Hậu quả của thói quen ăn mà không nhai, chỉ lo nuốt

Sống khỏe 06/12/2017 04:27

Bữa ăn của một số bạn đôi khi diễn ra rất nhanh. Chỉ 5 phút là bạn gặm hết ổ bánh mì hay ăn trọn một tô phở, sau đó lại cuống cuồng lao vào công việc. Thói quen này sẽ để lại hậu quả như thế nào?

Có rất nhiều người cảm thấy tức bụng sau khi ăn mà chẳng hiểu nguyên nhân do đâu. Lí do rất đơn giản, đó là do bạn ăn quá nhanh nên cơ thể không kịp tiêu hóa. Chẳng hạn như anh N. K. Hòa, 27 tuổi, nhân viên truyền thông của một công ty nọ. Vì công việc rất bận rộn và phải cập nhật tin tức liên tục nên anh lúc nào cũng trong trạng thái chạy nước rút. Bữa ăn trưa của anh diễn ra rất chóng vánh. Chỉ cần nhờ ai đó mua thức ăn về là Hòa có thể giải quyết gọn ghẽ trong vòng 5 phút. Nhiều lần bị nghẹn cổ và tức bụng mà anh vẫn không bỏ được thói quen này.

Nhai không kỹ gây viêm loét dạ dày

Theo Thạc sĩ, bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Hải, Đại học Y dược TP.HCM: "Nhai là một động tác bắt buộc cùng với nước bọt để nghiền nhỏ, nhào trộn thức ăn, giúp thức ăn dễ tiêu hóa và không rơi vào đường thở gây sặc. Quá trình nhai tiết ra chất men Amylase giúp phân giải một phần tinh bột ngay từ miệng. Nếu nhai chậm thì chính trong quá trình nhai, cơ thể đã hấp thụ ngay một số chất dinh dưỡng. Nhưng nếu ăn quá nhanh, ngoài việc không hấp thụ được dinh dưỡng trong thực phẩm, ăn không ngon miệng còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe”.

Động tác nhai giúp tiết ra nhiều dịch dạ dày, nhờ đó mà thức ăn được tiêu hóa triệt để.
Động tác nhai giúp tiết ra nhiều dịch dạ dày, nhờ đó mà thức ăn được tiêu hóa triệt để.

Bạn còn nhớ Trư Bát Giới vì quá tham ăn mà nuốt cái ực nguyên quả nhân sâm không? Bát Giới còn đang tiếc nuối chưa kịp cảm nhận vị ngon thì quả nhân sâm đã trôi xuống thực quản, may mắn là chưa bị sặc, nghẹn, hóc hay chướng bụng, khó tiêu. Bởi khi bạn nuốt nhanh, động tác nhai ít, dịch dạ dày cũng tiết ra ít, không đủ để tiêu hóa thức ăn nên thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày, gây khó chịu. Ăn nhanh cũng sẽ gia tăng lượng không khí mà bạn nuốt vào, gây trương bụng và đầy hơi. 

Bác sĩ Hải khuyến cáo, về lâu dài, ăn nhanh sẽ gây ra hội chứng trào ngược dạ dày, bệnh viêm loét dạ dày, viêm đại tràng do cơ quan tiêu hóa phải làm việc “quá tải” trong tình trạng thiếu thốn dịch vị.

Thói quen ngấu nghiến thức ăn có thể dẫn tới viêm loét dạ dày.
Thói quen ngấu nghiến thức ăn có thể dẫn tới viêm loét dạ dày.

Ăn chậm, nhai kĩ sẽ giúp giảm cân

Ăn chậm là thói quen tiêu biểu của những người ăn kiêng. Bởi vì vấn đề lớn nhất đối với người ăn nhanh là bạn sẽ phải ăn nhiều hơn cần thiết thì mới no được. Khi thực phẩm vào đến miệng, cơ thể sẽ giải phóng những tín hiệu để đường tiêu hóa "dọn đường" cho thực phẩm xuống dạ dày. Khi bạn ăn đủ, dạ dày sẽ gửi tín hiệu đến não, yêu cầu bạn dừng ăn. Nhưng việc ăn quá nhanh sẽ khiến cơ thể lỡ mất những tín hiệu này, bạn không cảm thấy no và thế là lại tiếp tục ăn.

Một vài nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc ăn nhanh và nguy cơ thừa cân, béo phì cũng như bệnh tiểu đường loại 2. Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng những người ăn chậm sẽ tiêu thụ ít calo và no lâu hơn. 

Bên cạnh đó, nhiều người tranh thủ ăn khi đang trên đường đến một địa điểm nào đó, điều này sẽ khiến cơ thể mất cảm giác no. Hơn nữa, nhiều khả năng bạn sẽ ăn bừa một món gì đó thiếu dưỡng chất mà còn nhiều calo. Hãy dành thời gian ăn uống chỉn chu để cơ thể biết khi nào nên dừng lại. 

Ăn chậm, nhai kĩ là một cách giảm cân hiệu quả.
Ăn chậm, nhai kĩ là một cách giảm cân hiệu quả.

"Người xưa thường nói “nhai kỹ no lâu”. Mọi người nhất thiết nên tập thói quen ăn chậm. Ăn chậm ngoài việc thưởng thức ẩm thực trong lúc ăn, bạn còn tránh được những phiền toái, nguy cơ bệnh tật. Bởi ăn để sống, chứ không phải là ăn để rước bệnh”, bác sĩ Hải đưa ra lời khuyên.

Ăn chậm nhai kỹ bạn sẽ nhận được 5 lợi ích tuyệt vời này cho sức khỏe

Ngày nay, thời gian dành cho bữa ăn ngày càng rút ngắn lại. Liệu ăn nhanh có ảnh hưởng gì đến sức khỏe? Câu trả lời là có và dưới đây là những lý do vì sao nên học cách ăn chậm.

TIN MỚI NHẤT