Trầm cảm sau sinh: Cần làm gì để chiến đấu với sự cô đơn tàn khốc này

Mẹ bầu 23/05/2018 13:15

Mang thai và sinh nở là một quá trình mệt mỏi và áp lực. Nhiều phụ nữ phải tự đối diện với chứng trầm cảm sau sinh mà thậm chí chồng và gia đình không hề hay biết.

Cuộc chiến đơn độc của các bà mẹ

Trầm cảm sau sinh là rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến cả phụ nữ mới làm mẹ, đã sinh nở nhiều lần hay nhận con nuôi. Khi mắc bệnh, người mẹ không kiểm soát được cảm xúc nên thường khóc không rõ nguyên nhân và lên cơn hoảng sợ. Họ gặp khó khăn trong việc chăm sóc đứa trẻ, khó chịu bực bội vì sự có mặt của con, sợ làm con đau hoặc oán giận cả gia đình rồi lại thấy tội lỗi vì chính những cảm xúc tiêu cực ấy.

Trầm cảm sau sinh: Cần làm gì để chiến đấu với sự cô đơn tàn khốc này - Ảnh 1
Trầm cảm sau sinh nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời có thể gây ra hậu quả khó lường. Ảnh: Internet

Trên các diễn đàn nuôi con, chia sẻ kinh nghiêm, tâm sự bà bầu, nhiều người mẹ chia sẻ câu chuyện của chính mình. 

Chị Nguyễn Hồng Liên kể, con chị đã hơn 1 tuổi nhưng chị vẫn chưa vượt qua được chứng trầm cảm sau sinh. Nguyên nhân là do bản thân được quan tâm quá mức. "Nhiều người nghe mình kể chuyện thì nghĩ rằng mình thuộc dạng có vấn đề, vì được gia đình chăm sóc như bà hoàng, đáng lẽ mình phải hạnh phúc mới đúng. Nhưng sự quan tâm thái quá lại khiến mình thêm bực. Bé Bon nhà mình là cháu nội đầu tiên của gia đình. Suốt 3 tháng đầu mình bị khủng hoảng vì "được" mẹ chồng tẩm bổ dữ quá, ngày nào cũng 5 cữ ăn toàn đồ bổ như tim hầm, gà, bồ câu hầm thuốc bắc, cháo móng giò...Bà nấu xong bê lên tận nơi và ép mình ăn hết sạch...

Chị chia sẻ thêm là bà rất quan tâm đến cháu nhưng đôi lúc thái quá, ví dụ như thấy Bon khóc, bà liền chạy ngay vào phòng chị, nựng bé, hôn bé. Chị nói nhiều lần là cháu còn bé, sức đề kháng yếu nên hôn bé có thể sẽ khiến Bon bị nhiễm khuẩn. "Đồng nghiệp cứ khen mình sướng, chồng mình góp ý bảo mình không nên cáu kỉnh, nhưng quả thực từ khi sinh Bon ra mình hầu như không có nụ cười, lúc nào cũng cảm thấy ức chế, mất kiểm soát, mất quyền riêng tư."

Hay như chị Nguyễn Bình Minh cũng mắc chứng trầm cảm sau sinh. Chị tâm sự chính việc suốt ngày quanh quẩn trong việc thay tã, thay bỉm, cho con bú...là hết một ngày khiến chị căng thẳng, bực bội. 

Bố mẹ chị đã lớn tuổi không thể đến thăm thường xuyên, bố mẹ chồng lại không nói chuyện nhiều và bắt chị nói ít vì sợ về già sẽ bị nhịu. Còn chồng chị thì bận tối ngày, lại ít nói nên chị không biết nói chuyện với ai. Chị nói chuyện với con, "thuyết minh" khi thay bỉm hay cho con bú - việc mà người lớn cho rằng vậy là "hâm"...

Theo các chuyên gia, trầm cảm sau sinh thường được chẩn đoán muộn khi người mẹ đã chịu đựng trầm uất tinh thần nặng nề. Họ phán xét chính mình về tình trạng đang trải qua, không biết tại sao lại cảm thấy bất lực vào giai đoạn mà đáng lẽ phải hạnh phúc với con. Sợ bị phê bình, người mẹ càng che giấu, không dám chia sẻ với ai.

Một số triệu chứng thường gặp ở bà mẹ trầm cảm sau sinh là vô cảm hoặc rất nhạy cảm, dễ cáu gắt, dễ lo âu và hoảng sợ, buồn bã, sao nhãng trong việc chăm con, mất ngủ, ăn uống thất thường, cảm thấy trống rỗng, giảm thiểu giao tiếp với người khác…

Ngoài ra, các bà mẹ còn có tư tưởng chủ nghĩa cầu toàn ám ảnh.  Điều này nghĩa là các mẹ luôn bực bội với những gì không vừa lòng với ý muốn của chính mình. Thậm chí, khi trải qua cảm giác này bạn nhất quyết phải đòi hỏi mọi thứ phải theo ý mình bằng được mặc dù nó không đúng hoặc khó có thể xảy ra.

Với tình trạng bị trầm cảm nặng, những ý nghĩ ám ảnh có thể xuất hiện và thường liên quan đến bạo lực đối với trẻ.

Những lưu ý mà cả phụ nữ sau sinh và người thân cần nhớ

Hãy nhớ, phụ nữ sau sinh cực nhạy cảm, dễ rối trí, hay lo lắng, thiếu tập trung... Vì thế, người phụ nữ cần chú ý đến sức khoẻ của mình, cần nghỉ ngơi, thư giãn, tránh tình trạng lo lắng quá nhiều. 

Trầm cảm sau sinh: Cần làm gì để chiến đấu với sự cô đơn tàn khốc này - Ảnh 2
Chồng và gia đình nên quan tâm, nói chuyện một cách nhẹ nhàng với "mẹ bỉm sữa". Ảnh: Internet

Người thân (chồng, cha mẹ, anh chị em...) nên:

- Quan tâm, chia sẻ, trò chuyện với "mẹ bỉm sữa" một cách nhẹ nhàng.

- Luôn giữ cho các mẹ tâm trạng ổn định, tinh thần thoải mái, không trách mắng hay la hét khi họ làm sai.

- Chú ý đến chế độ ăn ngủ, sinh hoạt hợp lý cho người mới sinh.

Trong trường hợp nặng, bạn đừng ngại ngần đưa bệnh nhân đi gặp bác sĩ tâm lý trước khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Về phía người mẹ, cần để ý quan tâm chăm sóc bản thân, tìm lại thú vui sở thích trước đây, học cách nhận diện và nói ra trạng thái cảm xúc. Không nên lúc nào cũng dính với con mà dành thời gian riêng cho bản thân mình.

Về phía người chồng, nên chủ động chia sẻ cảm xúc, trò chuyện riêng với vợ. Lưu ý hạn chế khuyên bảo vì phụ nữ cần được yêu hơn là được hiểu, cần được lắng nghe hơn là tìm giải pháp. Bên cạnh đó, hai vợ chồng cùng san sẻ trách nhiệm chăm sóc con.

Các bà mẹ nên:

- Không cô lập bản thân, hãy nói cho xung quanh biết về tình huống của mình.

- Khám bác sĩ hay một nhà chuyên môn về sức khỏe mà bạn tin cậy.

- Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh.

- Thiết lập các mạng lưới hỗ trợ ngay khi dự định mang bầu và đón nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài.

- Hiểu về sự thay đổi cảm xúc thai kỳ, chấp nhận sự có mặt của chứng trầm cảm sau sinh.

- Không tự tạo áp lực, chấp nhận bản thân không phải là người mẹ hoàn hảo.

- Tận dụng lúc con ngủ để nghỉ ngơi, hồi sức.

Vì sao mẹ trầm cảm con kém thông minh?

Các nghiên cứu mới cho thấy trẻ em lớn lên bên người mẹ bị trầm cảm dễ có IQ thấp.

TIN MỚI NHẤT