Cách đơn giản trị chứng căng da, rát mặt, chân tay nứt nẻ mùa đông

Sống khỏe 14/11/2017 11:32

Thời tiết đêm lạnh, ngày nóng làm nhiều người sáng hoặc tối thấy căng rát da mặt, môi khô, mặt mốc nhăn, chân tay nứt nẻ rất khó chịu. Làm sao để đối phó với triệu chứng này?

Nên uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày) phòng ngừa da khô.
Nên uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày) phòng ngừa da khô.

1. “Da rắn” nứt nẻ, bị bong tróc

Theo BS Duy Anh (Phòng khám Bệnh viện E, Hà Nội), phái đẹp sợ nhất khi da bị nứt nẻ, bong tróc, sờ vào thấy sần sùi, thô ráp, xỉn màu… Khi đánh phấn, xoa kem phấn bị đọng ở các vết nẻ, hoặc bụi bong đầy quần áo, rất mất thẩm mĩ. Đó là do không chăm sóc da, không dưỡng ẩm nên lớp tế bào chết dày lên.

Để tránh bị “da rắn”, không nên rửa mặt bằng nước nóng quá, sữa rửa mặt dùng loại nhẹ dịu để tránh mất chất dầu trên da. Hàng ngày thoa kem dưỡng ẩm giúp làm mềm da và mướt mịn nên thoa dày hơn mùa hè.

Những ngày trở trời, mưa lạnh nên hạn chế lột da mặt. Hãy rửa mặt sạch và chăm đắp mặt nạ đu đủ, dưa chuột, cà chua, cà rốt... và massage da mặt thường xuyên giúp máu lưu thông, dưỡng ẩm, rất tốt cho da mặt.

Một tuần có thể xông hơi da mặt bằng các thảo dược như trà hoa cúc, lá trà xanh, lát chanh… để tăng khả năng tuần hoàn mạch máu, thông thoáng lỗ chân lông, tẩy rửa các tế bào chết, chất bẩn giúp tái tạo làn da.

Trong dân gian có cách để da toàn thân không bị khô vào lúc giao mùa, mưa lạnh. Dễ thực hiện và hiệu quả nhất là trộn dầu olive cùng 5ml sữa tắm xoa đều cơ thể rồi massage và tắm sạch bằng nước ấm. Hoặc dùng hợp chất 2 quả chanh tươi, 5ml dầu dừa nguyên chất, 5ml sữa tắm trộn đều, dùng như sữa tắm bình thường. Sau khi tắm xong nên bôi kem dưỡng ẩm nhưng lưu ý không bôi kem dày quá vì sẽ gây bít lỗ chân lông, bí da khiến da sần sùi.

Khi thấy da có biểu hiện bị dị ứng, sẩn ngứa cần giữ gìn vệ sinh sạch, không chà xát quanh đó để tránh bị nhiễm trùng. Người da khô tránh dùng sữa tắm, xà phòng có độ kiềm cao và chỉ tắm bằng nước sạch, sau đó thoa kem dưỡng ẩm, kem thảo dược, kem dành cho trẻ em. Hãy dùng kem dưỡng ẩm phù hợp với da và có loại chuyên biệt dành trị da khô mốc, nứt nẻ. Không tự ý dùng thuốc bôi chống khô da để tránh gây dị ứng.

2. Ngứa, nổi mề đay

Theo BS Nguyễn Thành, nguyên BS Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), bệnh ngứa, mề đay đặc trưng nổi các mảng sẩn đỏ trên mặt, cơ thể và sẩn cả mảng to, gây ngứa ngáy và càng gãi càng ngứa. Khi bị ngứa, sẩn, mề đay cần hạn chế gãi, chà xát da vì dễ bị nhiễm trùng.

Chứng ngứa, mẩn đỏ do da bị khô, viêm da tiếp xúc dị ứng do lạnh, gây ngứa, đỏ da đơn thuần và rát đỏ hai bên gò má và trán, khiến các mảng da bong tróc nhẹ.

Ngứa da do thời tiết không thể chữa khỏi vĩnh viễn, trời ấm là cơn ngứa cũng hết. Để tránh bị khô da, ngứa thì trong phòng điều hòa sưởi ấm, máy sưởi cần dùng thêm một máy giữ độ ẩm. Những người hay ngồi sưởi bên bếp lửa nên rửa mặt bằng nước muối ấm để giữ độ ẩm cho da.

Những ngày trở trời, mưa, lạnh không nên tắm nước ấm quá lâu vì làm da khô ngứa hơn. Nên mặc các loại áo lụa, cotton. Tránh những chất liệu gây ngứa (vải bố, len, dạ…) vì chúng cọ sát và gây kích ứng, ngứa ngáy cho da. Nếu thấy bệnh tiến triển cần đi khám để bác sĩ chuyên khoa chỉ định dùng thuốc. Không nên tự ý mua thuốc về điều trị.

3. Nứt gót chân

Đó là hiện tượng khô, cứng, dày da, da đổi màu. Bàn chân vốn ẩm ướt và nóng là nơi nảy sinh nhiều loại vi khuẩn… Tuy nứt gót chân không lây, mà chỉ đau chỗ nứt, nhưng gây sưng, nóng, chảy dịch, nhiễm trùng… Lứa tuổi trung niên hay bị do da gót mất các loại chất béo tự nhiên. Những người đi dép, giày không tất rất dễ mắc. Lo ngại nhất là người bị tiểu đường hay mất cảm giác ở bàn chân nên nứt gót dễ bị nhiễm trùng, dẫn đến loét bàn chân.

Chữa nứt gót chân bằng cách trước khi đi ngủ ngâm chân trong nước ấm 10-15 phút cho da mềm, rồi chà xát gót và cả đôi chân để bong tế bào da chết. Lau khô chân rồi thoa kem dưỡng ẩm hoặc vaseline. Làm liền 3-7 ngày gót chân sẽ hết bị nứt đau.

Đề phòng nứt gót chân thì khi trời lạnh duy trì thoa kem dưỡng ẩm, vaseline thường xuyên. Nhưng không bôi kem dưỡng ẩm vào kẽ ngón chân kẻo sinh nấm chân. Tránh tắm lâu vì làm chân bị ngậm nước, làm cho da khô. Tắm nước nóng còn bất lợi cho những người bị bệnh tiểu đường, người có tuần hoàn máu suy yếu.

Mỗi khi tắm dùng đá bọt chà nhẹ để lấy đi tế bào chết, tắm xong nên thoa kem dưỡng ẩm cho ngấm tốt hơn. Tránh đi giày chật, dưỡng ẩm cho da gót chân. Không bóc hoặc cắt da gót chân vì sẽ tăng nguy cơ trầy xước, chảy máu, nhiễm trùng. Hạn chế đi giày đế cứng và khi đi giầy nên đi tất. Không đứng lâu trên sàn cứng hoặc giày cao gót.

Phòng ngừa bệnh cho da nên

*Nên:

- Uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày).

- Ăn nhiều hoa quả rau xanh vì giàu vitamin, khoáng chất, các thực phẩm chứa nhiều nước (rau, dầu ôliu…) giúp da đủ ẩm chống lạnh.

- Ngủ đủ giấc để các tế bào da được tái tạo (7-8 giờ/ngày với người lớn và 15-30 phút ngủ trưa).

- Luôn giữ ấm cơ thể. Tránh bị gió lùa. Ra đường vẫn dùng khẩu trang, nón, mũ... để hạn chế da tiếp xúc với gió bấc kẻo khô nẻ, bảo vệ da khỏi bốc hơi nước.

- Thường xuyên thoa dầu oliu, dầu vừng, dầu dừa cho da môi, gót chân để không bị nẻ căng da, giúp da mềm mại.

- Tập thể dục hằng ngày rất tốt cho sức khỏe và làn da.

*Không nên:

- Không nên dùng rượu, cafein, chất kích thích vì sẽ làm tăng cảm giác ngứa, nhất là ở vết nứt gót chân.

- Không nên mặc quần áo chật, bó sát, chất liệu gây ngứa như vải bố.

- Không nên ăn các món gây dị ứng (hải sản, các chất được lên men như dưa, cà muối chua…).

BS Duy Anh (Bệnh viện E, Hà Nội)

 

 

Trời lạnh rồi mà không ngâm ngay 2 lọ thần dược này để dùng bảo sao da bị nứt nẻ, sạm màu lại nổi đầy mụn

Chẳng cần tốn kém, ngâm ngay 2 hũ "kem dưỡng" này để làn da đẹp "mĩ miều" chỉ sau 1 tuần sử dụng.

TIN MỚI NHẤT