Mẹ bầu bị sốt xuất huyết có gây hại cho thai nhi không?

Mẹ bầu 28/10/2017 08:17

Bác sĩ Lê Tiểu My (Bệnh viện Mỹ Đức, TP. Hồ Chí Minh) sẽ giải đáp các thắc mắc của chị em liên quan đến việc bị sốt xuất huyết khi đang mang thai.

Năm nào cũng thấy báo động dịch sốt xuất huyết, và với nhân viên y tế đó thật sự là nỗi ám ảnh. Bởi vì trước một bệnh nhân sốt xuất huyết, không ai có thể lường hết trước được những gì có thể diễn tiến sắp đến. Khi có thai, có vài điều bạn cần lưu ý hơn.

1. Các dấu hiệu báo động có thể bạn bị sốt xuất huyết

- Sốt cao liên tục > 38 độ

- Nhức đầu (đau đầu)

- Đau mắt

- Đau nhức cơ và các khớp xương

- Nổi ban

- Chảy máu chân răng, máu cam…

Bạn cần đi khám khi đang mang thai mà thấy sốt, mệt mỏi, bởi vì hiện nay có thể chẩn đoán sốt xuất huyết sớm bằng xét nghiệm máu. Trong mọi trường hợp, mình khuyên bạn không nên tự mua thuốc uống, tự điều trị theo kinh nghiệm của bạn hay bất kỳ ai bởi họ không thể bằng bác sĩ. Đó là lời khuyên rất chân thành.

Mẹ bầu bị sốt xuất huyết có gây hại cho thai nhi không? - Ảnh 1

Khi nhận thấy dấu hiệu bị sốt, mệt mỏi, mẹ bầu nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay. (ảnh minh họa) 

2. Sốt xuất huyết có gây hại cho thai nhi không?

Dữ liệu về ảnh hưởng lên thai kỳ khi mẹ mang thai bị sốt xuất huyết hiện nay còn ít, chưa thấy khuyến cáo nào phân tích khả năng gây dị tật thai. Tuy nhiên, nếu sốt xuất huyết xảy ra quanh thời điểm sinh thì có thể ảnh hưởng đến bé sơ sinh. Triệu chứng ở bé thường xảy ra trong tuần đầu sau sinh như tụt huyết áp, giảm tiểu cầu, chảy máu,…và rất ít trường hợp trẻ bị sốt.

Một vài tài liệu có ghi mẹ bị sốt xuất huyết thì có thể sinh non, trẻ nhẹ cân… Nếu mẹ nhiễm siêu vi Dengue ngay lúc chuyển dạ sinh con, trẻ có thể bị sốt xuất huyết trong 2 tuần đầu sau sinh. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách theo dõi bé nếu xảy ra trường hợp này.

3. Phòng muỗi cắn khi mang thai

Là cách tốt nhất để bảo vệ bạn và con bạn. Một số cách bạn hay nghe như mặc quần áo sáng màu, giữ nhà cửa sạch sẽ, không để nước đọng… Bạn có thể sử dụng thuốc thoa chống muỗi đốt có thành phần tự nhiên như chanh, khuynh diệp. Nên đọc kỹ thành phần của thuốc và lưu ý thành phần của thuốc không quá 30% DEET

4. Bảo vệ con trẻ

Nếu mùa dịch, vùng dịch hay trong gia đình, hàng xóm có người bị sốt xuất huyết, bạn cho trẻ ngủ mùng (màn) suốt cả ngày lẫn đêm. Cho trẻ mặc cotton thoáng, che kín tay và chân. 

Chỉ sử dụng thuốc phòng muỗi cắn cho trẻ trên 2 tháng tuổi và không quá 30% DEET (bạn cần đọc hướng dẫn sử dụng thật kỹ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào cho trẻ). Không sử dụng thuốc thoa chống muỗi cho bé < 2 tháng. Tham vấn bác sĩ Nhi khoa trong bất kỳ trường hợp nào bạn không chắc chắn an toàn cho bé.

TIN MỚI NHẤT