim ngân hoa, uống bột sắn dây, uống nước rau má, rau diếp cá, ngải cứu, hay có thể ninh hạt đậu xanh lấy nước cho trẻ uống…

Lương y Bùi Hồng Minh cho biết: “Có thể nâng cao sức đề kháng và khả năng tự miễn dịch cho trẻ bằng cách uống thêm các loại sinh tố hoa quả. Đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin C như: cam, chanh, dưa hấu… sẽ tốt cho quá bệnh nhanh hồi phục”.

Một số bài thuốc khác như:

- Rau má 20g rửa sạch, xay sinh tố lọc lấy nước, cho thêm 10g bột sắn dây vào uống cùng. Đây là loại nước có tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát gan giảm mụn nhọt.

- Đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, mỗi thứ 100g, thêm 2g cam thảo ninh lấy nước cho trẻ uống trong ngày.

- 10g kim ngân hoa nấu nước uống trong ngày dùng để thanh nhiệt, hạ sốt.

- Cháo đậu thịt lợn: Thịt lợn 50g băm nhỏ ninh với gạo, các loại hạt đậu (đậu đỏ, đậu xanh) ăn khi bụng đói.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân  chủ động thực hiện một số biện pháp sau để phòng chống thủy đậu:

Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Thực hư loại gia vị quen thuộc đun nóng gây ung thư, chuyên gia chỉ ra những thứ bạn cần tránh

Dầu hào khi đun nóng có gây ung thư không? Câu hỏi khiến nhiều người lo lắng và được các chuyên gia giải đáp.

TIN MỚI NHẤT